Nhân chuyển viếng thăm viện đại học tại miền nam California, qua lời giới thiệu của một người bạn, tôi đã có dịp gặp và trò chuyện nhiều lần với nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ Hồ Nhật Nam. Khác với suy nghĩ của tôi về các bậc giáo sư, TS Hồ Nhật Nam có một vẻ ngoài thư sinh, trẻ trung với nụ cười thường trực trên môi.
Tuy sang Mỹ từ nhỏ và dùng tiếng Anh là ngôn ngữ để sinh hoạt, giảng dạy nhưng anh nói tiếng Việt rất chuẩn. Anh là một trong những giáo sư tiến sĩ người Việt được thỉnh giảng tại nhiều trường ĐH trên thế giới và đồng thời là nhà khoa học có nhiều đóng góp cho nền khoa học của nhân loại.
Nhiều kiến thức trong SGK được học hiện nay đã sai!
21 tuổi hoàn tất Đại học, bỏ qua bậc thạc sĩ, 24 tuổi anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và mất 1 năm nữa để hoàn thành bậc hậu tiến sĩ tại ĐH Harvard anh nghĩ gì về sự thành công của mình?
Tôi may mắn được học và làm việc chung với những khoa học gia lỗi lạc hiện đại; trong đó có những chương trình nghiên cứu đạt giải Nobel. Dĩ nhiên, không phải lúc nào tôi cũng thành công trong nghiên cứu nhưng tôi không bao giờ nản lòng. Niềm đam mê của tôi là được nghiên cứu và làm việc chung với các nhà khoa học lỗi lạc khác để tìm ra những điều mới giúp ích cho cuộc sống loài người.
Lúc còn bé, gia đình tôi không khá giả nên tôi cố gắng để giành được những học bổng. Và cũng nhờ đó mà tôi mới có dư chút ít để giúp đỡ lại gia đình khi còn là sinh viên. Với tôi, sự thành công và thành tài không đáng kể mà sự thành nhân mới là quan trọng.
Thêm vào đó, tôi còn là một người Việt Nam nên tôi không muốn ai đó nhìn vào nước da, vóc dáng, mái tóc đen mà coi thường.
Anh có thể nói rõ hơn về những lợi ích của những nghiên cứu của anh, chúng có giúp ích gì cho nhân loại?
Công trình nghiên cứu của tôi cũng khá đa dạng. Một trong những nghiên cứu mà tôi đang theo đuổi là làm cho các DNA biến đổi theo hình dạng và chất tố mà tôi muốn. Tôi có thể lập lên những mô hình DNA mẫu rồi cấu tạo nó thành một DNA mới. Nói nôm na là tôi kéo thẳng nó ra và rồi uốn nó lại theo ý thích của mình để tạo tiền đề cho các nhà khoa học khác tiếp tục nghiên cứu thêm về sự đa dạng cũng như cấu trúc phức tạp của DNA.
Một ví dụ khác như từ trước đến nay theo như Sách giáo khoa được học về chất hydrogen. Như ta biết là Hydrogen thường chỉ có 1 bond (1 gạch, liên kết nguyên tử) để nối với các nguyên tố khác. nhưng tôi đã chứng minh điều đó không hoàn toàn đúng. Qua nghiên cứu và giải mã nhiều kim loại phân tử, tôi có thể chứng minh qua nhiều dạng phân tử có chất hidro với 4, 5 , 6 hay thậm chí 8 bond.
Từ đó, các nhà khoa học khác có thể sử dụng công trình của tôi để hiểu thêm về cấu trúc của sự liên kết những nguyên tố với Hydrogen hoặc khi chất này liên kết với nguyên tử kim loại.
Thêm vào đó, tôi đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu lĩnh vực biến dạng Alcohol thành nguyên liệu xăng dầu vì nó sẽ giúp cho chúng ta bảo vệ môi trường tốt hơn so với hiện nay.
Nói chung qua nghiên cứu, mình phát hiện ra nhiều kiến thức đã biết chưa đúng và cần hoàn chỉnh lại. Khi hiểu rõ sự biến hoá của tự nhiên, chúng ta sẽ dễ dàng nghiên cứu tiếp những cái mới, từ đó giúp ích cho cuộc sống của loài người.
Gia đình có ảnh hưởng như thế nào lên những thành công của anh?
Sự can đảm của ba và sự quyết đoán, nghị lực của mẹ ảnh hưởng nhiều đến tôi. Mẹ luôn dạy chúng tôi học tốt, sự chăm chỉ là một trong những cách thay đổi cuộc đời. Mẹ từng là hiệu trưởng tại trường An Sương nên có lẽ vì thế mà tôi cũng có niềm đam mê với ngành giáo dục. Tôi nghĩ mình cũng ít nhiều được gen di truyền từ mẹ. Bên cạnh đó, tôi rất mê Hoá học, sinh học… và tự học là chính.
Không có nhiều nhà khoa học người Việt trẻ được có cơ hội giảng dạy tại nhiều trường Đại học danh giá và thực hiện nghiên cứu tại các lò nguyên tử, vì trình độ còn thấp hay còn yếu tố nào khác?
Tôi thấy mình rất may mắn trên con đường học vấn và nghiên cứu. Những thí nghiệm và nghiên cứu của tôi cần sự hỗ trợ của những lò nguyên tử của Mỹ cũng như Nhật Bản và Pháp vì tính chất phức tạp của nó. Khi còn là sinh viên, tôi cũng được nhiều người thầy nhân ái, tận tuỵ và siêu việt dìu dắt mình không chỉ về nghiên cứu, giảng dạy và khám phá, mà còn về cách sống nhân bản của một khoa học gia.
Đã mơ đến giải Nobel đầu tiên của người Việt
Hai người Thầy hướng dẫn của anh đã từng đạt giải Nobel Hoá Học (William Lipscomb và Arieh Warshel), anh có tham vọng mình sẽ là người Việt đầu tiên đạt giải thưởng danh giá này?
Thú thật, tất cả những nghiên cứu của bất kỳ nhà khoa học nào trên thế giới đểu mơ ước đạt giải Nobel.
Đó là một niềm vinh dự rất lớn lao cho một khoa học gia đã và đang cống hiến những nghiên cứu nhằm giúp ích cho nhân loại. Tôi cũng không ngoại lệ. Để đạt giải Nobel, công trình nghiên cứu đó phải có ý nghĩa lớn lao đối với khoa học nói riêng và nhân loại nói chung. Các nhà khoa học khi nghiên cứu thì họ thường không nghĩ ngợi gì đến giải thưởng. Đó còn là xuất phát từ niềm say mê khám phá cái mà nhân loại chưa biết hoặc biết mà chưa tìm ra hết Tuy nhiên, để có được công trình đạt giải, có khi một cá nhân hoặc một nhóm phải mất cả đời người. Tôi hiện nay cũng còn trẻ, vẫn trong quá trình tìm tòi và muốn chạm đến Nobel còn là một chặng đường rất dài phía trước.
Anh có biết GS. TS Ngô Bảo Châu? Anh cảm thấy mình và Ngô Bảo Châu có gì giống và khác nhau?
Anh Châu hơn tôi nhiều tuổi, nên tôi chỉ là bậc đàn em của anh ấy. Qua báo chí ,tôi có biết đến anh và thực sự rất tự hào về người Việt Nam của mình. Chúng tôi giống nhau đều là người Việt. Tuy tôi sống ở Mỹ từ nhỏ, nhưng tiếng Việt tôi luôn trao đổi khi có cơ hội vì tôi luôn ý thức được mình là ai. Gia đình tôi cũng đã từng có lúc túng thiếu và Việt Nam là nơi tôi được sinh ra, nên dù tốt dù xấu, tôi vẫn mang trong lòng sự tự tôn dân tộc rất cao. Lĩnh vực nghiên cứu của anh Châu là toán học, còn tôi thuộc về Hoá Sinh nên không thể so sánh. Điều giống nhau thì chắc chúng tôi đều là người Việt, cùng là Giáo sư, tiến sĩ. (cười)
Việt Nam vẫn chưa có nhà khoa học đạt giải Nobel hoá học nào về, anh có thể giúp Việt Nam mời họ về để tạo nguồn cảm hứng cho các sinh viên Việt?
Là một người gốc Việt, tôi đặc biệt quý mến các em sinh viên Việt. Có một bác học về lĩnh vực hoá học về Việt Nam để tạo cảm hứng cho các em sinh viên là điều mà tôi từng nghĩ đến.
Thông thường họ được mời về như là khách quý của quốc gia. Ví dụ như thầy Warshel từng được Tổng thống Đài Loan, Hàn Quốc mời sang để giao lưu và trao đổi về kiến thức khoa học, kinh nghiệm trong lĩnh vực hoá học. Tôi mong muốn thầy về Việt Nam, đất nước tôi từng chia sẻ với thầy. Vì tôi và thầy đều không có nhiều thời gian nên phải cân nhắc. Tôi không dám chắc chắn thầy sẽ nhưng với tư cách là một người Việt, tôi rất mong muốn điều đó. Tôi sẽ thuyết phục thầy của mình và có thông tin sớm nhất về việc này khi đã hoàn thành.
Du học sinh Việt Nam rất thông minh
Là một nhà khoa học nhưng cũng đồng thời là giảng viên từng dạy ở nhiều trường danh giá, Anh cảm nhận như thế nào về du học sinh Việt Nam tại Mỹ?
Qua những sinh viên tôi từng có dịp tiếp xúc, giảng dạy, tôi có thể khẳng định là du học sinh Việt Nam rất giỏi, cần cù, nhớ dai. Chỉ tiếc là các em thường quen cách học ở Việt Nam nghiêng nặng về lý thuyết. Ví dụ như tôi cho một bài kiểm tra giống như những gì tôi đã dạy, thì các em Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung đều đạt điểm rất cao, ngược lại, với các đề thi nhằm vận dụng kiến thức vào thực tế, các em đều rất bối rối trong khi các học sinh Tây, Do Thái đều giải bài tốt và trọn vẹn. Thêm vào đó, vấn đề quan trọng còn ở người thầy. Tôi luôn kiên nhẫn với các em học sinh Việt Nam vì tôi nghĩ đó chính là nguồn nhân lực và tương lai của đất nước. Tôi tin, khi các em gặp đúng thầy, các em sẽ tiến xa hơn.
Anh nghĩ sao về việc sẽ trở về Việt Nam làm việc , đóng góp cho quê hương với đồng lương không tương xứng với khả năng?
Tôi đang suy nghĩ về việc này. Tôi cảm ơn nước Mỹ đã tạo điều kiện cho tôi về mọi mặt, nhưng nếu Việt Nam cần tôi, tôi sẽ sẵn sang . Thẳng thắn mà nói, Việt Nam là một nước đang phát triển, chúng ta có rất nhiều tiềm năng để có thể vực dậy để có thể đuổi kịp các nước trong khu vực. Muốn được như vậy, chúng ta chỉ cần đi từ gốc là giáo dục, hướng dẫn và đào tạo sinh viên học sinh nhằm nâng cao vị trí Việt Nam trên thế giới.
Điều anh cảm thấy trở ngại nhất nếu về Việt Nam làm việc là gì?
Có vài trường ĐH tại Việt Nam ngỏ lời mời nhưng tôi còn ngần ngại. Một trong những quan ngại là ngôn ngữ chuyên môn nếu giảng dạy ở Việt Nam. Cái gì cũng phải dịch ra tiếng Việt trong khi những môn như Hoá học, Sinh học, các chất tôi đều quen dạy và đọc đúng theo chuẩn quốc tế. Tôi phải tự học xem chất đó ở Việt Nam người ta phiên âm ra sao, tên các nhà khoc học ở Việt Nam đọc ra sao vì tôi đã nghe các em du học sinh phát âm và phát biểu theo cách Việt Nam mà thoạt đầu nghe tôi cũng không hiểu. Các em phải mất một thời gian để thay đổi.
Tôi nghĩ lẽ ra các em cũng phải được chú thích tiếng gốc trên thế giới người ta dùng là gì. Nếu không khi gặp bạn bè quốc tế, các em nói mà sẽ không ai hiểu đó là chất gì.
Tôi nghĩ với cách dạy như hiện nay, sẽ rất khó cho các em tiến xa hơn trong con đường học vấn và nghiên cứu.
Anh sẽ nghĩ sẽ làm gì để giúp đỡ cho nền giáo dục Việt Nam?
Đó là một câu hỏi lớn cho một con người bé nhỏ như tôi. Một mình tôi sẽ chẳng làm gì được. Tôi nghĩ muốn thay đổi thì chủ yếu chính là ở ý thức của học sinh, sinh viên và các giáo viên. Các em muốn mình sẽ là ai thì mình có kế hoạch để đạt được mục đích.
Hiện nay, những trường tôi từng giảng dạy và có mối quan hệ ở Mỹ đã ngỏ lời để tôi lên kế hoạch liên kết với các trường ở Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên Việt Nam sang học dễ dàng hơnTôi sẽ nói nhiều hơn sau khi trở về nước tìm hiểu nhiều hơn vì tôi vẫn còn xa lạ với các em sinh viên Việt Nam.
Tôi cũng hy vọng là nếu như những người Việt Nam có năng lực có thể cùng nhau nghĩ về đất nước một chút và kết hợp lại. Thế hệ con cháu chúng ta sẽ thay đổi từ cách nghĩ, cách nhìn.
GS.TS Hồ Nhật Nam (Dr. Nicolas Ho)
+ 21 tuổi, Tốt nghiệp ĐH tại Creighton University và bỏ bậc thạc sĩ để tiến thẳng lên bậc tiến sĩ, với sự hướng dẫn của hai tiến sĩ từng đạt giải Nobel là William Lipcomb và Arieh Warshel.
+ 24 tuổi, sau khi vừa hoàn tất luận án tiến sĩ tại University of S. California, Los Angeles Hồ Nhật Nam được mời vào viện khoa học hàn lâm New York (The New York Academy of Sciences); được xem là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất hội tại thời điểm đó.
+ Sau đó, anh tiếp tục sang Harvard University để tiếp tục giai đoạn hậu tiến sĩ trong vòng một năm.
+ Tham gia nghiên cứu tại các nhà máy nguyên tử thuộc viện ĐH Stanford(USA); ĐH Chicago [USA], Institue Laue Langevin (ILL, France) …
+ Từng giảng dạy tại Brown University, UCLA va UCI
+ Được thỉnh giảng và cộng tác với nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới như [California Institute of Technology, USA; Durham University, England; Institut Laue Langevin, France; Moscow State University, Russia; Queensland University of Technology, Australia; Nagoya University, Japan …
+ Thành viên viện khoa học Hàn lâm New York
+ Thành viên hiệp hội Hoá Hoa Kỳ
+ Thành viên hiệp hội nghiên cứu Hoa Kỳ
+ Được vinh danh trong Quốc Hội Mỹ về Science Leadership
Thể Thao Ngày Nay