Trung Quốc vốn khét tiếng là một quốc gia vi phạm nhân quyền, đàn áp tín ngưỡng nghiêm trọng. Và gần đây, gã khổng lồ công nghệ Google đã bị phát hiện gian lận kết quả tìm kiếm về “tự do tín ngưỡng” để tuyên truyền thông tin sai lệch cho chính quyền nước này.
Theo Thời báo Epoch Times, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ lâu đã tiến hành đàn áp khắc nghiệt các tôn giáo tín ngưỡng ở Trung Quốc, từ Phật giáo, Kitô giáo, đến người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và gần đây là người tu luyện Pháp Luân Công.
Tuy nhiên giờ đây, chính quyền nước này đang sử dụng những phương thức, cách làm mới để hạn chế người dân thế giới tiếp cận thông tin chân thực về tôn giáo tín ngưỡng ở Trung Quốc và Google đang tiếp tay cho sự bạo ngược của chính quyền nước này.
Không chỉ Google, các công ty công nghệ khác như Bing, Yahoo, Ask và DuckDuckGo… cũng tham gia hỗ trợ Trung Quốc.
Google thông đồng với ĐCSTQ?
Chẳng hạn, khi ai đó tìm kiếm cụm từ “tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc”, thuật toán của Google sẽ dẫn hướng người dùng bằng cách hiện thêm một số gợi ý bên dưới, thường là các truy vấn phổ biến nhất được xem là đáng tin cậy và phù hợp với thông tin người dùng tìm kiếm.
Một trong những gợi ý hiện ra là “Trung Quốc có tự do ngôn luận và tín ngưỡng không?”
Và câu trả lời cho câu hỏi đó là: “Hiến pháp 1982 quy định công dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân không được cưỡng chế công dân đi theo tín ngưỡng hoặc từ bỏ tín ngưỡng, không được phân biệt, kỳ thị người có tín ngưỡng và người không tín ngưỡng”.
Tuy nhiên, thực tế ở Trung Quốc cho thấy một tình hình hoàn toàn trái ngược.
Tương tự, một câu trả lời sai lệch cũng được đưa ra khi người dùng tìm kiếm thuật ngữ “Pháp Luân Công”. Khi bấm vào câu hỏi ‘phổ biến nhất’ do Google gợi ý: “Pháp Luân Công có phải Phật giáo không?”, câu trả lời hàng đầu sẽ hướng người dùng đến một trang web của chính phủ Trung Quốc với nội dung phỉ báng người tu luyện môn tập này.
“Điều này cũng tương tự như hướng người dùng đến một trang web của Đức Quốc xã để tìm hiểu những điểm tốt của Do Thái giáo”, phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (FDIC), Erping Zhang cho biết.
Tương tự ở Mỹ, kết quả tìm kiếm cụm từ “Pháp Luân Công” trên Google ở Anh cũng bao gồm các trang web do ĐCSTQ kiểm soát.
Ông Zhang cho biết FDIC đã nêu vấn đề này với Google nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
Mỹ có thể đưa sự việc lên chính quyền
Khi được hỏi về vai trò của Google trong việc truyền bá các tuyên truyền của ĐCSTQ nhằm xuyên tạc thông tin về tự do tín ngưỡng và cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback đã đặt vấn đề này trong một bối cảnh lớn hơn.
Ông cho rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc lên các công ty công nghệ của Mỹ đã trở thành một mối quan tâm lớn của quốc gia và chúng ta có thể yêu cầu động thái phản hồi từ Quốc hội hoặc Chính quyền Mỹ về vấn đề này.
“[Đất nước] chúng tôi đại diện cho tự do ngôn luận. Chúng tôi ủng hộ tự do tín ngưỡng”, ông Brownback cho biết và nói thêm chính phủ Mỹ cần phải bảo vệ những quyền cơ bản của con người.
Từ năm 1998, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua Đạo luật Tự do Tín ngưỡng Quốc tế nhằm thúc đẩy tự do tín ngưỡng như một chính sách đối ngoại chính thức của Mỹ.
Mặc dù điều này khó thực thi trên bình diện quốc tế, nhưng dĩ nhiên với chính phủ Mỹ, ít nhất cần đảm bảo các tập đoàn có trụ sở tại quốc gia này phải tuân thủ các nguyên tắc tương tự.
Trước đó, gã khổng lồ công nghệ Google cũng đã can thiệp làm thay đổi kết quả tìm kiếm đối với các tin tức và thông tin về phái bảo thủ, đồng thời loại bỏ hoặc che giấu kết quả tìm kiếm của một số thuật ngữ nhất định khiến người dùng mất thời gian và khó tìm ra chúng. Và giờ đây, công ty này đang hành động tương tự cho ĐCSTQ.
Ngoài ra, theo báo cáo của FDIC, chính phủ Trung Quốc cũng đang cố gắng lợi dụng Google để phá hoại nền dân chủ và hệ thống chính phủ Mỹ.
Áp lực gia tăng đối với Bắc Kinh
Những tháng gần đây, chính quyền Trump đã tăng cường chỉ trích Trung Quốc vì đã giam giữ trái phép hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương.
Đại sứ Brownback cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép buộc Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp không chỉ với người Hồi giáo mà cả Kitô giáo, Phật tử Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công. Ông mong rằng những áp lực này sẽ sớm mang lại kết quả.
“Tôi hy vọng một lúc nào đó chính quyền Trung Quốc sẽ đồng ý trực tiếp đối thoại với chúng tôi, và với các cộng đồng khác trên thế giới, để nói đến hồ sơ kinh khủng của họ về tự do tôn giáo, về những cuộc đàn áp tín ngưỡng mà họ đang gây ra”, ông nói.
Tại Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc (UNGA) năm nay, chính quyền Trump cũng xem tự do tín ngưỡng là chủ đề ưu tiên, và Trung Quốc là mục tiêu chính. Theo ông Brownback, đây là lần đầu tiên một quốc gia chủ trì vấn đề tín ngưỡng tại UNGA.
Tiểu Phúc (Theo Natural News)