Tinh Hoa

Google Maps loại bỏ “Tam Sa”

TT – Sau khi loại bỏ cái tên Trung Quốc dùng để chỉ bãi cạn Scarborough của Philippines, mới đây Hãng Google cũng ngừng sử dụng tên “Tam Sa” mà Bắc Kinh dùng chỉ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hình ảnh tòa nhà của Trung Quốc tại nơi gọi là TP Tam Sa chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tên gọi này không được công nhận – Ảnh: AFP

Hình ảnh tòa nhà của Trung Quốc tại nơi gọi là TP Tam Sa chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tên gọi này không được công nhận – Ảnh: AFP

Trên ứng dụng Google Maps, cái tên “Sansha” (Tam Sa) bất hợp pháp đã không còn xuất hiện ở vị trí của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thay vào đó là “Paracels Islands”, tên quốc tế của quần đảo Hoàng Sa.

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Amy Kunrojpanya – giám đốc truyền thông và đối ngoại, Việt Nam, Thái Lan và các thị trường mới nổi, thuộc Google châu Á – Thái Bình Dương – cho biết Google đã cập nhật Google Maps để khắc phục vấn đề tên gọi.

“Chúng tôi có một chính sách lâu dài áp dụng trên phạm vi toàn cầu về việc mô tả các khu vực tranh chấp, trong đó không có sự xác nhận hay khẳng định vị trí là thuộc quốc gia hay vùng lãnh thổ nào” – bà Kunrojpanya giải thích.

Trước đó, Google Maps cũng đã ngừng sử dụng cái tên “Hoàng Nham” để chỉ bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, được Manila gọi là Panatag hoặc Bajo de Masinloc và dùng tên quốc tế Scarborough.

Trung Quốc mô tả bãi Scarborough là một phần của “quần đảo Trung Sa” (Zhongsha) và Google Maps đã ngừng sử dụng cái tên này. Khi bỏ cái tên “Hoàng Nham”, Google Philippines thừa nhận: “Chúng tôi hiểu rằng các cái tên địa lý có thể dẫn tới những cảm xúc mãnh liệt.

Đó là lý do chúng tôi nhanh chóng sửa chữa ngay sau khi được thông báo”. Google Philippines cũng cho biết cách tốt nhất để đưa ra kiến nghị về các tên gọi trên Google Maps là liên hệ trực tiếp với trang Trợ giúp của ứng dụng bản đồ này.

Trước đó, hàng ngàn người Philippines đã ký vào bản kiến nghị trên trang Change.org để kêu gọi Google Maps loại bỏ cái tên “Hoàng Nham”. Đại diện Change.org, bà Christine Roque nhận định việc Google Maps thay đổi tên gọi cho thấy sự đồng lòng của cộng đồng mạng có thể tạo ra sự thay đổi.

“Đó là quyền lực của nhiều người đồng lòng, thống nhất với nhau vì một mục đích chung” – bà Roque nhấn mạnh.

Hiện trên trang Change.org cũng có một bản kiến nghị thay đổi cái tên biển Nam Trung Hoa (South China Sea) mà cộng đồng quốc tế dùng để gọi Biển Đông (theo cách gọi của Việt Nam) thành “biển Đông Nam Á”.

Kiến nghị gửi tới Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế và chính quyền các nước Đông Nam Á đã thu hút hơn 10.000 chữ ký từ người dân 76 quốc gia trên thế giới. Trước đó chính phủ, truyền thông và người dân Philippines đã chọn cái tên “biển Tây Philippines” để thay cho tên “biển Nam Trung Hoa”.

Nhiều học giả quốc tế cũng lên tiếng ủng hộ việc thay đổi tên “biển Nam Trung Hoa” thành “biển Đông Nam Á”.

Học giả Yang Razali Kassim, Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam (RSIS, thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore), cho rằng cái tên “biển Đông Nam Á” là hoàn toàn phù hợp với vị trí địa lý của Biển Đông và đây là thời điểm phù hợp để đổi tên.

Philippines mở lại căn cứ quân sự vịnh Subic

Hôm qua, Hãng tin Reuters cho biết giới chức Philippines quyết định đưa máy bay chiến đấu và hai tàu khu trục đến vịnh Subic vào năm 2016. Đây là lần đầu tiên khu vịnh này – vốn là căn cứ quân sự cho Mỹ thuê – được Manila sử dụng như một căn cứ quân sự trong 23 năm qua.

Giới chuyên gia an ninh nhận định việc sử dụng vịnh Subic cho phép không quân và hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cảng nước sâu ở vịnh Subic nằm trên mạn phía tây của đảo Luzon, hòn đảo chính của Philippines và đối diện Biển Đông.

“Giá trị của Subic là một căn cứ quân sự đã được Mỹ chứng minh. Các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc đều biết chuyện này” – chuyên gia an ninh của Philippines Rommel Banlaoi cho biết.

Là một trong những cơ sở hải quân lớn nhất của Mỹ trên thế giới, vịnh Subic đã đóng cửa năm 1992 sau khi Thượng viện Philippines chấm dứt thỏa thuận cơ bản với Washington.

Hồi tháng 5-2015, Bộ Quốc phòng Philippines đã ký văn bản thuê lại một phần vịnh Subic phục vụ cho nhu cầu quân sự của nước này. Vịnh Subic đối diện Biển Đông và chỉ cách bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép khoảng 270km.

Giới chức Philippines cho biết một khi vịnh Subic trở thành căn cứ quân sự thì hải quân Mỹ có thể sẽ tiếp cận và luân chuyển lực lượng Mỹ ở Philippines dễ dàng hơn. Hiện nay tàu chiến của Mỹ chỉ đậu ở vịnh Subic khi có tập trận với hải quân Philippines hoặc sử dụng các cơ sở thương mại ở đây để sửa chữa và tiếp tế hậu cần.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết đầu năm 2016 quân đội sẽ triển khai hai máy bay chiến đấu FA-50 tới căn cứ ở vịnh Subic. Sau đó, một đội máy bay FA-50 và máy bay Fighter Wing sẽ được triển khai tiếp tục.

“Máy bay chiến đấu FA-50 có thể tiếp cận bãi cạn Scarborough chỉ trong vài phút, tàu tuần tra cùng máy bay không người lái của Philippines cũng sẽ dễ dàng theo dõi mọi cử động của lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông” – chuyên gia Patrick Cronin của Trung tâm An ninh Mỹ giải thích. (MỸ LOAN)

HIẾU TRUNG

Theo Tuổi Trẻ