Các nghị sĩ của hai chính đảng Mỹ đã gửi một bức thư cho giám đốc điều hành của Google, nhắc nhở họ “việc hợp tác với Huawei được xem là mối đe dọa về an ninh quốc gia”.
Gần đây, do sự hợp tác mật thiết giữa Google với Công ty trách nhiệm hữu hạn Kỹ thuật Huawei, các nghị sĩ của hai chính đảng Mỹ đã gửi một bức thư cho giám đốc điều hành của Google, nhắc nhở họ “việc hợp tác với Huawei được xem là mối đe dọa về an ninh quốc gia”, đồng thời yêu cầu Google xem xét lại việc hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này.
Theo Wall Street Journal, một số nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Mỹ hôm 20/6 vừa qua đã gửi một bức thư đến Giám đốc điều hành của Google – Sundar Pichai, cho biết họ lo ngại về “quan hệ đối tác chiến lược“ giữa Google và Huawei.
Dòng điện thoại của Huawei đang vận hành là sử dụng hệ điều hành Android của Google. Hai công ty này đang cùng nghiên cứu một loại điện thoại mới có chức năng nhắn gửi tin tiêu chuẩn.
Năm vị nghị sĩ khởi xướng bức thư bao gồm: Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio và Tom Cotton, các vị dân biểu Đảng Cộng hòa Michael Conaway và Liz Cheney, dân biểu Đảng Dân chủ Dutch Ruppersberger.
Theo Đài phát thanh Hoa kỳ VOA, Thượng nghị sĩ Rubio, một trong những người khởi xướng lá thư chung, chỉ trích sự hợp tác của Google với Huawei của Trung Quốc là “tầm nhìn hạn hẹp”. Ông nói rằng bất chấp những nhắc nhở lặp đi lặp lại từ Quốc hội Mỹ, công ty Google vẫn sẵn sàng tiến hành hợp tác với công ty truyền thông Trung Quốc. Thực tế, họ đều hiểu rõ việc này sẽ đem lại mối đe dọa về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận, còn việc suy nghĩ cho an ninh hay sự phát triển lâu dài của quốc gia thì không phải là mục tiêu hàng đầu của họ.
“Họ muốn xâm nhập vào thị trường này. Đó là một thị trường khổng lồ. Tôi lý giải được tại sao các công ty đều muốn thâm nhập vào Trung Quốc, nhưng nếu đó là một thị trường tự do, không bị hạn chế thì không có vấn đề gì, nhưng thực tế không phải vậy. Thị trường Trung Quốc còn hạn chế, còn tồn tại vấn đề về trộm cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Đây là việc hết sức thiển cận”, Thượng nghị sĩ Rubio nói với VOA.
Ông nói thêm: “Họ chỉ quan tâm đến việc tạo ra lợi nhuận ngắn hạn, vì việc mở rộng thị trường mới có thể thu được lợi nhuận hàng quý tốt hơn. Còn về các vấn đề khác xảy ra trong tương lai thì để người khác lo là được. Đây thực sự là một tầm nhìn rất hạn hẹp”.
Một việc khiến cho các nghị viên Quốc hội bất bình nữa là không lâu trước đó, Google còn tuyên bố quyết định rút khỏi “Project Maven”, một dự án phát triển trí thông minh nhân tạo mà họ hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ .
Các nghị viên trong bức thư cho biết: “Mặc dù chúng tôi rất tiếc vì Google đã không tiếp tục truyền thống hợp tác lâu dài giữa quân đội và công ty công nghệ, nhưng còn thất vọng hơn khi Google dường như sẵn lòng ủng hộ Đảng Cộng sản Trung Quốc thay vì quân đội Mỹ”.
Trong thư các nghị viên Quốc hội còn đề cập, Quốc hội đang xem xét việc nghị viên lưỡng Đảng cùng đưa ra nhiều dự luật đối phó với mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ từ công ty viễn thông lớn của Trung Quốc, Huawei. Trong những tháng tới, Chính phủ liên bang Mỹ có thể sẽ thực hiện thêm các bước bảo vệ mạng viễn thông của Hoa Kỳ khỏi các mối đe dọa từ Huawei hay các công ty khác.
Trước đó, chính phủ liên bang và cơ quan tình báo bày tỏ quan ngại của họ về mối quan hệ giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc, đồng thời nhắc nhở ngành viễn thông Mỹ phải cẩn trọng với các rủi ro an ninh từ Huawei, ZTE và các công ty viễn thông khác của Trung Quốc.
Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC) tuyên bố: Báo cáo rủi ro chuỗi cung ứng công nghệ thông tin và truyền thông liên bang Mỹ (ICT) đến từ Trung Quốc’ đã điểm danh ZTE, Huawei và 19 công ty công nghệ cao của Trung Quốc có “cửa sau”. Báo cáo cũng vạch trần các công ty Trung Quốc này đã nhận sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc, tiến hành các hoạt động gián điệp thương mại tại Hoa Kỳ và ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, chính phủ Trung Quốc còn kiểm soát các thiết bị viễn thông mà họ sản xuất, thực hiện gián đoạn thông tin, các hoạt động gián điệp hoặc khởi động các cuộc tấn công trên mạng, đe dọa đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Tờ Wall Street Journal cũng đã báo cáo trước đó rằng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang tiến hành điều tra hình sự về việc liệu công ty viễn thông Huawei có vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran hay không. Đây là một hạng mục đánh giá mới của Mỹ đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này vì lợi ích an ninh quốc gia.
Đài phát thanh quốc tế VOA của Mỹ cho biết, đầu tháng này, Mark Warner, một thành viên Đảng Dân chủ ở bang Virginia, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện, đã gửi một bức thư cho Alphabet (công ty mẹ của Google) cùng với các công ty công nghệ khác, điều trần mối quan hệ giữa họ và các công ty Trung Quốc liệu có đang tồn tại bất kỳ thỏa thuận chia sẻ thông tin nào không.
Đáp lại bức thư chung của các nghị sĩ Quốc hội, người phát ngôn Andrea Faville của Google khẳng định: “Cũng như nhiều công ty của Mỹ khác, chúng tôi có nhiều thỏa thuận với hàng chục các đối tác sản xuất trên toàn cầu, trong đó có Huawei. Nhưng Google không cung cấp bất cứ quyền truy cập đặc biệt nào đối với dữ liệu người dùng cho họ”.
Khẩu hiệu của Google được gói gọn trong cụm từ “don’t be evil” nghĩa là không làm điều ác. Năm 2010, vì từ chối yêu cầu phối hợp kiểm duyệt Internet của chính phủ Trung Quốc, 2 nhà đồng sáng lập Google thà rời bỏ thị trường Trung Quốc, rời bỏ lợi nhuận khổng lồ cũng không thông đồng với chính phủ Trung Quốc gây tổn hại đến quyền tự do truy cập thông tin của nhân dân Trung Quốc. Hành động này đã nhận được sự kính trọng từ vô số cư dân mạng Trung Quốc.
Trung Quốc có câu thành ngữ: “Lưỡng hại tương quyền thủ kỳ kinh”, nghĩa là đứng trước hai cái hại, sẽ chọn cái hại nhẹ hơn. Đứng giữa hai mối thiệt hại về cơ hội kiếm tiền và tổn hại an ninh quốc gia, lần này Google sẽ đưa ra lựa chọn như thế nào? Liệu sự kiên quyết từng có nay còn tồn tại?
>>> Trung Quốc: Biểu tình chiếm trụ sở chính quyền ngay trước ngày thành lập Đảng
>>> Đệ nhất Phu nhân Mỹ cấm hẳn các sản phẩm biến đổi gen của Monsanto trong Nhà Trắng
Hồng Liên, theo Secret China