Trước những cáo buộc gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump và một vị tướng quân đội Mỹ, Google ngày 17/3 đã trực tiếp lên tiếng phản pháo, khẳng định tập đoàn này không trợ giúp quân đội Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã gây bất ngờ khi lên tiếng cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Google giúp đỡ quân đội Trung Quốc bằng cách tiến hành kinh doanh tại các quốc gia châu Á.
“Google đang giúp đỡ Trung Quốc và quân đội của họ, mà không phải là nước Mỹ. Thật kinh khủng! Tin tức tốt là họ giúp đỡ Hillary Clinton và không phải là Trump…và xem kết quả thế nào?”, người đứng đầu nước Mỹ viết trên Twitter hôm thứ Bảy (16/3).
Trước đó, ngày 14/3, phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, Tướng Joseph Dunford cho biết, Lầu Năm góc lo ngại rằng, Google đã gián tiếp giúp nâng cấp năng lực quân đội Trung Quốc thông qua những công việc tại quốc gia châu Á.
“Những công việc mà Google đang làm ở Trung Quốc đang gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc. Chúng tôi lấy làm lo ngại khi thấy các đối tác của quân đội Mỹ trong các ngành công nghiệp đang làm ăn tại Trung Quốc đã biết rằng có cái gọi là lợi ích gián tiếp” – Đại tướng Dunford bày tỏ quan ngại.
“Thẳng thắn mà nói, gián tiếp có khi không phải là từ diễn tả đúng bản chất của sự việc mà phải nói rằng đó là một lợi ích trực tiếp cho quân đội Trung Quốc” – vị tướng 4 sao của Mỹ nhấn mạnh.
Sau đó, theo NBC News, Google ngày 17/3 đã trực tiếp lên tiếng phản pháo những cáo buộc: “Chúng tôi không hợp tác với quân đội Trung Quốc. Chúng tôi làm việc với chính phủ Mỹ, bao gồm Bộ Quốc phòng Mỹ trong nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, tuyển dụng và chăm sóc sức khỏe”.
Chưa có chi tiết được nhắc tới về việc Google đang giúp ích Trung Quốc thế nào. Nhưng đài CNN trước đây từng đưa tin Google có ý định kết thúc một số dự án hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ, bao gồm Project Maven. Đây là chương trình sử dụng hệ thống tình báo nhân tạo để thúc đẩy các hoạt động máy bay quân sự không người lái.
Theo hãng tin Reuters, hồi năm 2018, Google – công ty con của Alphabet, tuyên bố sẽ không tham gia đấu thầu hợp đồng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trị giá 10 tỉ USD cho quân đội Mỹ với lý do không phù hợp với các nguyên tắc đạo đức mới của tập đoàn này.
Google cũng vấp phải chỉ trích từ Quốc hội Mỹ khi thông tin họ âm thầm phát triển một ứng dụng tìm kiếm có kiểm duyệt cho thị trường Trung Quốc gọi là Dự án Chuồn Chuồn. Trước làn sóng phản đối, Google thông báo họ “không có kế hoạch” tung ra công cụ này ở Trung Quốc, mặc dù họ sẽ tiếp tục nghiên cứu ý tưởng này.
Các chính trị gia, người vận động nhân quyền và thậm chí khoảng 1.400 nhân viên của chính Google đã phản đối dự án này. Hồi tháng 11/2018, 11 kỹ sư và quản lý tại Google đã đăng bức thư ngỏ yêu cầu công ty này chấm dứt dự án bí mật này.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan nhấn mạnh trong cuộc điều trần chung với tướng Dunford: “Hôm nay ở đây tôi phải lưu ý chuyện này: một số công ty đã lên tiếng về các giá trị đạo đức khi làm việc với Lầu Năm Góc để phát triển các công nghệ tiên tiến. Trong một số trường hợp, họ thậm chí còn chấm dứt mối quan hệ, trong lúc vẫn tiếp tục làm việc với Trung Quốc”.
“Bộ Quốc phòng Mỹ rất coi trọng vấn đề đạo đức khi nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, và những nỗ lực đó nhằm cải thiện hiệu suất cũng như cho phép con người đưa ra quyết định tốt hơn. Trung Quốc, ở mặt khác đã nhiều lần chứng minh họ ít quan tâm đến đạo đức và các chuẩn tắc quốc tế” – ông Shanahan cáo buộc.
Google đến lúc này vẫn giữ tham vọng tấn công thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh được cho đã không tạo điều kiện tốt. Vì vậy, truyền thông Mỹ đồn đoán rằng công ty Mỹ đang nhiều khả năng rất muốn lấy lòng giới lãnh đạo Bắc Kinh, mà quốc phòng là lĩnh vực rất nhạy cảm. Dù Google không phải là một công ty chuyên về quốc phòng, các dịch vụ định vị, bản đồ và công nghệ của họ có thể được dùng vào việc giám sát rất hữu hiệu.
Một số người còn nêu quan ngại rằng liệu Google có tuân theo chính sách kiểm duyệt và giám sát internet của Đảng Cộng sản Trung Quốc nếu họ tái tham gia thị trường Trung Quốc hay không.
Trung Quốc có hệ thống kiểm duyệt internet tinh vi nhất trên thế giới. Bắc Kinh tuyển dụng hàng vạn người để theo dõi, kiểm tra, xóa bỏ hoặc khuyến khích những nội dung mà Đảng Cộng sản muốn.
Bắc Kinh cũng yêu cầu các công ty nước ngoài kiểm duyệt những chủ đề mà họ coi là nhạy cảm, chẳng hạn dân chủ, nhân quyền, đàn áp Pháp Luân Công, đàn áp tín đồ Cơ đốc giáo, thảm sát Thiên An Môn, v.v. Các công ty cũng bị buộc phải chia sẻ các thông tin mà họ lưu trữ tại Trung Quốc.
CEO của Google, Sundar Pichai nói rằng công ty đã đầu tư ở Trung Quốc trong nhiều năm qua và có kế hoạch tiếp tục làm như vậy.
Gia Hưng (T/h)