Tinh Hoa

Góc chợ còn sót lại

Lâu nay thường nghĩ, thời gian là “chiếc bút xóa”, làm mất sạch dấu vết một ngôi nhà cổ, một nếp chợ xưa hay một mái chùa xập xệ. Nhưng không hẳn thế. Thời gian có khi khắc sâu hơn, đậm nét hơn hình ảnh, bóng dáng của quá khứ đã trôi đi mấy chục năm, quá nửa đời người. Xóa mờ sao nổi khi ký ức đã “ghi hình”, lưu giữ lại từ lúc tóc còn xanh, đến khi bạc phơ mái đầu. Chân chậm, mắt mờ, mà trong tâm trí, trong trí nhớ vẫn nguyên vẹn, ngỡ như mới hôm qua thôi.

Chợ Long Biên chỉ họp về đêm, chủ yếu buôn bán rau, củ, quả.

Cảnh cũ, người xưa đã mờ xa, nhưng chỉ nhắc đến, gọi tên một địa danh hầu như chẳng mấy ai nhớ tới, lập tức từ đáy sâu ký ức, từng con sóng hối hả dồn về. Thuở xa xưa, sông Cái – sông Hồng còn chở nặng phù sa sánh đặc như bột mầu, Hà Nội vẫn mang tên Kẻ Chợ, nghe mẹ kể rằng, dọc con sông mênh mông sóng nước, bến Nứa buôn bán tre nứa sầm uất lắm. Trên bến, d ưới thuyền đầy ắp gạo, củ nâu, muối mắm, than củi, vải vóc… từ mạn ngược tới vùng xuôi đổ về Kẻ Chợ. Thời đó cũng chưa có cầu sông Cái, người dân quê tứ chiếng với người Kẻ Chợ quen mua bán hàng hóa bày biện xô bồ hai bên đường. Lâu rồi, tự dưng tên hàng, nông sản mang tên phố: Hàng Than, Hàng Nâu, Hàng Mắm, Hàng Vải, Chợ Gạo… Đến khi mẹ lớn thành con gái, cái bến Nứa ấy chỉ còn sót lại tên. Trên nền đất cũ mọc lên một ngôi chợ, ngay chân cầu. Chen chúc, nhếch nhác dưới gầm cầu, chứ không được đàng hoàng, tử tế và… sang trọng như chợ Đồng Xuân, Bắc Qua. Như biết thân phận hẩm hiu, nên chợ Long Biên chỉ họp về đêm, dành cho những người buôn bán dân dã, xô bồ. Bóng đêm dễ che giấu những khuôn mặt nhếch nhác, những phận người lam lũ. Tuy thế, từ bên chân cầu Long Biên nhìn sang, đằng sau bức tường bao đê, chợ vẫn lấp lánh một góc trời đêm. Bước qua cổng, mùi chợ y nguyên như cách đây mấy chục năm khi háo hức theo chân mẹ đi chợ đêm. Mùi rau, củ, quả xộc lên, mùa nào thức nấy ngồn ngộn chất đống ngoài sân chợ, trong kho, trên những quầy hàng ngập lút đầu. Tưởng như gặp lại những người đàn bà đứng tuổi năm nào. Cũng đôi quang gánh trên vai, cắm đầu, gò lưng, bước chân thoăn thoắt chuyển cả một “núi” rau quả vào các gian hàng. Giọt mồ hôi muối, mồ hôi dầu dính bết lưng áo, chắc cũng mặn chát như bao đêm. Có khác chăng, bây giờ đội quân tóc dài này được gọi là cửu vạn. Ai chịu khó lặn lội, tích cóp thì sắm được chiếc xe đẩy giá vài triệu, coi như lên đời, thoát cảnh gồng gánh oằn vai…
Mới đây, có người đã coi việc xóa sổ chợ Long Biên là điều kiện bắt buộc cho một Thủ đô hiện đại. Có nghĩa là “số phận” của nó cũng sẽ giống như chợ Bưởi, chợ Hôm, chợ Mơ… Có nghĩa là phủ nhận sạch trơn giá trị văn hóa, xóa sạch ký ức đã in dấu sâu đậm, gắn bó máu thịt với bao lớp người Hà Nội. Hầu hết những du khách nước ngoài nếu rẽ qua chợ đêm Long Biên đều cảm nhận rất rõ hơi thở nóng hổi, nhịp sống đêm của người Hà Nội. Vài năm trước, tạp chí du lịch hàng đầu nước Anh đã xếp hạng chợ Long Biên vào bảng bình chọn bảy cái chợ giời hấp dẫn nhất thế giới. Nó không nằm trong danh sách các địa danh buộc phải đến, nhưng nhiều trang web du lịch uy tín trên thế giới lại đánh giá ngôi chợ “nhếch nhác” này có đủ “tư cách” của một danh thắng đạt tiêu chuẩn năm sao chẳng khác gì khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế. Bởi vì “một chuyến đi đến chợ đêm Long Biên ồn ào là một cách mê hoặc để hưởng đời sống trọn vẹn của Hà Nội”, một ký giả người Anh chuyên về du lịch và ẩm thực nhận xét như vậy. Ông còn cam đoan rằng, chính cái nhịp điệu “hài hòa trong sự hỗn độn” của chợ đêm Long Biên mới là “linh hồn” của Hà Nội. Ở các nước:
Thái-lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Công (Trung Quốc), kề bên siêu thị, trung tâm thương mại “vô hồn” vẫn tồn tại những “chợ Long Biên” như thế. Không lý gì, ta lại muốn xóa đi.

Thanh Tuyền

Theo Nhân Dân