Thời gian gần đây, những dòng chia sẻ kèm theo hashtag #MeToo lần lượt xuất hiện trên mạng xã hội và trở thành vũ khí mạnh mẽ tấn công những kẻ có hành vi quấy rối tình dục. Ít ai biết rằng, còn có những hashtag nói lên sự thật kinh khủng khác ngoài #Metoo đã bị làm ngơ.
Sự thành công của một dấu ‘#’
Xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 15/10/2017, hashtag (một từ hoặc một chuỗi các kí tự viết liền nhau được đặt sau dấu thăng (#) mà mọi người sử dụng trên mạng xã hội) “#Metoo” đã lan tuyền một cách chóng mặt chỉ sau một đêm. Đó là một câu nói (Me too – tôi cũng thế) được nữ diễn viên người Mỹ Alyssa Milano đăng tải trên mạng xã hội Twitter, kêu gọi những phụ nữ đã từng bị xâm hại hoặc quấy rối tình dục mạnh dạn đứng lên tố cáo kẻ làm hại mình.
Đoạn Tweet của cô có đoạn: “Nếu tất cả những người phụ nữ đã từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục viết ‘Tôi cũng thế’ như dòng trạng thái của mình. Chúng ta có thể cho mọi người thấy tầm vóc của vấn đề”.
Tính đến nay, phụ nữ ở gần 90 quốc gia đã sử dụng hashtag này để thu hút sự chú ý của toàn nhân loại về những hành động xúc phạm nhân phẩm và cơ thể mà nữ giới phải gánh chịu mỗi ngày. Sự bùng nổ của “#Metoo” đã khiến quốc gia bảo thủ như Hàn Quốc phải chấn động vì những nhân vật đáng kính đã lần lượt bị tố cáo.
Nó đã hoàn thành sứ mệnh, cho mọi người thấy tầm vóc của vấn đề mà Alyssa Milano muốn truyền đạt. Một hiện thực đau lòng vẫn tồn tại từ bao lâu nay, với quy mô trên toàn thế giới đã tới lúc cần nhận được sự quan tâm đúng đắn hơn và buộc phải thay đổi.
Nhưng cho đến khi #Metoo bùng nổ, mặt trái bắt đầu xuất hiện. Nhiều người vô tội đã bị ảnh hưởng vì những cáo buộc sai sự thật, nhằm mục đích hạ nhục, bôi xấu thanh danh từ những kẻ vu khống.
Cách thức cả xã hội gây sức ép lên một kẻ tình nghi chỉ bởi một cái hashtag giống như việc ném đá tới chết kẻ bị tố là phù thủy vào thời trung cổ u tối. Hay như việc đấu tố thiếu căn cứ đã khiến bao người phải chết oan bởi những kẻ cơ hội hoặc vì thù oán cá nhân vào thời Cách mạng Văn hóa.
Vì thế, người ta cũng đã gọi #Metoo là một chiến dịch “witch hunt” (săn phù thủy) bởi tính chất lỏng lẻo của các chứng cứ và làn sóng dữ dội của dư luận quá cảm tính. Đi ngược lại với làn sóng ủng hộ ngày càng mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhiều người đã đưa ra lý lẽ rằng, cách thức tố cáo của phong trào #Metoo là dùng áp lực dư luận để gây sức ép thay vì nhờ tới các cơ quan tư pháp có thẩm quyền.
Ông Kim Seon Taek, chủ tịch Hiệp hội Những người đóng thuế Hàn Quốc, viết trên trang mạng xã hội của mình rằng: “Trong xã hội dân chủ, con người có quyền được xét xử công bằng chứ không phải bị phán xét bởi ý kiến cộng đồng. Những người đang bị cáo buộc trong chiến dịch #MeToo đang bị phán xét bởi truyền thông và cộng đồng mà không phải luật pháp, điều này là trái với Hiến pháp”. Ông Kim cũng gọi những gì đang diễn ra là một cách “giết người man rợ”.
Tại sao người ta phải nhờ tới việc kêu gọi cộng đồng mà không phải là nhờ pháp luật?
Bởi pháp luật chưa bao giờ là hoàn thiện. Pháp luật là do con người nghĩ ra sau khi tội ác xảy ra, để ngăn chặn nó tái diễn và trừng phạt kẻ hành ác. Thế nhưng nó không thể ngăn chặn được những âm mưu thủ ác, những tội ác mới chưa có tiền lệ hay những tội ác quá tinh vi.
Pháp luật không thể luôn luôn công bằng bởi nó dựa trên chứng cứ, nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng đó lại là sự thật. Những chứng cứ đôi khi là không đầy đủ, bị làm sai lệch hoặc chỉ đơn giản là nó quá vô tình và không ghi nhận được hết toàn bộ sự thật.
Thậm chí ở một số nơi, pháp luật dựa trên lý lẽ của kẻ có quyền thế hơn. Cô bé Hena Begum, 14 tuổi, người Bangladesh đã bị vợ của kẻ hiếp dâm mình đưa ra tòa án xét xử vì tội ngoại tình. Sau khi đã chịu đựng nỗi đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần, cô bé còn phải chịu hình phạt 100 roi ở nơi công cộng trước con mắt dè bỉu của bao người.
Những lời cuối cùng của em trên thế gian chỉ là những lời thanh minh yếu ớt cho sự trong sạch của mình. Cha mẹ em cũng không thể can thiệp vào giáo điều luật lệ, chỉ có thể đứng nhìn da thịt con gái nứt toác theo từng tiếng vút lạnh lùng.
Có nhiều loại hình luật pháp trong thế giới con người. Có những luật lệ địa phương cho mỗi bang mỗi tỉnh, pháp luật cho mỗi quốc gia, và pháp luật quốc tế. Những luật cao hơn ở trên những luật thấp hơn. Con người thiết lập tất cả luật trên. Tuy nhiên, vẫn có những luật cao hơn điều hành các hiện tượng tự nhiên mà không được thiết lập bởi con người.
Những luật này không dễ dàng thấy được, nhưng con người có thể khám phá ra một vài điều nhờ quan sát và kinh nghiệm, ví dụ như 3 Định luật của Newton. Và tất nhiên có nhiều quy luật tự nhiên mà không được nhân loại biết đến.
Những đảng viên của Đức Quốc xã đã tuân theo mệnh lệnh và phục vụ xuất sắc cho Đức Quốc Xã III và Hitler khi họ giết hại hàng triệu người Do Thái trong Thế chiến II. Nhưng bởi vì tuân thủ luật này, họ đã vi phạm những luật cao hơn. Cho dù họ cố gắng lẩn trốn ở đâu, những người Do Thái vẫn sẽ tìm ra từng người một và mang họ ra tòa bởi vì họ đã vi phạm cơ bản đạo đức của nhân loại.
Pháp luật là do con người viết lên, do con người thi hành, thế nên nó vẫn có những kẽ hở. Người ta phải tìm tới tiếng nói chung của cộng đồng, nhưng không phải lúc nào cộng đồng cũng đúng tuyệt đối. Vì thế mới cần nâng cao nhận thức cộng đồng. Mục đích của việc nâng cao nhận thức chính là hướng con người ta tới sự hoàn thiện hơn về đạo đức, từ đó có cái nhìn đúng đắn trước mọi hiện tượng, vấn đề.
Một hashtag nói lên tội ác kinh khủng nhất mọi thời đại đã bị làm ngơ
Vậy nhưng, ở vào chính thời đại này, ngay trong lúc bạn đang đọc những dòng này, những người thực hành “Chân – Thiện – Nhẫn” lại đang bị đàn áp. Và dòng hashtag “#StopPersecution” (Chấm dứt bức hại) hay #ChinaStopKilling (Trung Quốc hãy ngừng giết chóc) đối với cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc lên những người tu luyện Pháp Luân Công lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mực như với #Metoo trước khi Alyssa Milano lên tiếng.
Người ta đã phân tích rằng liệu thành công của #Metoo là do cả một quá trình chuẩn bị về nhận thức của xã hội đối với vấn đề nữ quyền hay chỉ đơn giản là bởi nó đã xảy ra với những cá nhân quá nổi tiếng.
Không thể phủ nhận rằng, #Metoo thành công một phần nhờ mạng xã hội, yếu tố người nổi tiếng và cuộc đấu tranh lâu dài và thắng lợi của các phong trào nữ quyền trên toàn thế giới, đặc biệt là ở thế giới thứ ba.
Những tổ chức vì phụ nữ ở Ấn Độ đã từng bùng nổ sau vụ nữ sinh Jyoti Sing bị cưỡng hiếp cho tới chết bởi 6 gã đàn ông trên xe buýt mà không có một sự can ngăn của ai ngoài bạn trai đi cùng mình.
Khi bị bắt giữ, Mukesh Singh, một trong những kẻ tham gia tội ác ấy cho biết hắn hiếp dâm cô gái vì muốn “dạy cho cô ta và bạn trai” một bài học. Theo lý lẽ của hắn, không có người phụ nữ ngoan ngoãn nào lại đi ra đường vào 9 giờ tối cả. Đồng thời, cô gái “nên chấp hành và tiếp nhận hành vi hiếp dâm trong im lặng”, bởi sau đó chúng sẽ chỉ vứt cô xuống đường và đánh gã bạn trai mà thôi.
Đó là một câu chuyện nghe như hoang đường vẫn đang xảy ra trên thế giới này, ở vào thời buổi này.
Những thành công của #Metoo ngày hôm nay là điều tất yếu bởi nó dựa trên những câu chuyện đau buồn và quá kinh khủng của rất nhiều người phụ nữ. Và #StopPersecution hay #ChinaStopKilling cũng bắt nguồn từ câu chuyện có thể nói là kinh khủng nhất trong lịch sử loài người: Mổ sống người để cướp nội tạng tươi vì mục đích thương mại.
Từ năm 2006, tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc lần đâu tiên đã bị đưa ra ánh sáng. Các cuộc điều tra quốc tế sau đó đã phát hiện hàng loạt chứng cứ cho thấy chính quyền Trung Quốc tiến hành mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm, đa số là các học viên Pháp Luân Công.
Đầu tháng 3/2006, một nhân chứng đã tiết lộ thông tin về trại lao động tập trung Tô Gia Đồn ở Trung Quốc, nơi này giam giữ 6.000 học viên Pháp Luân Công để thu hoạch nội tạng, và sự thật bắt đầu được công bố trên các kênh truyền thông nước ngoài.
Ngay sau đó, vợ cũ của một cựu bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc đã tiết lộ, từ cuối năm 2001 đến tháng 10/2003, chồng bà đã lấy đi giác mạc của 2.000 học viên Pháp Luân Công còn sống, nội tạng của họ cũng bị mổ cướp, sau đó thi thể bị hỏa thiêu mà không được sự đồng ý của người nhà.
Một bác sĩ quân y giấu tên ở Thẩm Dương cho biết: “Trại lớn nhất, mang mã số 672-S, có thể giam giữ hơn 120.000 người, trong số đó có các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác. Trại lớn thứ năm đặt ở quận Cửu Thái tỉnh Cát Lâm, có lúc giam giữ hơn 14.000 học viên Pháp Luân Công”.
“Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định đối đãi với các học viên Pháp Luân Công như ‘kẻ thù giai cấp’ và xử lý họ theo bất kỳ phương cách nào mang lại lợi ích kinh tế. Nói cách khác, các học viên Pháp Luân Công không còn được coi là con người, mà là nguyên liệu thô cho các sản phẩm thương mại”.
Ông David Kilgour, một nhà điều tra nhân quyền đã mô tả quá trình thu hoạch nội tạng tại các bệnh viện Trung Quốc: “Các tù nhân bị hành quyết theo kiểu đặc biệt để chưa chết hẳn. Họ sốc nặng và do đó các bác sĩ có thể phẫu thuật lấy nội tạng mà không phải dùng thuốc gây mê. Điều ghê rợn nhất ở đây là nạn nhân vẫn còn sống khi cơ thể họ bị mổ xẻ, và những ca phẫu thuật đó đều có tiếng la hét trong đau đớn của những người bị tàn sát”.
Đó là câu chuyện hoàn toàn có thật và đang gây được sự chú ý của rất nhiều các quốc gia tự do. Sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công và những tù nhân lương tâm khác, các hãng truyền thông lớn thế giới đồng loạt bày tỏ sự phẫn nộ khi tội ác kinh hoàng này bị phanh phui. Một số hãng tin Hoa Kỳ đã dùng từ “Phát xít” để mô tả về tội ác diệt chủng này.
Tuy nhiên trong khi phản ứng từ các cấp lãnh đạo các quốc gia còn gặp nhiều trở ngại vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của cả thế giới chứ không riêng gì quốc gia nào, thì lời kêu gọi sự chú ý từ cộng đồng cần được sự quan tâm hơn bao giờ hết.
Một dòng trạng thái kèm hashtag #StopPersecution hay #ChinaStopKilling của bạn có thể chỉ là một gợn nước nhẹ, nhưng nó sẽ góp sóng thành bão, sẽ lan truyền và truyền cảm hứng nhân đạo để cứu hàng triệu học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ trái phép tại Trung Quốc.
Những phụ nữ bị hãm hiếp một cách phi lý và chết dần chết mòn trong im lặng xứng đáng có được sự quan tâm từ #Metoo. Thì những người bị bắt giữ và mổ cướp nội tạng chỉ vì thực hành theo Chân Thiện Nhẫn cũng hoàn toàn xứng đáng có được một dòng hashtag kêu gọi cho sự công bằng của mình.
Nếu bạn có thể thờ ơ với mạng sống của một con người dù là người xa lạ, thì thế giới này đến một lúc nào đó sẽ thờ ơ với chính mạng sống của bạn. Bởi:
“Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt” – Napoleon Bonaparte
Theo ĐKN