Chuyện một người đàn ông Trung Quốc tên Trần Địa Minh năm xưa từng giết rất nhiều rắn độc, cuối cùng đã phải chết thảm bởi 9 vết cắn đã khiến dư luận Trung Quốc chấn động một thời. Khi chứng kiến những điều xảy ra trên mộ của Địa Minh, nhiều người lại càng tin rằng chuyện rắn biết báo thù là có thật.
Ăn nên làm ra nhờ bắt rắn vua
Trần Địa Minh sống ở 1 ngôi làng nhỏ dưới chân núi thuộc địa phận TP. Lợi Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, mưu sinh bằng nghề săn bắt rắn.
Tuy đây là một ngành nghề nguy hiểm mà không phải ai cũng dám làm nhưng vì lợi nhuận từ việc bán những con rắn quý hiếm rất cao, nên Địa Minh vẫn là 1 trong những người thợ bất chấp để theo nghề này.
Được biết, ở nơi mà Địa Minh sinh sống có khí hậu nóng ẩm, rất thích hợp cho sự phát triển của rắn. Chính vì vậy, rắn ở đây có thể nói là nhiều không đếm xuể, chỉ cần chăm chỉ thì không lo thiếu tiền tiêu.
Là 1 thợ bắt rắn có tay nghề, trong vài năm đầu tiên, Địa Minh hầu như không gặp phải bất cứ khó khăn nào, đặc biệt là trong mùa xuân và mùa hè, giai đoạn có nhiều rắn nhất. Thu nhập của Địa Minh cũng vì thế mà tăng vọt. Mọi người hầu như lúc nào cũng thấy anh bận rộn.
Trong số các loài rắn thường hay bắt, Địa Minh thích nhất là rắn vua. Đây là loại rắn không có độc, thịt ăn rất ngon, không những thế lại có thể dùng để làm thuốc nên rất có giá trị.
Thấy Địa Minh mỗi ngày một ăn nên làm ra nhờ việc bắt rắn vua, người dân trong làng đã đổ xô tới gặp anh nhờ anh truyền dạy bí quyết bắt được loại rắn này. Vốn là một người xởi lởi, thoải mái nên Địa Minh đồng ý ngay.
Bắt gặp rắn hoa cỏ cổ đỏ ‘chúa’
Vào một ngày tháng 4 năm 1986, Địa Minh dẫn theo 2 người cùng làng lên núi để bắt rắn. Đây là lần đầu tiên anh dẫn người đi cùng. Để giảm thiểu rủi ro, anh chọn 1 khu rừng mà bản thân đã quen thuộc.
Trong khi tập trung bắt rắn vua, họ đột nhiên bắt gặp 1 con rắn hoa cỏ cổ đỏ với phần lưng có màu đỏ đặc trưng. Vừa nhìn thấy nó, Địa Minh lập tức nhận ra ngay. Thế nhưng, trong quan điểm của anh thì đây không phải loài rắn độc, cũng chẳng bán được giá, nên anh không mấy quan tâm mà dùng 1 gậy, đánh chết nó ngay tức khắc.
Địa Minh có thể là 1 chuyên gia bắt rắn giỏi, nhưng vẫn có 1 điều mà anh không biết, đó là rắn hoa cỏ cổ đỏ thực chất là loài có độc khá nguy hiểm, có thể gây chết người. Tuy vậy cũng không thể trách Địa Minh bởi phải mãi đến những năm 90, người ta mới chứng minh được điều đó.
Vì răng nanh của loài rắn này mọc ở phía sau của hàm trên, rất ngắn và không có rãnh, tuyến nọc độc không phát triển đầy đủ, mỗi lần tiết nọc độc cũng rất ít nên khó gây hại cho con người. Chỉ trừ trường hợp người nào bị cắn ở những vị trí hiểm như ngón tay, mà phần cơ thể bị cắn đi sâu vào trong miệng rắn thì mới có thể tiếp xúc với chất độc của nó.
Sau khi chất độc này vào cơ thể, nó sẽ đi vào máu, khiến nạn nhân bị suy hô hấp và suy thận, có thể gây tử vong trong khoảng thời gian từ 10 tiếng đồng hồ đến 3 ngày nếu không được cấp cứu và lọc máu kịp thời.
Nỗi kinh hãi khiến bản thân phải rửa tay gác kiếm
Sau khi giết chết con rắn hoa cỏ cổ đỏ đầu tiên, Địa Minh và 2 người kia lại thấy trong đám cỏ bắt đầu có thêm vài con nữa. Rồi sau khi họ đã đánh chết, thì lại có những con khác xuất hiện. Chúng tuôn ra cứ như 1 dòng suối, khiến cho người có nhiều kinh nghiệm bắt rắn như Địa Minh cũng cảm thấy kinh hãi, chứ đừng nói gì đến 2 người đi cùng.
Cuối cùng, sau 1 hồi vật lộn điên cuồng, đã có tổng cộng 73 con rắn bị đánh chết. Đây quả là chuyện chưa từng có. Thậm chí, sự việc này còn được báo đài địa phương đưa tin.
Sau sự việc này, 2 người cùng làng vừa mới định mon men học cách bắt rắn đã ‘mặt cắt không còn giọt máu’, không dám theo nghề này nữa. Về phần Địa Minh, anh sau đó cũng đã ‘rửa tay gác kiếm’ trong 2 năm.
Thế nhưng sau đó vì ít người làm nghề này, thị trường khan hiếm nên giá của rắn vua lại càng tăng cao. Khi thấy 1 người làng bên mua được chiếc xe đạp mới bằng việc bắt rắn, Địa Minh lại cảm thấy ghen tị và quyết định trở lại với nghề cũ.
Song khi đó, anh mới nhận ra những loài rắn có giá trị ở xung quanh nơi anh sinh sống hầu như đã bị bắt hết. Sau vài ngày tay trắng trở về, Địa Minh quyết định phải đi xa hơn.
Cuối cùng, anh tới tận TP. Mã An Sơn của tỉnh An Huy. Tại đây anh đã tìm thấy rất nhiều rắn vua và bắt chúng trong vài ngày liên tục. Vì muốn kiếm tiền nhanh hơn, anh thậm chí còn đi bắt vào ban đêm.
Cũng không biết là vì xui xẻo hay do mắt kém mà hôm đó Địa Mình lại nhìn nhầm 1 con rắn hoa cổ đỏ thành rắn vua rồi bị nó cắn cho 1 phát. May mắn sống sót nhưng từ đó Địa Minh cứ liên tục ‘đụng độ’ loài rắn này và toàn ở thế bất lợi.
Tổng cộng anh đã bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn 3 lần. Khi ấy, những ai nghe được câu chuyện của Địa Minh đều cho rằng anh đã dính phải lời nguyền của loài rắn trên vì trước đó đã ra tay tàn sát 73 con rắn loại này. Nhiều người lúc đó còn khuyên anh nên bỏ nghề này đi thì hơn.
Sau khi suy đi tính lại Địa Minh thấy bản thân cũng đã kiếm được khá nhiều tiền rồi, vả lại giờ rắn vua cũng ngày càng khó kiếm nên quyết định bỏ nghề bắt rắn, quay sang làm nông.
Thế nhưng, không lâu sau đó, vào 1 ngày của năm 1991, người ta bỗng phát hiện Địa Minh nằm bất tỉnh trên mặt đất, xung quanh là mười mấy con rắn hoa cỏ cổ đỏ. Kiểm tra người của anh, mọi người thấy có 9 vết cắn của loài rắn này. Dù sau đó người ta đã tức tốc đưa Địa Minh đi cấp cứu nhưng anh không qua khỏi.
Rắn biết báo thù là có thật?
Nhiều người cho rằng cái chết của Đại Minh là do bị rắn hoa cổ đỏ báo thù. Thậm chí người ta còn nói rằng cứ đến mùa xuân và mùa hè, họ lại thấy có rất nhiều con rắn hoa cỏ cổ đỏ ‘nhảy múa’ quanh mộ phần của Địa Minh, như để ăn mừng thắng lợi.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng tại sao 2 người cùng làng đi cùng Địa Minh không bị rắn cắn chết? Trong hai năm ‘rửa tay gác kiếm’, Địa Minh đã được yên ổn. Chỉ khi quay lại với công việc bắt rắn ở nơi khác, anh mới bị tấn công. Vậy có phải rắn thông minh đến mức biết chọn người, chọn cả thời gian và địa điểm để tấn công hay không?
Theo các chuyên gia thì câu trả lời là không, vì dù có thông minh đến mấy, rắn cũng chỉ là 1 loài động vật bậc thấp. Tuy nhiên, tự nhiên luôn tuân theo quy luật cân bằng. Loài rắn vua mà Địa Minh bắt dù không độc nhưng thức ăn của nó lại bao gồm cả các loài rắn có độc, trong đó có rắn hoa cỏ cổ đỏ. Vì Địa Minh đã bắt quá nhiều rắn vua liên tục trong nhiều năm, số lượng rắn hoa cỏ cổ đỏ vì thế mà tăng đột biến do mất đi kẻ thù tự nhiên của nó.
Vì làm nghề bắt rắn vua nhiều năm, nên trên người của Địa Minh cũng tự nhiên bị ám mùi của loài vật này. Loại mùi đặc trưng này con người không ngửi được nhưng rắn hoa cổ đỏ lại có thể. Chính vì thế, chúng sẽ nghĩ Địa Minh là kẻ thù của mình và tấn công anh.
Lý giả về việc tại sao lại có quá nhiều con rắn hoa cỏ cổ đỏ tấn công Địa Minh. Các nhà nghiên cứu nói rằng khi gặp kẻ thù, rắn hoa cỏ cổ đỏ sẽ phân tích nồng độ đặc trưng của đối thủ, từ đó quyết định xem đây có phải là một kẻ thù mạnh hay không và nó có thể chiến đầu với kẻ thù này được không.
Vì mùi rắn vua trên người Địa Minh quá mạnh, do đó chúng đã kéo đến cả đám để tấn công anh. Đây cũng chính là lý do vì sao trên người Địa Minh có tới 9 vết cắn của loài rắn này.
Về chuyện đám rắn hoa cỏ cổ đỏ ‘nhảy múa’ ở gần mộ của Địa Minh cũng có thể lý giải được. Vào những năm 90, ở các vùng nông thôn Trung Quốc vẫn chôn người theo cách truyền thống chứ không hỏa thiêu. Và mùi của loài rắn vua trên người Địa Minh vẫn chưa hết do đó vẫn thu hút đám rắn hoa cỏ cổ đỏ lui tới, nhất là vào mùa xuân và mùa hè, thời điểm loài rắn này sinh trưởng mạnh.
Cuối cùng, sau ba thập kỷ, các nhà khoa học cũng lý giải được những yếu tố dị thường trong câu chuyện của Địa Minh. Thế nhưng, có một điều chúng ta cần nhớ rằng, con người dù thông minh đến mấy đi chăng nữa, cũng cần phải coi trọng quy luật của tự nhiên và duy trì sự cân bằng cho hệ sinh thái. Một khi chuỗi sinh thái bị đứt gãy, nó sẽ gây ra những hậu quả không thể lường trước.
Theo INF News