Hoắc Giới Phu từng đảm nhiệm nhiều chức vụ tại sở cảnh sát Trường Xuân, Trung Quốc. Ông tiết lộ, vào tháng 3/2002, ông đã tận mắt chứng kiến nhân viên cục cảnh sát nơi đây dùng hình bức cung đến chết học viên Pháp Luân Công theo chỉ thị của Giang Trạch Dân. Vì ông không đồng ý tham gia nên đã bị giam giữ và cách chức.
Hai mươi năm trước, vào ngày 23/1/2001, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát một đoạn video giả về “Vụ tự thiêu Thiên An Môn” trên CCTV, gây chấn động thế giới. “Vụ tự thiêu” thảm thiết này đã kích động quần chúng căm ghét và sợ hãi tột độ đối với Pháp Luân Công. Kể từ đó, số lượng các trường hợp thù hận Pháp Luân Công tăng lên đáng kể, các nhân viên tư pháp của ĐCSTQ cũng bức hại các học viên Pháp Luân Công tàn khốc hơn.
Ngày 5/3/2002, các học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân, Trung Quốc đã mạo hiểm tính mạng để chèn một đoạn sự thật về vụ tự thiêu trên kênh truyền hình cáp ở Trường Xuân trong gần một giờ đồng hồ. Đoạn video này đã vạch trần sự dối trá mà ĐCSTQ đã dàn dựng trong cái gọi là “Vụ tự thiêu Thiên An Môn.”
Giang Trạch Dân đối với việc này hết sức căm tức nên đã bí mật ra lệnh “Giết không tha”. Vào thời điểm đó, ở Trường Xuân đã bắt giữ hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công. Từ ngày 11 đến ngày 15/3, ít nhất 6 học viên Pháp Luân Công đã bị đánh đến chết, bác sĩ Lưu Hải Ba là một trong số đó.
Lưu Hải Ba, nam giới, lúc đó 34 tuổi, ông là bác sĩ tại phòng CT của Bệnh viện Lục Viên, thành phố Trường Xuân. Vào tối ngày 11/3/2002, ông và vợ là Hầu Diễm Kiệt bị Cục Công an quận Khoan Thành, thành phố Trường Xuân, bắt cóc từ nhà, sau đó tra tấn ép cung.
Sáng hôm sau, cảnh sát phát hiện tim của Lưu Hải Ba đã ngừng đập thì mới dừng tra tấn. Sau đó, văn phòng quận Khoan Thành bí mật hỏa táng thi thể của ông Lưu và phong tỏa tin tức nghiêm ngặt. Gia đình Lưu Hải Ba đã tìm kiếm suốt một năm, nhưng không có tin tức gì. Cho đến ngày nay, Văn phòng quận Khoan Thành vẫn từ chối không điều tra tội ác này, khiến gia đình Lưu Hải Ba không có chỗ để minh oan.
Các học viên Pháp Luân Công đã phải trải qua những gì để nói lên sự thật cho thế giới
Nhân chứng đưa ra lời khai là Hoắc Giới Phu, nam, sinh năm 1970, ông ở một vùng nông thôn của tỉnh Cát Lâm, cùng tuổi với Lưu Hải Ba. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng cảnh sát Cát Lâm vào năm 1993 và từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như: vệ cảnh trại giam Sở Công an Trường Xuân, Cảnh sát của đồn cảnh sát công an phân cục Khoan Thành, phó trưởng phòng an ninh nội bộ chi cục Khoan Thành, Cảnh sát trưởng của Sở cảnh sát Nam Quảng trường thuộc Sở Công an Trường Xuân.
Theo Hoắc Giới Phu, vào tháng 3/2002, ông đã tận mắt chứng kiến nhân viên cục cảnh sát nơi đây đánh chết học viên Pháp Luân Công, vì ông không đồng ý tham gia nên đã bị giam giữ và cách chức. Cuối tháng 6/2002, Hoắc Giới Phu trốn khỏi Trung Quốc.
Sau đây là lời kể của Hoắc Giới Phu về quá trình bị tra tấn và cái chết của học viên Pháp Luân Công Lưu Hải Ba.
Giang Trạch Dân tức giận, ra lệnh toàn lực đàn áp
“Ngày 5/3/2002, mạng truyền hình cáp Trường Xuân bị chèn vào đoạn chương trình sự thật Pháp Luân Công. Cảnh sát bắt được hai người tại hiện trường, hai người khác chạy mất. Khi đó, trong cuộc họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Giang Trạch Dân rất căm tức nên chỉ trích, phê bình Vương Vân Khôn – bí thư tỉnh ủy, và yêu cầu phải giải quyết vụ việc trong một thời hạn. Vì vậy vụ án này trở thành vụ án do Bộ Công an đốc thúc.”
“Lúc 7 giờ tối ngày 6/3, Chi cục Khoan Thành tổ chức hội nghị cán bộ cấp trung. Cục trưởng Chu Xuân Minh đã truyền đạt lại chỉ thị trong cuộc họp hội đồng thành phố và khẳng định đối với Pháp Luân Công phải khẩn cấp và nghiêm túc. Theo triển khai của văn phòng thành phố thì ‘ưu tiên hiện tại là đã kích sự kiêu ngạo của Pháp Luân Công’ và điều tra ‘trường hợp ác tính’ này càng sớm càng tốt.
Yêu cầu các sĩ quan cảnh sát tổng thể hành động, ‘đoàn kết xung quanh Trung ương Đảng lấy Giang Trạch Dân làm cốt lõi’ và ‘hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này với tinh thần trách nhiệm chính trị cao’. Đồng thời, tuyên bố rằng ‘đối với các học viên Pháp Luân Công cần phải xử thật nặng, vượt xa các trường hợp thông thường’, hơn 6.000 cảnh sát trong thành phố được yêu cầu hành động. Bằng cách này, chúng tôi đã đầu tư một thời gian dài cho việc điều tra phá án và vận động đề phòng.”
Bắt giữ phi pháp vợ chồng Lưu Hải Ba và dùng hình tra tấn
“Ngày 12/3, đội 2 thuộc Lữ đoàn Cảnh sát Hình sự, Chi nhánh Khoan Thành đã bắt được những người tham gia vào vụ việc trong đó có vợ chồng Lưu Hải Ba, Hầu Diễm Kiệt… Đội Cảnh sát Hình sự đã đánh đập và tra tấn họ trong một thời gian dài.”
“Lúc 7 giờ tối 13/3, tôi trở về đơn vị, đi qua tầng 2 (đơn vị chúng tôi ở tầng 6, cảnh sát hình sự ở tầng 2) thì nghe tiếng tra khảo, đánh đập. Tôi đẩy cánh cửa ra một xíu rồi nhìn vào bên trong, tôi thấy một số thành viên trong nhóm đang dùng hình. Lưu Hải Ba bị lột trần toàn thân, nằm oằn trên ghế hổ, đầu bị dúi xuống trong tư thế quỳ. Có hai đội viên cầm dùi cui điện cao thế sốc mạnh vào hậu môn Lưu, bên cạnh có vài thanh gỗ đã bị gãy, trên người Lưu có nhiều mảng sưng đỏ với diện tích lớn.”
“Ngụy Quốc Ninh từ Phòng Điều tra Kinh tế cũng đang ở bên trong. Chúng tôi hỏi đội trưởng Ngải Lực Dân vì sao lại làm như vậy, anh ta nói phải làm cho người này mở miệng, có yêu cầu từ trên xuống, không sao cả. Đồng thời, anh ta bảo chúng tôi ra ngoài. Ông Ngụy cũng đi ra và nói với tôi, như thế này quá tàn nhẫn, sẽ xảy ra chuyện. Tôi nói hãy tìm đội trưởng của họ – Tôn Lập Đông, bảo họ đừng đánh nữa, nhưng Ngụy nói không nên can thiệp vào những chuyện vớ vẩn như vậy. Tôi liền đi tìm Tôn nhưng không tìm thấy. Tôi trở lại phòng làm việc đứng ngồi không yên, hối hận vì không thể ngăn cản.”
Chứng kiến Lưu Hải Ba bị tra tấn đến chết
“Sau khi ở trên lầu hơn 10 phút, tôi lại lên lầu ba tìm Tôn Lập Đông, ở cầu thang trên tầng ba, tôi nghe thấy tiếng ông Tôn hét lên ở tầng hai, “Đừng đánh trong phòng khác!”, có ai đó bước ra và hỏi chuyện gì đang xảy ra, ông ta nói: “Người trong phòng đó chết rồi”. Tôi thấy Lưu Hải Ba được kéo ra từ ghế hổ, người đã chết rồi, nằm dưới đất, Tôn ra lệnh mặc quần áo vào cho anh ấy, một số người vội vàng mặc quần áo cho anh nhưng không mặc được. Lúc này ông Ngụy cũng vừa đi xuống, Tôn nhìn thấy chúng tôi liền nhanh chóng rời đi, ông ta nói Ngải Lực Dân chớ lộ thông tin ra ngoài, ông ta đã báo với thượng cấp rồi.”
“Vào đêm muộn, Thường Tiểu Bình – Phó bí thư thứ nhất của Thành ủy đã đến văn phòng và đưa ra chỉ thị cho Chu Xuân Minh và một số người về cách giải quyết vụ việc. Trong đó có 3 điều như sau: 1 – Pháp Luân Công là nhiệm vụ chính trị gian khổ, không sợ đổ máu, người chết; 2 – Làm tốt công tác bảo mật không để rò rỉ thông tin tạo thành ảnh hưởng quốc tế; 3 – Bộ phận kiểm tra, giám sát kỷ luật các cấp không được can thiệp, điều tra về cái chết của các học viên Pháp Luân Công. Hết thảy lấy đại cuộc làm trọng.”
“Thi thể của Lưu Hải Ba đã được chuyển đến nhà xác của Bệnh viện Khoan Thành ngay trong đêm.”
Từ chối tham gia, bị giam giữ, đả kích
“Lúc 13h30 ngày 16/3, chi cục tổ chức họp cảnh sát hình sự và một số trưởng phòng, Chu Xuân Minh nói rằng Lưu Hải Ba, một học viên Pháp Luân Công đã chết vì đau tim, và yêu cầu tất cả các đơn vị triển khai cảnh sát đến nhà xác, đồng thới phái một nữ cảnh sát đến gặp Hầu Diễm Kiệt, người đã được đưa đến bệnh viện trước đó. Ngay lúc đó, tôi không biết mình lấy đâu ra dũng khí liền nói, phòng ban của chúng ta không tốt, Lưu bị giết, tôi không thể làm loại công việc này. Sau đó, tôi bị đình chỉ không cho phép tiếp tục tham gia cuộc họp.”
“Họ đến gặp tôi sau cuộc họp, và tôi đã đưa ra quan điểm của mình. Tôi nói tại sao Pháp Luân Công muốn chèn thông tin vào truyền hình cáp? Đây mới là vấn đề chính. Còn việc người chết thì phải được bồi thường theo pháp luật của nhà nước, tại sao chúng ta không dám thừa nhận chứ, chúng ta sợ cái gì. Không có cơ sở pháp lý nào để cấm Pháp Luân Công, còn việc chụp mũ là tà giáo thì lại càng gượng gạo. Ngoài ra, trong thời đại đạo đức băng hoại như hiện nay thì trong xã hội Trung Quốc lại càng cần một nhóm người như vậy. Tôi đã nói rất nhiều, và sau khi lắng nghe, họ nói với tôi rằng tôi bị ngừng làm việc, chờ thẩm tra.”
“Ngày 19/3, tôi được biết từ người quen của mình rằng, đội 4 của Cảnh sát Hình sự Lục Viên cũng đã đánh chết một học viên Pháp Luân Công. Tôi hỏi người bị đánh chết là ai, nhưng đầu dây bên kia không cho tôi biết tên, còn nói bây giờ ai dám đem tính mạng của mình ra làm trò đùa, vậy nên thượng cấp bảo làm thế nào liền làm thế đó.”
ĐCSTQ đang nói dối
“Tôi nói với đoàn thanh tra kỷ luật rằng, kể từ cuối năm 2001, tôi đã tin vào Thiên Chúa, và lương tâm đã ngăn cản tôi thừa nhận điều tàn nhẫn và vô nhân đạo này. Họ giam tôi, sau đó lấy cớ ‘ủng hộ Pháp Luân Công’ để câu lưu tôi trong 15 ngày. Từ ngày 29/3 đến ngày 12/4. Sau khi được thả, tôi bị cách chức và điều đến làm việc cho Sở cảnh sát Hưng Nghiệp.
Từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5, tôi được giao làm việc vào ban đêm, từ 10:30 đến 3:50 sáng, tuần tra khu vực chợ Kiền Điều, trên đường Quang Phục để ngăn chặn có người phóng hỏa phá hoại và ngăn không cho các học viên Pháp Luân Công ra ngoài vào ban đêm để treo các biểu ngữ.”
“Ở đây tôi muốn nói rằng chính phủ Trung Quốc đang nói dối, sự dối trá đến từ chính phủ, và những ‘tin tức’ thù hận Pháp Luân Công là do chính phủ một tay dựng lên.Tuy nhiên, những tội danh ngụy tạo mà họ tạo nên đã khiến tâm trí và con mắt của thế nhân bị mê hoặc. ĐCSTQ theo đuổi logic của Hitler với khẩu hiệu ‘lời nói dối càng lớn, càng có người tin tưởng’, còn những người bị lừa gạt, không biết rõ sự thật sẽ trở thành nạn nhân.”
Tử Vi (Theo Sound Of Hope)