Tinh Hoa

Giàn khoan của Trung Quốc đang hoạt động tại Biển Đông

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cơ quan chức năng đang xác minh thông tin Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu lớn nhất và hiện đại nhất nước này tới Biển Đông.

Hình ảnh giàn khoan Hải Dương Thạch du 982 trên mạng xã hội Weibo. (Ảnh: Weibo/South China Morning Post)

Trước đó vào cuối tháng 9, nhật báo South China Morning Post dẫn một bài viết trên trang mạng của Ủy Ban Chính Pháp Trung Ương Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh vừa đưa giàn khoan Hải Dương Thạch du 982 vào hoạt động tại Biển Đông, nhưng không nói vị trí cụ thể. 

Giàn khoan này bắt đầu hoạt động từ ngày 21/9 tại một vùng biển sâu đến 3.000m.

Trả lời báo giới về thông tin này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 3/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Các cơ quan chức năng đang theo dõi và xác minh thông tin trên”.

Đồng thời, bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam cho rằng mọi hoạt động ở Biển Đông cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), trong đó có việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực”.

Được biết, Hải Dương Thạch du 982 là giàn khoan thế hệ mới của Trung Quốc, có chiều cao tương đương tòa nhà 10 tầng, thuộc loại lớn nhất và tiên tiến nhất trong các giàn khoan cùng loại tại Trung Quốc. Ngoài ra, giàn khoan này có thể chịu được sức gió 200 km/h và khoan sâu tối đa đến 9.000m.

Theo nhận định của tờ International Business Times của Mỹ, có 2 yếu tố giải thích hành động lần này của Trung Quốc. 

Thứ nhất, Bắc Kinh muốn tranh giành nguồn dầu khí tại Biển Đông để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này. 

Thứ hai, Bắc Kinh không bao giờ tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng như Việt Nam, thậm chí đã bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Ngoài ra, việc điều giàn khoan Hải Dương 982 đến Biển Đông cũng nhằm gửi một thông điệp đến Mỹ rằng Trung Quốc đang củng cố sự kiểm soát trên các vùng biển tranh chấp, xem đây là “mặt trận thứ hai” trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Cũng trong ngày 3/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng xác nhận nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Theo bà Hằng, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này và đã yêu cầu Trung Quốc rút ngay nhóm tàu khỏi vùng biển Việt Nam cũng như không được lặp lại hành động này.

Thùy Linh (t/h)