Nhiều người mới gặp Hoàng Thái hậu Từ Dũ sẽ cảm thấy bà đáng sợ vì dáng vẻ nghiêm túc, khoan thai, đoan trang, nhưng có tiếp xúc sẽ thấy bà là người vô cùng đôn hậu, nhân từ, lại hiểu biết sâu rộng.
Nghi Thiên Chương Hoàng hậu (1810 – 1902) là mẹ ruột của Hoàng đế Tự Đức và là Quý phi của Hoàng đế Thiệu Trị. Sinh thời, bà chưa từng lên ngôi Hoàng hậu nhưng lần lượt được truy tôn làm Hoàng Thái hậu, Thái Hoàng Thái hậu rồi Thái Thái Hoàng Thái hậu. Khi qua đời bà được truy tôn làm Hoàng hậu và được người đời nhớ đến với tôn hiệu Hoàng Thái hậu Từ Dũ.
Đức Từ Dũ nổi tiếng là bậc hiền nhân, được mọi người yêu quý, quần thần kính nể xem như thánh cô trong kinh thành Huế. Năm 1847, dưới triều vua Tự Đức bà trở thành Hoàng thái hậu, đến năm 1902 bà qua đời dưới thời vua Thành Thái. Sau này, danh hiệu của bà được đặt cho bệnh viện sản lớn nhất tại TPHCM là Bệnh viện Từ Dũ.
Theo sử chép, Hoàng Thái hậu Từ Dũ tên húy là Phạm Thị Hằng, là trưởng nữ của Lễ bộ thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng và Đức Quốc phu nhân Phạm thị. Gia đình bà sống tại Sơn Quy (Gò Rùa), huyện Tân Hòa, Gia Định, ngày nay là thị xã Gò Công, Tiền Giang.
Bà nổi tiếng thông minh, hiền hậu, xinh đẹp từ nhỏ. Năm 12 tuổi, khi mẹ bà lâm bệnh nặng, chỉ thích nằm một mình thì bà là người duy nhất được gần gũi hầu hạ chăm sóc mẹ ngày đêm. Đến khi mẹ qua đời, dù còn nhỏ nhưng bà vẫn giữ tang như người trưởng thành khiến bên ngoài tấm tắc khen ngợi.
Năm 14 tuổi, nghe tiếng hiền của bà, Nhân Tuyên Hoàng thái hậu quyết định tuyển bà làm thiếp cho cháu đích tôn của vua Gia Long là Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị).
Năm 15 tuổi, bà sinh con gái đầu lòng là Diêm Phúc công chúa – Nguyễn Phúc Tĩnh Hảo. Năm sau bà sinh con thứ là công chúa Nguyễn Phúc Uyên Ý nhưng không may mới 3 tuổi đã chết non. Đến ngày 25/8/1829, bà sinh con thứ 3 là hoàng tử Nguyễn Phúc Thì, tức vua Tự Đức sau này.
Ngày vua Thiệu Trị còn sống, bà luôn giữ đức của người vợ, ngày đêm chăm sóc chồng không quản mệt mỏi.
Khi vua Thiệu Trị mất, con bà là vua Tự Đức nối ngôi, tuy chủ trương là hậu cung không được xen vào việc triều chính, nhưng bà vẫn luôn ở bên cạnh để bảo ban, khuyên nhủ con đạo làm vua.
Khi trọng dụng các quan lại, bà thường nhắc nhở vua Tự Đức phải cân nhắc, soi xét thật kỹ càng, cốt để chọn ra được vị quan thanh liêm tạo phúc cho dân. Tất cả những lời bà dạy vua Tự Đức đều khắc in lại gọi là Từ huấn lục (lời huấn của mẹ hiền).
Có lần vua Tự Đức mải chơi quên buổi ngự triều, bà liền sai người đóng cung Diêm Thọ (nơi ở của bà). Vua phải đứng chờ cả tiếng, sau đó bà mới cho vào răn dạy: “Nước đang có nhiều việc rối, thân là Hoàng Đế lại ham vui chơi không lo lắng, biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính.“
Không chỉ là người mẹ hiền với con, là bậc mẫu nghi trong thiên hạ mà Hoàng Thái hậu Từ Dũ còn là người có lối sống giản dị, tiết kiệm. Bà thường dạy cung nhân cất bớt sáp thắp sáng, lâu ngày tiết kiệm được nhiều bà lại cho người đem vào kho dự trữ.
Khi chuyển tới cung Gia Thọ, bà vẫn giữ những đồ cũ từ trước để dùng, mặc cho người ta đã sắm sửa đủ thứ thì bà vẫn nhất mực chối từ.
Nói về thương dân, bà nổi tiếng như người mẹ hiền, hàng năm đến lễ mừng của mình, bà thường tìm cách thoái thác hoặc trì hoãn. Bà sợ dân khổ, bà từng nói với triều thần rằng, một hột gạo, một sợi tơ cũng đều là máu thịt của dân, cho nên cần phải tiết kiệm để dùng vào việc nước.
Dù luôn đứng trên vạn người nhưng bà luôn ý thức nâng cao kiến thức văn hóa, xã hội, nhờ đó mà bà có thể bàn luận, góp ý chuyện xã tắc, giúp vua Tự Đức rất nhiều trong đạo trị nước.
Những giai thoại về Hoàng Thái hậu Từ Dũ
Ngày 12/5/1902, Hoàng thái hậu Từ Dũ qua đời, hưởng thọ 92 tuổi, được sắc phong là “Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương hoàng hậu”. Ít ngày sau đó, triều đình lại phong là “Nghi Thiên Tán Thánh Từ Dụ Bác Huệ Trai Túc Tuệ Đạt Thọ Đức Nhân Công Chương hoàng hậu”. Bài vị của bà được thờ ở thế Miếu trong Hoàng thành Huế và Biểu Ðức điện trong Xương Lăng.
Đối đãi hòa ái, nhân từ
Đối với các phi tần và con của chồng mình, bà cũng muôn phần độ lượng. Như chuyện Phục Lễ công chúa Gia Phúc phạm tội, dù đó là con của cung nhân họ Hồ nhưng sau này Hoàng hậu vẫn tha tội.
Nhiều người mới gặp bà sẽ cảm thấy bà đáng sợ vì dáng vẻ nghiêm túc, khoan thai, đoan trang, nhưng khi tiếp xúc sẽ thấy bà là người vô cùng đôn hậu, nhân từ, lại hiểu biết sâu rộng.
Giấc mơ sinh thiên tử
Một giai thoại khác cho biết, vào một đêm nọ, Hoàng hậu mộng thấy một vị Thần áo rộng đai to, đầu tóc bạc, lông mày trắng, mang một tờ giấy vàng viết chữ son có đóng dấu và một chuỗi minh châu trao cho bà, bảo là: “Xem đây để nghiệm về sau”, bà nhận lấy. Sau đó không lâu thì có thai.
Ngày 25/8 năm Kỷ Sửu (tức 22/9/1929), Hoàng hậu sinh ra vua Tự Đức giống như giấc mộng, từ đó mọi người cho rằng hoàng đế chính là Thần nhân phái xuống làm con bà.
Theo Sống Đẹp