Ngày 17/9 vừa qua, tại đại học Harvard Hoa Kỳ, tạp chí Annals of Improbable Research đã công bố 10 giải Ig Nobel trong năm 2015 dành cho các phát minh, nghiên cứu hài hước. Đây là một giải thưởng thường niên mang tính chất vui vẻ nhưng vẫn mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống.
Giải thưởng trong lĩnh vực văn học được dành cho giáo sư Mark Dingenmanse và Nick Enfield nhờ nghiên cứu về từ “huh?” (hoặc đồng nghĩa). Theo 2 giáo sư này, từ “huh?” dù không có 1 ý nghĩa rõ ràng nào nhưng nó tồn tại trong hầu hết các ngôn ngữ của chúng ta, và nó cho thấy nhiều điều đặc biệt trong ngôn ngữ của chúng ta.
Giải Ig Nobel Quản Lý thuộc về Gennaro Bernile đến từ Singapore, hiện ông đang làm việc tại Đại học Quản Trị Singapore. Theo nghiên cứu của mình, ông nhận ra rằng các lãnh đạo doanh nghiệp thường ưa thích mạo hiểm từ khi còn rất nhỏ, hoặc từng trải qua các biến cố liên quan tới thiên tai như động đất hay cháy rừng.
Giải Ig Nobel hóa học thuộc về 2 giáo sư người Australia, Callum Ormonde và Colin Raston nhờ việc tìm ra cách luộc trứng lòng đào. Lí giải về nghiên cứu của mình, ông Colin Raston cho biết lòng đò trứng khi chưa chín hẳn có nhiều protein hơn, ngoài ra nó còn có thể được ứng dụng trong y tế cộng đồng.
Giải Ig Nobel Vật Lý được trao cho Patricia Yang vì đã tìm ra thời gian đi tiểu trung bình của các loài động vật có vú là 21 giây. Nghiên cứu này dù nghe rất ngớ ngẩn, nhưng nó cũng phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về quá trình bài tiết của cơ thể.
Giải Ig Nobel Kinh tế thuộc về những cảnh sát tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Điều này tới là do sở cảnh sát của thành phố quyết định thưởng tiền cho những cảnh sát không nhận hối lộ.
Giải thưởng liên quan tới Y tế của Ig Nobel dành cho Hajime Kimata, Nhật Bản và Jarroslava Durdiakova người Slovakia nhờ nghiên cứu liên quan tới lợi ích và tác hại của những nụ hôn. Các hành động thân mật từ lâu đã được xem là mang lại nhiều hiệu quả về mặt sức khỏe cho con người.
Giải Ig Nobel toán học được trao cho 2 giáo sư người Áo, Elisabeth Oberzaucher và Karl Grammer với việc tìm ra phương pháp giải mã điều bí ẩn làm thế nào vị vua Moulay Ismael của Ma Rốc có thể có tới 888 đứa con trong khoảng thời gian từ 30 năm từ 1697 – 1727.
Giải thưởng Ig Nobel Sinh học được trao cho nghiên cứu về việc lắp một chiếc gậy vào đuôi con gà, khiến nó sẽ đi giống loài khủng long. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Bruno Grossi tới từ đại học Chile.
2 giải Ig Nobel Sinh lý học và côn trùng học được Justin Schmidt người mỹ ẵm trọn. Anh này phát minh ra chỉ số Schmidt, thể hiện mức độ đau đớn khi bị côn trùng cắn. Được biết khi nghiên cứu, Schmidt đã cho rất nhiều loại côn trùng cắn mình. Đồng hành cùng anh này còn có Michael L. Smith, người đã để cho ong đốt vào 25 vị trí trên cơ thể để xem đâu là nơi dễ tổn thương nhất, trong đó có cả hộp sọ, đầu ngón tay, bắp tay, lỗ mũi, môi và … nơi nhạy cảm. Đúng là hy sinh cho khoa học!
Theo GenK