Kẻ gian gọi điện đến khách hàng bằng 1 cuộc gọi tự động đề nghị khách xác minh bản thân đã tiêm vaccine Covid-19 hay chưa. Chưa tiêm – ấn phím 1, đã tiêm – ấn phím 2… Khi khách hàng thực hiện thao tác này thì điện thoại lập tức bị đối tượng kiểm soát và lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin về dịch vụ ngân hàng rồi từ đó chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Theo báo Thanh Niên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây đã đưa ra cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới, đó là lợi dụng việc xác minh thông tin tiêm vaccine ngừa Covid-19 để đánh cắp dữ liệu, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, đối tượng sẽ gọi điện đến khách hàng bằng 1 cuộc gọi tự động đề nghị khách hàng xác minh bản thân đã tiêm vaccine Covid-19 hay chưa. Chẳng hạn, chưa tiêm – ấn phím 1, đã tiêm – ấn phím 2… Khách hàng thực hiện thao tác này điện thoại sẽ bị đối tượng kiểm soát và lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin về dịch vụ ngân hàng thường xuyên sử dụng rồi từ đó chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Hình thức lừa đảo bằng cách mạo danh ngân hàng cũng đã được các nhóm lừa đảo vận dụng nhiều năm trở lại đây nhưng ‘nội dung’ liên tục thay đổi nhằm làm mất cảnh giác.
Như các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng bằng cách đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ATM, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ, sau đó yêu cầu đọc mã OTP gửi vào tin nhắn để thực hiện hành vi lừa đảo.
Hoặc các đối tượng sẽ chuyển tiền vào tài khoản khách hàng, sau đó giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện báo rằng có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách, sau đó hướng dẫn khách thực hiện thủ tục hoàn trả bằng cách ấn vào đường link và điền thông tin cá nhân, rồi chiếm đoạt tài khoản của khách.
Để tránh bị lừa đảo, nếu khách hàng nhận được một khoản tiền không phải do người quen chuyển thì phải liên hệ với phía ngân hàng để giải quyết, không được làm theo yêu cầu của người lạ gọi đến.
Cũng hình thức chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó kẻ gian mạo danh ngân hàng gọi điện hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu của Ngân hàng) cho khách hàng, thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập đường link trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, OTP) và chiếm đoạt tài khoản của khách hàng.
Ngoài ra còn có những hình thức lừa đảo khác như đánh cắp tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo…) người quen của khách hàng và giả danh là người quen đang rơi vào tình huống khẩn cấp như nộp tiền phạt, chi phí y tế… cần khách chuyển tiền gấp.
Hoặc đối tượng mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash…) để giải ngân một khoản tiền ‘ảo’ (không có thực) kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu và chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính, nhằm lừa khách chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.
Các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không sử dụng các phần mềm lưu trữ mật khẩu, không dùng chung một mật khẩu để đăng nhập ngân hàng điện tử và đăng nhập vào các mạng xã hội; không cung cấp thông tin cho ai, đặc biệt là thông tin bảo mật, kể cả ngân hàng cũng không làm điều này; không bấm vào các đường link lạ…
Theo Thanh Niên