Trong khi giá rau xanh, hải sản ở các chợ lẻ TP HCM nhanh chóng tăng theo xăng, thì tại chợ Hà Nội, giá thực phẩm đứng yên thậm chí còn giảm.
Sau khi giá xăng RON 92 tăng 1.200 đồng lên 20.430 đồng một lít vào tuần trước, cao nhất trong 6 tháng qua thì giá thực phẩm tại các chợ lẻ cũng bắt đầu điều chỉnh. Khảo sát của VnExpress tại một số chợ TP HCM cho thấy, rau xanh có dấu hiệu tăng giá mạnh nhất, tiếp đến là thủy hải sản, riêng thịt gia súc, gia cầm vẫn đứng yên. Tại chợ Văn Thánh, Thị Nghè (Bình Thạnh), Thái Bình (quận 1)… súp lơ xanh đắt thêm 5.000 đồng lên 40.000 đồng một kg, bầu bí trước đây 10.000 một kg thì nay 12.000 đồng. Rau cải xanh tăng từ 15.000 đến 20.000 đồng một kg. Mướp đắng cũng lên 20.000 đồng thay vì 15.000 đồng một kg như tháng trước. Cà rốt, khoai tây Đà Lạt đắt thêm 3.000 đồng lên 25.000 đồng một kg, còn hàng Trung Quốc có giá 20.000 đồng. Dưa leo trước đây 10.000 đồng thì nay tăng gấp đôi lên 20.000 đồng một kg, số lượng rất hạn chế. Đối với thủy hải sản như tôm, cá cũng tăng thêm 5.000-20.000 đồng một kg. Nếu tuần trước cá thu có giá 200.000 đồng một kg thì nay 220.000 đồng. Tôm bạc 140.000 đồng lên 150.000 đồng. Cá điêu hồng đắt thêm 5.000 đồng lên 50.000 đồng một kg. Trứng gia cầm cũng thêm 2.000 đồng lên 25.000 đồng một chục trứng gà và 35.000 đồng với trứng vịt. Riêng các loại thịt bò, gà và heo đứng giá. Chị Hoa, tiểu thương tại chợ Văn Thánh cho biết, giá rau tăng một phần là do giá xăng tác động lên chi phí vận chuyển. Cộng với thời điểm gần đây một số loại rau bước vào cuối vụ nên số lượng hạn chế. “Hai lần xăng tăng liên tiếp nhau làm cho chi phí vận chuyển lên rất nhanh. Nếu trước đây đổ đầy bình xăng xe máy đi được một tuần 6 buổi thì nay tiết kiệm lắm cũng chỉ khoảng 4 buổi. Trong khi đó, sức mua không mấy khả quan mà để lâu rau dễ hỏng nên buộc phải tăng giá để bù đắp chi phí”, chị Hoa nói.
Còn chị Trang tiểu thương tại chợ Bà Chiểu cho biết, dù vận chuyển số lượng hàng không nhiều nhưng nếu trước đây một lần vận chuyển tốn khoảng 150.000 đồng thì nay chị phải trả 220.000 đồng. Như vậy, nếu không tăng giá rau thì khó tránh khỏi lỗ. Trái ngược với TP HCM, tại một số chợ Hà Nội chỉ có mặt hàng thủy hải sản tăng giá nhẹ từ đầu tuần, còn rau xanh, thịt vẫn ổn định. Ngay từ sáng sớm, tại chợ Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), các quầy thực phẩm tươi sống và rau xanh đã tập trung nhiều người mua. Theo các chủ hàng, rau xanh vẫn giữ giá từ tuần trước đến nay, thậm chí một số đã giảm 500-1.000 đồng so với đầu tháng. “Đang chính mùa thu hoạch, đặc biệt là rau muống, mồng tơi, dền… nên nguồn cung lớn. Dù nhu cầu tiêu thụ rau xanh thời điểm này rất lớn, nhưng so với trước giá một số loại vẫn giảm nhẹ”, chị Thanh chủ sạp rau cho biết. Là đầu mối cung cấp rau cho chợ Dịch Vọng và một số khu vực Cầu Giấy, anh Hùng (Trạm Trôi, Hoài Đức) thừa nhận giá cước vận chuyển đã tăng đáng kể do giá xăng, song gần như điều này không ảnh hưởng đến giá bán lẻ các loại rau xanh hiện nay. Chỉ một số củ quả, rau thơm như hành hoa, mùi ta, xà lách, húng Láng… tăng nhẹ vài trăm đồng do thời tiết nắng nóng khó chăm sóc nên có lúc cầu lớn hơn cung. “Tâm lý người mua đều lo giá cả tăng cao mỗi lần giá xăng, điện tăng, nhưng thực tế thì đợt này ảnh hưởng không lớn như mọi năm”, anh nói. Theo đó, rau muống, mồng tơi, dền tại một số chợ đang có giá 2.000-3.000 đồng một bó; cà chua 12.000-13.000 đồng, chanh tươi giá 30.000, bí xanh, bí đỏ 7.000-10.000 đồng một kg; mùi ta, húng Láng 1.000-2.000 đồng một mớ… Tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình), Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Hôm (Hai Bà Trưng)… giá bán lẻ các loại thực phẩm cao hơn 2.000-5.000 đồng so với khu vực ven đô. Các chủ sạp hàng tại đây cho biết giá bán vẫn giữ nguyên, chỉ riêng các thủy hải sản được ghi nhận mức tăng giá cao nhất 10% do nhu cầu tiêu thụ khá lớn. “Cua đồng tăng thêm 2.000 đồng với giá 15.000 đồng một kg; mực ống, tôm biển dao động 160.000-200.000 đồng, ngao biển 180.000 đồng, cá các loại đều tăng thêm 5.000 đồng ở mức 75.000-120.000 đồng một kg, tùy loại”, chị Hải – chủ sạp hàng hải sản chợ Ngọc Hà cho biết. Trong khi đó, giá thịt lợn và gia cầm thậm chí còn giảm sâu so với hồi đầu tháng. Một số tiểu thương cho biết mấy ngày gần đây không dám nhập hàng nhiều vì sức mua kém. “Bình thường tôi bán 4 tạ thịt trong buổi sáng, nhưng tuần này thời tiết nắng nóng ít người ăn thịt nên bán cả ngày mới hết”, một tiểu thương tại chợ Ngã Tư Sở than thở. Hiện giá thịt lợn tại các chợ dao động 75.000-90.000 đồng mỗi kg tùy loại; thịt bò 250.000-270.000 đồng, thịt gà ta 150.000-160.000 đồng một kg, gà công nghiệp 60.000-65.000 đồng. Trong khi giá nông sản tại các chợ lẻ ở TP HCM tăng thì tại chợ đầu mối khá nhiều sản phẩm vẫn đứng yên, thậm chí còn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, súp lơ xanh 15.000-20.000 đồng một kg, dưa leo 11.000-15.000 đồng, cà rốt Đà Lạt 12.000-13.000 đồng, còn hàng Trung Quốc chỉ 6.000 đồng một kg. Khoai tây, xà lách, tần ô cũng chỉ dao động 9.000 -20.000 đồng. Đa phần các loại nông sản này rẻ hơn trước đó một tháng và cùng kỳ năm ngoái khoảng 5-10%. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức , nguyên nhân khiến giá nông sản tại chợ đầu mối rẻ do thời gian gần đây sức mua trên thị trường rất thấp, lại cạnh tranh gay gắt. Do đó, dù giá xăng tăng nhưng vì hàng khó bán nên người buôn hàng không dám đẩy giá lên cao. Còn việc hàng ở chợ đầu mối giảm mà chợ lẻ lại tăng là vì giá cước vận chuyển của 2 chặng vận chuyển khác nhau. “Giá cước mỗi chuyến từ nhà vườn đến chợ đầu mối tăng 100.000-200.000 đồng, nhưng thông thường một lần vận chuyển như vậy có sản lượng 15-20 tấn nên tiết giảm được chi phí. Còn tại các chợ lẻ, số lượng vận chuyển ít khiến giá tăng cao”, bà Hà giải thích. Về phía doanh nghiệp, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan cũng cho biết, giá xăng tăng có tác động đến đầu vào, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 0,1% nên hầu như không tác động đến giá cả sản phẩm. Hiện tại thịt gia súc, gia cầm tại Vissan vẫn ổn định giá. Ở một góc độ khác, ông Mười cho rằng, sức mua trên thị trường đang rất ảm đạm nên dù Sở Tài chính có cho điều chỉnh giá thì doanh nghiệp cũng không dám tăng, vì như vậy hàng bán ra sẽ hạn chế hơn. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chuyên doanh trứng cho biết, công ty cũng chưa tăng giá trứng. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm bán tại các chợ tăng 2.000 -3.500 đồng một vỉ (10 trái) là do cung không đủ cầu. Thời gian tới, nếu tình trạng này tiếp diễn công ty sẽ xin Sở Tài chính cho phép điều chỉnh. Hồng Châu – Thành Tâm vnxpress |
Theo Vietstock