Tinh Hoa

Gia đình kỳ lạ có 5 anh chị em đều đi bằng tứ chi

Bí ẩnMột gia đình đông con ở Thổ Nhĩ Kỳ

 đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học và khiến họ tranh luận về một hội chứng kỳ lạ khi có tới 5 anh chị em đi bằng cả 2 tay và 2 chân.

4 trong số 5 anh chị em trong một gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ đi bằng cả tứ chi.

Gia đình Ulas được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2005. Họ là người Kurd, sống ở một vùng hẻo lánh ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, cuộc tranh luận về hội chứng kỳ lạ của họ lại dấy lên sau khi BBC làm một bộ phim tài liệu về 5 anh em đi bằng cả 2 tay và 2 chân, theo Tribun News.

Ông bà Resit và Hatice có 19 người con, trong đó có 12 người phát triển bình thường, 7 người còn lại mắc hội chứng khiến họ phải đi bằng cả tứ chi. Lòng bàn tay họ chạm đất, trong khi chân vẫn thẳng, dáng đi như kiểu di chuyển của loài gấu. Một trong 7 người đã qua đời, 5 người đi bằng tứ chi, một người còn lại có thể đi thẳng người nhưng dáng đi lảo đảo như say rượu.

Trong số 5 người mắc tình trạng trên, có 4 người là nữ gồm Safiye, Hacer, Senem và Emine. Thành viên còn lại là ông Hüseyin, theo IBT Times.

Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về hội chứng kỳ lạ này. Giáo sư Stefan Mundlos, một nhà di truyền học người Đức, thì cho rằng có thể 5 anh chị em này thiếu một gien nào đó chi phối khả năng đi thẳng người trên 2 chân.

Trong khi nhà tâm lý học tiến hóa người Anh Nicholas Humphrey nghi ngờ, 5 anh chị em này bị tổn thương vùng tiểu não. Tiểu não chịu trách nhiệm giữ thăng bằng và định phương hướng. Do đó, tiểu não bị tổn thương sẽ dẫn đến những rối loạn trong dáng đi và khả năng giữ thăng bằng, IBT Times cho hay.

Tuy nhiên, vấn đề liên quan tới gia đình này vẫn chưa được giới chuyên môn khẳng định một cách chính xác.

Tuy có vấn đề với việc giữ cân bằng trên 2 chân, nhưng trên thực tế bàn tay của họ không bị ảnh hưởng quá nhiều dù di chuyển bằng cả tay và chân. Cha mẹ của 5 người cho biết khi còn nhỏ, họ di chuyển và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên khi lớn dần, họ bắt đầu bò thay vì đi đứng bình thường.

Mặc dù cuộc sống của cả 5 người vẫn diễn ra bình thường, gia đình Ulas thường bị những người hàng xóm dị nghị, xa lánh, lũ trẻ thì trêu chọc, quậy phá. Họ phải chuyển nhà vì người dân sống cùng làng trước đó cho rằng gia đình này đã bị nguyền rủa. Không ai giúp họ đi lấy nước khi cả gia đình chẳng còn giọt nước nào để sinh hoạt.

Nhà vật lý học Thổ Nhĩ Kỳ, Defne Aruoba, người đã nghiên cứu và giúp đỡ gia đình này trong suốt nhiều năm có ý định thành lập một quỹ Ulas để giúp xã hội hiểu hơn về họ, cũng như để gia đình nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Với sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, nhiều người hy vọng rằng gia đình Ulas có thể có cuộc sống bình thường và thoải mái hơn trước đây.

Tú Văn (t/h)