Chu Vĩnh Khang là một trong những cánh tay đắc lực của Giang Trạch Dân, khi còn tại chức Chu rất tích cực đàn áp nhân quyền. Để có được quyền thế và tiền bạc, không việc ác nào ông không dám làm, kể cả mổ cướp nội tạng người sống. Sau khi Chu Vĩnh Khang ngã ngựa và bị bắt, gia đình ông đã bị ĐCSTQ đuổi cùng diệt tận, thậm chí còn phải viết thư cầu cứu đòi nhân quyền khắp nơi.
Gia đình nhà chồng bị bắt, con dâu cùng đường viết thư cầu cứu
Hoàng Uyển là con dâu của Ủy viên Thường vụ Tổng cục Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ – Chu Vĩnh Khang. Ngày 24/12/2020, cô đã đăng lên Twitter một bức thư ngỏ công khai cho Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình.
Hoàng Uyển cho biết trong bức thư rằng, kể từ khi gia đình cô bị bắt đi trong vụ án của Chu Vĩnh Khang 7 năm trước, cô đã tìm nhiều cách khác nhau để trở về Hoa Kỳ, nhưng bị hạn chế xuất cảnh. Cô đã nhiều lần cầu cứu nhưng không nơi nào tiếp nhận. Muốn viết thư cho Tập Cận Bình, nhưng cũng không ai muốn giúp đệ trình. Trong lúc không còn cách nào, cô chỉ có thể viết bức thư ngỏ này, mong rằng Tập Cận Bình sau khi nhìn thấy có thể giúp cô và con cô rời khỏi Trung Quốc.
Hoàng Uyển cho biết trong bức thư rằng, trong 7 năm qua, cô đã bị giám sát tại khu dân cư trong 10 tháng rưỡi, hơn một năm sinh hoạt bị canh gác. Nhân viên phòng truy tố công cộng Hồ Bắc đã tra tấn và ngược đãi cô, khiến cô phát sinh nhiều bệnh tật đến nay vẫn còn di chứng. Năm 2016, sau khi bị kết án quản chế, cô đã bị văn phòng tư pháp cộng đồng quản thúc trong 3 năm. Vào năm 2019, khi cô nghĩ rằng cuối cùng cũng có thể về nhà để đoàn tụ với cha mẹ ruột thì Tòa án quận Triều Dương ở Bắc Kinh đã lợi dụng một vụ kiện dân sự không cho phép cô xuất ngoại. Cô nói: “Mục đích duy nhất của họ là giữ tôi tiếp tục ở lại Trung Quốc.”
Hoàng Uyển cho biết: từ năm 2016, Tòa án Nhân dân Trung cấp Nghi Xương đã bắt đầu cưỡng chế tài sản bị kết án trong bản án của Chu Bân và cũng thu hồi tài sản ở nước ngoài của Chu Bân, cô cũng không có ý kiến gì về việc này. Tuy nhiên, tòa án lại đề nghị sử dụng một bản án khác để thanh lý các tài sản khác của gia đình cô, Hoàng Uyển phản đối việc này và yêu cầu tòa án đưa ra nội dung của bản án đó, nhưng phía toà án cự tuyệt xuất trình giấy tờ, những tài liệu đệ trình ý kiến lên các cấp chính phủ của Hoàng Uyển đều bặt vô âm tín.
Điều cô không ngờ là vào ngày 21/12/2020, Tòa án Trung cấp Nghi Xương đã đến yêu cầu cô hợp tác để dọn nhà và chuyển đi trong vòng 10 ngày. Hoàng Uyển nói: “Tôi không có nơi để nói lý lẽ và tôi cũng không muốn lý lẽ với bất kỳ ai nữa. Tôi chỉ muốn về nhà. Hết thảy tất cả mọi thứ thì tôi đều có thể không cần, nhưng vui lòng dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất cảnh của tôi. Sau khi nó được dỡ bỏ, tôi sẽ dọn đi ngay lập tức. Một khắc cũng sẽ không trì hoãn.”
Hoàng Uyển tiết lộ trong bức thư ngỏ rằng, cô đã không thể chịu đựng được trong trại giam và yêu cầu ly khai quan hệ với Chu Vĩnh Khang nhưng không được phép. Bây giờ cha mẹ cô đã gần 80 tuổi, Hoàng Uyển đã 7 năm không gặp họ, mong rằng Tập Cận Bình có thể cho cô về nhà.
Bức thư mà Hoàng Uyển đăng trên Twitter
习近平总书记,我公开向您求助,请让我回家吧。 pic.twitter.com/E3zUbif7An
— Wan Huang (@WanHuang2) December 24, 2020
Bức thư ngỏ nhanh chóng được lan truyền trên mạng. Đông đảo cư dân mạng Twitter đã để lại lời nhắn bên dưới. Một số người cảm thấy rằng cha chồng và chồng của Hoàng Uyển đã làm rất nhiều điều xấu xa khi họ nắm quyền như, đàn áp một số lượng lớn luật sư nhân quyền và tù nhân lương tâm, bao gồm cả luật sư Cao Trí Thịnh. Vậy nên cô không đáng được thông cảm; một số cư dân mạng đề nghị Hoàng Uyển nên làm “nhân chứng” tiết lộ các khoản nợ máu của gia đình họ Chu cho Hoa Kỳ, việc này sẽ có hiệu quả nhanh hơn so với cầu xin Tập Cận Bình. Sau đây là một số bình luận khác của dân mạng:
“Những gì Tòa án Nghi Xương đã làm là những gì Chu Vĩnh Khang từng làm trong quá khứ! Điều này được gọi là “Gậy ông đập lưng ông”, thật đáng đời!”
“Nên chọn việc chống lại ĐCSTQ hơn là bênh vực quyền lợi. Đã 7 năm trôi qua, Hoàng Uyển vẫn không hiểu sao? Nếu cô muốn cứu mạng mình thì hãy nói ra những gì cô biết, càng nhiều người biết cô càng an toàn.”
“Nhà các ngươi cướp của người Trung Quốc, đảng cướp của nhà các ngươi, cướp và bị cướp này cũng là chuyện thường tình, đừng có la, vốn dĩ ngươi không bị oan!”
“Thiện ác hữu báo là Thiên Lý! Chu Vĩnh Khang đã làm bao nhiêu điều ác trong khi tại vị? Bao nhiêu gia đình tan nát? Đây là quả báo của nhà họ Chu! Tội ác lớn nhất của Chu Vĩnh Khang là tham gia mổ cướp nội tạng sống học viên Pháp Luân Công! Lưới Trời khó thoát? Tội ác của Chu sẽ vạ lây cho thế hệ sau! Đây là Thiên Lý!”
“Một xã hội không có pháp quyền chính là một xã hội không có ranh giới cuối cùng, vậy nên sẽ không có ai được an toàn.”
“Chu Vĩnh Khang, Chu Bân đã làm vô số điều ác, gia đình các người lúc đó có cùng hưởng thụ những đồng tiền tanh mùi máu đó không? Vậy có phải là đồng phạm hay không? Bây giờ, có cái tư cách gì để kêu oan? Điều cô nên làm bây giờ là xin lỗi và bồi thường cho những người đã bị bức hại, đồng thời vạch trần những gì cô biết về tội ác của ĐCSTQ, vì nhà họ Chu chỉ là tay sai của chính quyền tà ác.”
Vì sao nhà họ Chu có kết cục như vậy?
Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Tổng cục Chính trị ĐCSTQ, bị điều tra vào cuối năm 2013 và bị kết án tù chung thân 2 năm sau đó vì các tội danh nhận hối lộ, lạm quyền và cố ý làm rò rỉ bí mật quốc gia.
Con trai cả của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân đã bị kết án 18 năm tù vào năm 2016 vì tội nhận hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng để nhận hối lộ và hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, đã bị phạt hơn 350 triệu nhân dân tệ. Có thông tin cho rằng, Chu Bân hiện đang thụ án tại nhà tù Nghi Xương ở tỉnh Hồ Bắc. Vợ là Hoàng Uyển và con gái 10 tuổi vẫn đang sống ở Bắc Kinh.
Chu Vĩnh Khang được coi là người chịu trách nhiệm lớn nhất về cuộc đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc. Tờ “Tencent Net” đã đăng một bài bình luận nói rằng: “Trong thời kỳ Chu Vĩnh Khang phụ trách ‘hệ thống chính trị và pháp luật’, ông đã thực hiện chính sách ‘duy trì ổn định’ với áp lực cao. Chi tiêu ‘duy trì ổn định’ đã tăng qua từng năm, vượt qua chi tiêu quốc phòng”.
Chu Vĩnh Khang từng là bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên từ năm 1999 đến năm 2002, vì để duy trì sự ‘ổn định’, ông ta đã đàn áp bức hại người dân địa phương lên đến đỉnh điểm. Đồng thời, ra sức thúc đẩy chính sách đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân, khiến tỉnh Tứ Xuyên trở thành một trong những tỉnh bị bức hại nghiêm trọng nhất.
Bắt đầu từ năm 2007, Chu Vĩnh Khang kế nhiệm La Cán làm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, người đứng đầu phòng “610”, tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công, những người bảo vệ nhân quyền và những người bất đồng chính kiến. Kể từ khi Chu Vĩnh Khang nắm quyền kiểm soát hệ thống chính trị và pháp luật, các hành động tàn bạo như cưỡng bức phá dỡ và ngăn chặn các chuyến thăm đã tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, khiến người dân vô cùng khốn khổ. Ông ta và Giang Trạch Dân cũng đã xúi giục nhiều tổ chức, bao gồm cả quân đội và cảnh sát vũ trang, tham gia mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công, tạo ra tội ác chưa từng có trên hành tinh này.
Mặc dù ĐCSTQ chính thức tuyên bố rằng Chu Vĩnh Khang, và vợ Giả Hiểu Diệp cùng con trai Chu Bân đã tham ô gần 130 triệu nhân dân tệ. Nhưng người ngoài cuộc nghi ngờ rằng con số này đã bị thu hẹp nghiêm trọng, vì Chu Bân đã nộp phạt 350 triệu nhân dân tệ, và báo Reuters đưa tin rằng, số tài sản mà các nhà chức trách tịch thu của Chu Vĩnh Khang có trị giá lên đến 90 tỷ nhân dân tệ.
Truyền thông ở nước ngoài đưa tin rằng, tội danh tham nhũng của Chu Vĩnh Khang không phải là tội ác chủ yếu của ông ta. Tội ác chính của ông ta là dính líu vào một cuộc đảo chính và điều hành việc mổ cướp nội tạng sống lượng lớn học viên Pháp Luân Công, là tội ác phản nhân loại.
Chu Bân cũng bị phanh phui vì bị nghi ngờ sử dụng quyền lực của cha mình để thay thế học viên Pháp Luân Công với tử tù, nhằm kiếm lợi nhuận khổng lồ. Chu Bân chỉ cần trả hàng trăm nghìn nhân dân tệ cho các nhân viên tư pháp có liên quan để thay thế tử tù bằng một học viên Pháp Luân Công. Trong hệ thống tư pháp của ĐCSTQ, giá thị trường chợ đen để ký hợp đồng với một tử tù là khoảng 3 triệu nhân dân tệ.
Ngoài Chu Bân, Chu Vĩnh Khang còn có một người con trai thứ hai rất khiêm tốn là Chu Hàm, được người vợ đầu tiên Vương Thục Hoa của Chu Vĩnh Khang sinh ra. Theo dư luận từ nước ngoài, Chu Vĩnh Khang vì muốn kết hôn với Giã Hiểu Diệp nên đã bố trí hai cảnh sát có vũ trang cố tình gây tai nạn xe hơi để giết chết người vợ ban đầu của ông ta, chính là mẹ ruột của Chu Bân và Chu Hàm. Sau đó, Chu Hàm cắt đứt quan hệ với cha mình.
Cũng có tin tức cho rằng, sau khi Chu Hàm sinh đứa con đầu lòng, Chu Vĩnh Khang tình cờ đến Thành Đô thăm và muốn gặp con cháu, nhưng bị Chu Hàm kiên quyết cự tuyệt, nói rằng: “Vĩnh viễn không bao giờ muốn gặp lại ông ấy”. Có lẽ cũng chính vì thế mà Chu Hàm mới bình yên vô sự khi cả gia đình Chu Vĩnh Khang đều bị bắt. Đồng thời vào cuối năm 2018, Chu Hàm đã an toàn đến Mỹ định cư.
Hoàng Uyển đã sử dụng Twitter để bảo vệ quyền lợi của mình không chỉ một lần. Vào năm 2019, Hoàng Uyển đã tweet rằng, cô ấy hiện đã bắt đầu bước trên con đường khó khăn là bảo vệ nhân quyền, vì cô ấy không gặp được chồng của mình là Chu Bân. Một số cư dân mạng chế nhạo rằng: “Chu Vĩnh Khang vốn dựa vào đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền để từng bước vươn lên, nay gia đình ông ta đã trở thành một thành viên của các nhà hoạt động nhân quyền. Tôi e rằng hiện tượng này chỉ có thể thấy ở Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ.”
Minh Tâm (Theo Sound Of Hope)