Tinh Hoa

Giá dầu thô chạm mức thấp kỉ lục trong 5 năm qua

Trong phiên giao dịch ngày Thứ Ba (9/12), giá dầu thô đã giảm 4,2% xuống còn 63,05 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Theo đó, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao Tháng 1/2015 trên thị trường Mỹ sụt 2,79 USD, xuống chỉ còn 63,05 USD/thùng, mức thấp kỷ lục kể từ cuối tháng 7/2009. Giá dầu Brent biển Bắc giao Tháng 1 trên thị trường Anh hạ 2,88 USD xuống còn 66,19 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 9/2009.

Mới đây, Ngân hàng Morgan Stanley cảnh báo giá dầu có thể giảm xuống tới 43 USD/thùng vào năm 2015.

Nguyên nhân khiến giá dầu thế giới giảm mạnh

Theo tờ Economist, giá dầu được quyết định một phần bởi cung – cầu trên thực tế và một phần bởi kỳ vọng. Hiện đang có 4 yếu tố tác động lên bức tranh giá dầu:

Thứ nhất, nhu cầu dầu hiện đang ở mức thấp do hoạt động kinh tế diễn ra với tốc độ yếu trên phạm vi toàn cầu, cộng thêm hiệu suất gia tăng và xu hướng dịch chuyển từ dầu thô sang các loại nhiên liệu khác như năng lượng Mặt Trời và các nguồn năng lượng phi dầu mỏ khác. Trong khi đó, cung dầu mỏ lại có xu hướng tăng khi dầu mới được sản xuất bằng phương pháp fracking và hoạt động khai thác cát dầu ở Canada đang phát triển…

Thứ hai, bất ổn chính trị ở Iraq và Libya, hai quốc gia sản xuất dầu lớn với tổng sản lượng gần 4 triệu thùng/ngày, không ảnh hưởng tới sản lượng “vàng đen” của hai nước này.

Thứ ba, Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Mặc dù không xuất khẩu dầu thô, nhưng với sản lượng dầu đá phiến trong nước tăng đột biến, nước này nhập khẩu ít dầu đi, dẫn tới sự dư thừa nguồn cung cầu trên thị trường quốc tế.

Và thứ tư, Saudi Arabia và các nước đồng minh vùng vịnh đã quyết định sẽ không hy sinh thị phần của mình để cứu giá dầu. Các nước này có thể giảm mạnh sản lượng, nhưng cách làm này chủ yếu sẽ đem lại lợi ích cho các quốc gia mà họ đối đầu như Iran hay Nga.

Ảnh hưởng của giá dầu rẻ tới các nền kinh tế

Nếu giá dầu vẫn giữ ở mức hiện nay thì sẽ tạo ra những ảnh hưởng đáng kể (có thể tốt hoặc xấu) tới nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên nếu giá giảm thêm, hậu quả địa chính trị đối với một số quốc gia sản xuất dầu sẽ trở nên nặng nề hơn.

Đối với Mỹ, giá dầu giảm là tin tốt cho nền kinh tế Mỹ, điều này sẽ chuyển 1 phần thu nhập từ nhà sản xuất dầu sang các hộ gia đình, từ đó góp phần tăng lượng cầu hàng hóa trong ngắn hạn do tỷ lệ tiền sử dụng cho tiêu dùng.

Các nước đối địch với Mỹ và đồng minh sẽ là các nước bị thiệt hại bởi giá dầu giảm, chẳng hạn Venezuela, Iran và Nga. Các nước này phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ để tài trợ cho các chương trình của chính phủ, đặc biệt các chương trình chuyển giao lớn. Thậm chí ở giá 75$ hay 80$/thùng, chính phủ các nước này cũng phải rất khó khăn khi cân đối tài chính cho cả chương trình an sinh quốc gia.

Arab Saudi và các quốc gia vùng Vịnh, dù cũng là các nước xuất khẩu dầu lớn nhưng với chi phí chiết xuất dầu rất thấp (chỉ 5-6 USD/thùng) các nước này có thể kiếm thêm lợi nhuận dù ở mức giá hiện tại hay thấp hơn. Bên cạnh đó, nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ (900 tỷ USD) cho phép họ vẫn có thể tài trợ cho các hoạt động trong nước và quốc tế dài hạn song song với việc tìm cách giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn thu từ dầu.

Đối với Châu Âu, giá dầu giảm sẽ có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đan xen đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), một mặt vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ góp phần làm giảm chi phí nhưng mặt khác cũng sẽ kéo tụt lạm phát vốn đã ở mức thấp của EU xuống sâu hơn với 0,4% trong năm 2015 và 0,1% trong năm 2016.

Trung Quốc và châu Á vốn là các nước phụ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu và xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng, châu Á đang được hưởng lợi nhờ giá nhiên liệu giảm. Trung Quốc được hưởng lợi nhiều từ tình trạng giá dầu xuống thấp, do tới 60% nhu cầu dầu mỏ của nước này phải nhập khẩu. Giá dầu thấp còn giúp Trung Quốc tận dụng khoản tiền dôi ra để tăng dự trữ dầu mỏ và tạo thêm lợi thế trong quan hệ với Nga.

Theo cafebiz