Theo truyền thuyết, Quan Công hay Quan Vân Trường chính là kiếp chuyển sinh của một con rồng lửa, sau khi chết, ông được phong làm “Quan Thánh Đế quân”, trở thành vị thần “trị bệnh trừ tai, trừ ma diệt ác, tru phạt phản nghịch, tuần sát Âm phủ”.
Thời kỳ Dân Quốc, các thành thị, thị trấn ở Trung Quốc đều có bang phái tổ chức, vào triều đại nhà Thanh thì gọi là Đồng Hương Hội, vào thời Dân Quốc thì đổi tên thành hội quán, người An Huy có hội quán Huy Châu, Hồ Nam có hội quán Hồ… chủ yếu là để phòng hộ khỏi bị người bản địa hoặc người xứ khác ăn hiếp, một khi phát sinh mâu thuẫn, hội quán sẽ ra mặt thương lượng, còn trợ giúp giải quyết các vấn đề khó khăn của đồng hương.
Năm 1946, hội quán huyện Kính của thị trấn Tôn Phụ, Tuyên Châu, tỉnh An Huy, đã thuê một người tên là Hoàng Hạc giúp bọn họ vẽ một bức họa Quan Công khổ lớn. Hoàng Hạc là họa sĩ nổi danh ở phía Nam tỉnh An Huy, chuyên vẽ nhân vật cổ kim, vẽ truyền thần lập thể rất vi diệu.
Video Quan Công truyền kỳ: Chuyển sinh từ Rồng lửa
Năm ngày sau bức tranh được hoàn thành, người phụ trách hội quán sau khi xem, khen ngợi bức vẽ trang trọng uy nghiêm, cũng thiết yến khoản đãi họa sĩ. Trong yến tiệc, Hoàng Hạc cảm thấy hiếu kỳ, trong vùng có rất nhiều hội quán, đều không thấy thờ phụng Quan Công, duy chỉ có hội quán huyện Kính, có thể chi nhiều tiền để vẽ thần tượng Quan Công, chắc là có nguyên nhân. Vì vậy mới hỏi thăm.
Lão quán trưởng trả lời: “Quan Công đã từng cứu toàn bộ dân huyện của chúng tôi!” Sau đó liền kể ra một câu chuyện cũ dưới đây:
–***–
Vào cuối thời nhà Thanh, Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh tại An Huy cùng quân Thanh kịch chiến, không lâu sau, ôn dịch lưu hành ở các huyện phía Nam tỉnh An Huy, duy chỉ có huyện Kính là không có một người dân nào bị nhiễm bệnh, nguyên nhân chính là Quan Công hiển linh, chống lại ôn thần.
Lão quán trưởng nói: Cửa Nam huyện của chúng tôi có một tòa thánh miếu để cung phụng Quan Công, trong miếu có một vị trông coi hương hỏa (tục gọi là trai công). Khoảng chừng một tháng trước khi ôn dịch lưu hành, vào một đêm Quan Công đồng thời báo mộng cho trai công và hai vị thân sĩ đồng hương nói rằng: “Ôn dịch sắp giáng xuống huyện, để ngăn ngừa tai nạn cho nhân dân, vào tối ngày mai ngươi phải đến miếu của ta đánh trống gõ chuông, để hiển thần uy, xua đuổi ôn dịch, có thể miễn kiếp nạn’.
Sáng ngày hôm sau, hai vị thân sĩ không hẹn mà gặp cùng đến miếu báo cho trai công, ba người mới biết được chính là cùng một giấc mộng.
Vào lúc 11 giờ đêm, ba người chợt nghe thấy trên bầu trời thấp thoáng truyền đến tiếng kêu ré của chiến mã và binh khí va đập, bọn họ lập tức đánh trống gõ chuông, trong bầu trời đêm, âm thanh chiến đấu càng thêm kịch liệt, chỉ thấy trong miếu chỗ cung phụng tượng thần, mồ hôi rơi như mưa.
Trai công không ngừng dùng khăn lau mồ hôi cho tượng thần Quan Công; hai thân sĩ càng ra sức đánh trống gõ chuông mãnh liệt hơn, ước chừng một giờ đồng hồ, tiếng ngựa và lưỡi mác dần dần biến mất, bầu trời đêm lại trở về yên tĩnh, ba người cùng quỳ để cảm tạ ân huệ của Thần, dân chúng xung quanh bị đánh thức, đều đến để xem, hỏi thăm nguyên do.
Không lâu sau, các huyện lân cận bị ôn dịch lưu hành, đều là mười người thì chỉ sống được hai, ba người, duy chỉ có huyện Kính, không có ai bị bệnh. Về sau, dân huyện lập bia, khắc họa lại sự kiện Quan Công chiến thắng ôn dịch, đem văn bia để ở trong miếu, từ đó trở đi nhà nhà đều biết, đều tin tưởng vững chắc vào linh uy của Quan Thánh. Đến ngày nay hương khói vẫn không ngừng.
(Trích trong “Ngọc lịch bảo sao”)
Tuệ Tâm (Theo NTDTV)