Học giả chính trị nổi tiếng người Mỹ George Friedman – người dự đoán chính xác sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga, vừa đưa ra 10 dự đoán về cục diện thế giới năm 2016.
George Friedman sinh năm 1949 là học giả chính trị nổi tiếng người Mỹ, người sáng lập và là Chủ tịch Công ty Dự báo chiến lược Stratfor, một think-tank phi chính phủ hàng đầu thế giới từng dự báo chính xác một số sự kiện chiến lược.
Năm 2009, Friedman đã xuất bản cuốn sách “100 năm tới” (The Next 100 Years) đưa ra những dự đoán về nước Mỹ cũng như các sự kiện diễn ra trên thế giới trong tương lai. Những dự đoán của ông George Friedman được giới quan sát nhận định có tỉ lệ chính xác rất cao. Đặc biệt là việc ông đã dự đoán đúng sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga 5 năm sau đó.
Gần đây, ông lại đưa ra 10 dự đoán về cục diện thế giới năm 2016 như sau:
1. Mỹ phô diễn sức mạnh quân sự tại biển Đông, nhưng tránh xung đột với Trung Quốc
Tranh chấp chủ quyền ở biển Đông không dẫn đến xung đột lớn nào. Trung quốc vẫn tiếp tục thực hiện chính sách bành trướng của mình, còn Mỹ rất có khả năng sẽ “xuất binh” phô diễn sức mạnh nhưng tránh xung đột với Trung Quốc.
2. Những phương sách kinh tế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến toàn cầu
Friedman cho ằng, các biện pháp để giải quyết vấn đề “mất cân bằng kinh tế” của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nên kinh tế của những nước xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Đối với các quốc gia Đông Á thì năm 2016 sẽ là một năm rất khó khăn, các quốc gia châu Phi và châu Mỹ La Tinh cũng nhận ảnh hưởng xấu từ sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc.
3. Nhà nước hồi giáo (ISIS) tự xưng thất bại về chiến thuật, những vẫn mở rộng phạm vi hoạt động
ISIS sẽ là khối u ác tính khó giải quyết ở khu vực Trung Đông, có thể tổ chức này thất bại về chiến thuật nhưng phạm vi hoạt động của nó sẽ rộng đến Ả Rập Saudi, Ai Cập, Yemen, Libya, cũng như sa mạc Sahara châu Phi và Tây Nam Á .
4. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hỗ trợ Mỹ đánh ISIS
Cùng với sự mở rộng phạm vị hoạt động của IS IS, Mỹ phải thay đổi chiến thuật để đối phó. Cho dù là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ả Rập Saudi hay Israel – 4 nước bao quanh lãnh thổ của ISIS, không muốn tham gia cuộc chiến chống ISIS nhưng Mỹ sẽ lôi kéo được ít nhất một quốc gia cùng đảm nhiệm việc đánh bại ISIS để đảm bảo sự bình ổn trong khu vực.
Lo ngại trước những hành động của Nga tại Syria cũng như sự giảm giá của nguồn năng lượng trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thân Mỹ hơn để đạt được sự ủng hộ của Mỹ, nên rất có thể Ankara sẽ hỗ trợ Washington đánh ISIS.
5. Nga sẽ giải hòa với Ukraine
Trong năm 2016, Nga và Ukraine sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình chính thức hoặc không chính thức. Đức sẽ vui mừng trước việc này, bởi mối uy hiếp từ phía đông sẽ được giải trừ, nhưng Mỹ lại không đồng quan điểm với những đồng minh trong khu vực này. Washington lo ngại rằng việc hòa giải này sẽ là tiền đề cho việc Nga khống chế toàn bộ Ukraine.
6. Liên minh châu Âu đứng trước nguy cơ bị giải thể
Vụ khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11/2015 đã dấy lên nỗi lo sợ những kẻ khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn di cư sang châu Âu. Vì thế, các quốc gia châu Âu chuyển hướng từ sự thương cảm và hỗ trợ nhân đạo sang thắt chặt an ninh, thống nhất thông qua chính sách đối với người tị nạn và có thể sẽ thành lập đội quân tuần tra bên ngoài biên giới.
Tuy nhiên, Hy Lạp, Hungary, và các nước yếu khác lại không muốn đảm đương việc tuần tra này, thêm vào đó Ukraine đang gặp nhiều cản trở trong việc gia nhập liên minh châu Âu (EU). Tất cả những việc này đều dẫn đến sự chia rẽ trong khối này, sức mạnh của EU sẽ bị yếu đi, quyền tự chủ của các nước thành viên sẽ được tăng cường.
7. Khủng hoảng tài chính sẽ chuyển dời từ Hy Lạp sang Italia
Với tỉ lệ thất nghiệp cao và nợ ngày càng nhiều như hiện nay, Italia sẽ trở thành quốc gia trung tâm của khủng hoảng thay thế Hy Lạp.
8. Châu Mỹ La-tinh sẽ được “định nghĩa lại”
Dù năm 2016 không xảy ra xung đột ở châu Mỹ La-tinh nhưng khu vực này vẫn sẽ tự định nghĩa lại mình, chính phủ các nước sẽ thoát khỏi sự ràng buộc của chính sách tả khuynh, điều này sẽ giúp cho kinh tế khu vực phát triển nhanh, những cải cách về thương mại cũng như chi tiêu công sẽ thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ nước ngoài.
9. Venezuela thành ngoại lệ ở châu Mỹ La-tinh
Tình hình bất ổn sẽ khiến cho kinh tế của Venezuela gặp khó khăn làm cản trở sự phát triển của đất nước, khiến quốc gia này trở thành một ngoại lệ duy nhất của châu Mỹ La-tinh.
10. Đông Phi nổi lên như là một ngôi sao mới
Một số quốc gia ở châu Phi đang được hưởng lợi từ giá dầu giảm và giá hàng hóa thấp, việc này sẽ giúp kinh tế của các nước ở đông Phi như Ethiopia, Kenny, Tanzania phát triển trên diện rộng và trở thành những điểm sáng mới của vùng Sahara châu Phi.
Lê Hiếu dịch từ NTDTV