Một tòa án Trung Quốc hôm 11/8 đã kết tội gián điệp lên doanh nhân Canada Michael Spavor, kết án anh 11 năm tù, trong một vụ án được nhiều người cho là một phần trong chiến dịch gây áp lực của chính quyền Trung Quốc lên Canada trong vụ bắt giữ công chúa Huawei – Mạnh Vãn Châu.
Một tuyên bố từ Tòa án Nhân dân Đan Đông ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc cho biết công dân Canada Michael Spavor bị kết tội “gián điệp và cung cấp trái phép bí mật quốc gia”. Ngoài 11 năm tù, tài sản cá nhân lên tới 50.000 nhân dân tệ của anh sẽ bị tịch thu, và anh sẽ bị trục xuất, nhưng tòa án không nói rõ thời gian cụ thể.
Ở Trung Quốc, việc trục xuất thường xảy ra sau khi một người chấp hành xong bản án.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi việc kết án Spavor là “hoàn toàn không thể chấp nhận được và không công bằng.”
“Bản án hôm nay dành cho ông Spavor được đưa ra sau hơn 2 năm rưỡi bị giam giữ tùy tiện, quy trình pháp lý thiếu minh bạch và phiên tòa không đáp ứng ngay cả những tiêu chuẩn tối thiểu mà luật pháp quốc tế yêu cầu,” ông Trudeau cho biết trong một tuyên bố trên Thứ tư.
Ông nói rằng Spavor và một công dân Canada khác, cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig, đã bị chính quyền Trung Quốc “bắt giữ tùy tiện” và chính phủ Canada tiếp tục ưu tiên yêu cầu trả tự do cho họ ngay lập tức.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc suốt ngày đêm để đưa họ về nhà càng sớm càng tốt. Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi họ được về nhà an toàn.”
Gia đình của Spavor trong một tuyên bố cảm ơn chính phủ Canada đã vận động không mệt mỏi để trả tự do cho anh, nói thêm rằng: “Mặc dù chúng tôi không đồng ý với các cáo buộc, chúng tôi nhận thấy rằng đây là bước tiếp theo trong quá trình đưa Michael về nước và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ anh thông qua thời gian thử thách này”.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada Marc Garneau nói đất nước (Canada) “lên án việc Trung Quốc kết tội và tuyên án đối với Michael Spavor bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất có thể.”
“Quyết định này được đưa ra sau một quy trình pháp lý thiếu cả sự công bằng và minh bạch, bao gồm cả một phiên tòa không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu mà luật pháp quốc tế yêu cầu,” ông nói.
Đại sứ Canada Dominic Barton đã tham dự phiên điều trần của Spavor tại Đan Đông hôm 11/8, trong khi một cuộc họp báo tại Đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh có sự tham gia của đại diện từ 25 quốc gia để bày tỏ sự ủng hộ. Các quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Đức, Pháp, EU, Ý và Thụy Điển.
“Phi lý, kinh tởm Trung Quốc kết án công dân Canada Michael Spavor 11 năm tù giam vì hành vi trả thù côn đồ nhằm khủng bố để các quốc gia khác phải thu mình lại trước Trung Quốc,” Michael Caster, Giám đốc Chương trình Kỹ thuật số Châu Á tại ARTICLE 19, một tổ chức có trụ sở tại London ủng hộ quyền tự do ngôn luận, cho biết trong một tuyên bố trên Twitter.
Pierre Dalphond, một thượng nghị sĩ Canada từ Quebec, đã trả lời vấn đề này trên Twitter, “Trong vòng 24 giờ, hệ thống pháp luật Trung Quốc đã cho thấy rằng nó là bất cứ thứ gì ngoại trừ sự độc lập. Sau khi kết án tử hình đối với Schellenberg, bây giờ là Michael Spavor, bị kết án 11 năm tù vì tội danh giả – làm gián điệp.”
Trong một bài đăng ngắn trên Twitter hôm 11/8, tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền NGO Safeguard Defenders, cho rằng đó là một “ví dụ kinh tởm về [ngoại giao con tin].”
Phiên xử một ngày
Spavor trước đó đã bị buộc tội gián điệp vào tháng 6/2019. Tòa án Đan Đông đã kết thúc phiên xét xử một ngày vào tháng 3 và phải chờ đến ngày 11/8 mới công bố phán quyết.
Gia đình của Spavor trước đó đã cho biết vào tháng 3 các cáo buộc chống lại anh là mơ hồ và chưa được công khai, đồng thời anh có “rất ít khả năng tiếp cận và tiếp xúc với luật sư bào chữa của mình ở Trung Quốc.”
Bản án của anh được đưa ra khi tòa án Canada chuẩn điều trần những tranh luận cuối cùng và quyết định liệu có nên dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei – Mạnh Vãn Châu để đối mặt với các cáo buộc hình sự của Hoa Kỳ hay không.
Bà Mạnh bị cáo buộc đã lừa dối HSBC về các giao dịch kinh doanh của Huawei tại Iran, một động thái khiến HSBC có nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại của Hoa Kỳ đối với Iran. Cả Mạnh và Huawei đều bác bỏ cáo buộc. Các luật sư ở Canada đại diện cho Mạnh đã tìm cách thuyết phục tòa án không dẫn độ bà sang Mỹ.
Mạnh bị bắt tại Sân bay Quốc tế Vancouver theo yêu cầu của Hoa Kỳ vào ngày 1/12/2018.
Tiếp đó, 2 công dân Canada Spavor và Kovrig đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vào ngày 10/12/2018. Việc giam giữ hai công dân này được nhiều người coi là sự trả đũa của chính quyền Trung Quốc đối với việc bắt giữ “công chúa Huawei” – Mạnh Vãn Châu.
Chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận mối liên hệ trực tiếp giữa trường hợp của Mạnh và 2 trường hợp của Spavor và Kovrig, nhưng các quan chức và truyền thông Trung Quốc đã liên tục kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Mạnh trong khi đề cập đến số phận của 2 công dân Canada.
Phiên tòa của Kovrig đã kết thúc vào tháng 3. Bản án của anh hiện vẫn chưa được công bố.
Trung Quốc có tỷ lệ kết án là hơn 99%, và việc công chúng và phương tiện truyền thông tiếp cận với các phiên tòa xét xử trong các trường hợp nhạy cảm thường bị hạn chế.
Mạnh vẫn được tại ngoại dưới sự quản thúc tại gia ở Vancouver. Phiên điều trần dẫn độ của bà dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 20/8. Một phán quyết từ thẩm phán dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng tới, sau đó bộ trưởng tư pháp Canada sẽ quyết định có dẫn độ bà hay không.
Trong một sự kiện liên quan, một tòa án khác của Trung Quốc đã bác đơn kháng cáo của Robert Schellenberg, một công dân Canada vào hôm 10/8. Bản án 15 năm của anh được phán quyết vào cuối năm 2018 liên quan ma túy. Tuy nhiên, trong một phiên tái thẩm kéo dài sau khi Mạnh Vãn Châu bị bắt, bản án của anh bị chính quyền Trung Quốc đột ngột tăng lên thành án tử hình.
Hôm 10/8, Garneau cho biết Canada lên án mạnh mẽ quyết định của chính quyền Trung Quốc trong việc duy trì án tử hình của Schellenberg.
Hôm 11/8, chính phủ Úc cho biết họ “đứng về phía Canada” để chống lại việc Trung Quốc bắt giữ tùy tiện Spavor và duy trì án tử hình của Schellenberg.
Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi quy trình hợp lý và minh bạch và phản đối án tử hình trong mọi trường hợp.”
Thiện Thành (Theo Epoch Times)