Dù cuộc sống còn nhiều vất vả với nghề chở hàng thuê, lái xe ôm như ông Vũ Chấn Minh, hay làm bảo vệ như ông Trang Tuấn Phát, nhưng họ luôn sẵn lòng tình nguyện hiến máu cứu người.
Lái xe ôm 79 lần hiến máu Ông Vũ Chấn Minh năm nay đã 56 tuổi, ngụ trong một con hẻm ở đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM. Cuộc sống của ông khá đơn giản trong một căn nhà nhỏ. Trước kia ông chỉ ở một mình, nhưng hơn một năm qua đã có một người bạn là giảng viên tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tới sống cùng. Lâu lâu lại có một người em tới nấu ăn và trò chuyện cùng ông. Ông Vũ Chấn Minh đang chia sẻ về những kỷ niệm đẹp trong những lần hiến máu cứu người. Tính đến ngày 30.05.2015, ông Minh đã có tổng cổng 79 lần hiến máu nhân đạo, theo ghi nhận của Trung tâm truyền máu- Huyết học TP.HCM. Trong đó, có những làn ông phải lên Trung tâm hiến máu lúc nửa đêm và thậm chí phải dắt bộ khi trời mưa khiến xe chết máy. Ông Minh kể: “Vào năm 2002, có người bị sốt huyết bao tử, cần máu để truyền gấp. Nhận được điện thoại từ Trung tâm là tôi sẵn lòng đi ngay. Rồi còn có nhiều trường hợp khác xảy ra vào lúc mưa gió, tôi chạy xe mà bugi bị vào nước, chết máy nên phải dắt bộ”. “Nhưng nói chung hành động giúp đời, cứu mạng người thì có gì mà phải suy nghĩ nhiều”, ông nói. Nhớ lại lần đầu hiến máu cách đây 21 năm, ông Minh kể: “Hồi năm 1994, tôi gặp trường hợp một em bé khoảng 9 đến 10 tuổi chuẩn bị mổ tim nhưng thiếu máu truyền. Lúc đó tôi chỉ biết nghĩ là phải hiến máu để hỗ trợ ca mổ này. Vậy là tôi đăng ký hiến máu, mà không chỉ một mình tôi đâu, còn có vài người nữa cùng cho máu, do bệnh viện cần tới 4 đơn vị máu”. “Khi cháu bé đã khỏe và xuất viện, gia đình có đưa bé tới nhà cảm ơn. Họ đi xe ôm từ bệnh viện tới tận nhà tôi để cảm ơn trước khi về quê. Do là mùa trung thu nên họ mang theo tặng tôi một cái bánh trung thu, tôi nhận nhưng tặng lại cho bé và còn biếu thêm 50.000 đồng hỗ trợ họ về quê. Sau này, họ vẫn giữ liên lạc và tôi rất quý họ”, ông Minh kể lại một tình huống đáng nhớ trong sự nghiệp hiến máu của mình. Sau lần hiến máu đó, cứ “1 năm 4 lần, 10 năm 40 lần, 21 năm gần 80 lần”, ông Minh đều đặn tình nguyện đi hiến máu. Tuy nhiên, có một thời gian ông bị tai nạn nên không thể hiến máu; mặc dù vậy ông cũng chưa nhận lại bất kỳ một đơn vị máu nào cho tới tận bây giờ, mà theo ông đó là “cho đi không mong nhận lại”. Tính đến ngày 30.5.2015, ông Minh đã có 79 lần hiến máu tình nguyện. Ngoài ra, ông Minh cho biết, ông luôn có sức khỏe rất tốt và không bị cảm, ho khi trái gió trở trời. Ông cũng đã làm nghề chở hàng thuê, chạy xe ôm hơn 10 năm nay. “Mỗi ngày có khoảng 2 đến 3 cuốc, mỗi cuốc 30 đến 40 ngàn đồng hoặc hơn một chút, trừ xăng dầu thì được khoảng 100 ngàn/ngày”, ông Minh chia sẻ. Theo quy định của Bộ Y tế, ông Minh chỉ còn được phép hiến máu 4 năm nữa trước khi ngoài 60 tuổi. Tâm sự với phóng viên Dân Việt, ông cho biết, ông chỉ “cầu xin hiến máu được thêm khoảng 20 lần nữa cho tròn 100 lần là đủ”. “Tôi quan niệm hiến máu không phải vì vấn đề tiếng tăm, cũng không phải vì háo thắng. Máu là vô giá, có vàng mà không có máu thì cũng chết. Bởi vậy tôi cố gắng hiến máu càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình. Một số anh em mà tôi quen biết đã ngoài 60 tuổi, không hiến máu được nữa, nên anh em có họp bàn với nhau là kiến nghị lên Trung tâm truyền máu huyết học và Bộ Y tế, để cho phép những người có tấm lòng, muốn giúp đời mà sức khỏe còn tốt thì được tiếp tục hiến máu”, ông Minh nói. Mặc dù khẳng định mình luôn cố gắng giữ sức khỏe tốt để cho máu người bệnh, nhưng ông Minh cũng cho biết, nhiều lúc ông vừa hiến máu xong là đã phải đi chở hàng cho khách. “Có lúc vết kim vừa lành, tôi gồng tay nâng hàng nặng là máu lại ứa ra. Công việc mà, phải làm thôi, chứ ai làm giúp mình”, ông Minh tâm sự. Ông nói thêm: “Rồi có trường hợp cần xin máu, tôi có lòng đó, nhưng chưa đủ ngày so với lần cho máu gần nhất thì cũng đành… Đó là do quy định thời gian hiến máu phải cách nhau ít nhất 4 tháng ở đàn ông và 3 tháng ở phụ nữ, để giữ sức khỏe của người cho máu, tránh bị suy nhược hay giảm sức đề kháng. Thực hiện đúng điều này thì sức khỏe sẽ tốt hơn và thậm chí sẽ cho máu được nhiều hơn trong tương lai”. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Minh cũng không ngần ngại kể lại một kỷ niệm đáng nhớ khi đi tuyên truyền người dân hiến máu. Đó là “những lúc đi vận động hiến máu, tới nhà người ta thì họ nói ngay “Gặp ông là tui thấy toàn máu me không rồi”. Nghe họ nói mà tôi thấy tủi thân vô cùng! Nhưng tôi vẫn rất tự hào với những việc mình làm, dù họ có nói gì thì tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tuyên tuyền, vận động họ đi hiến máu cứu người”. Người bảo vệ 77 lần hiến máu và cũng sẽ hiến xác Chia tay ông Vũ Chấn Minh, phóng viên Dân Việt tìm tới nơi làm việc của ông Trang Tuấn Phát, 50 tuổi, hiện đang là bảo vệ tại Hội chữ thập đỏ Quận 5, TP.HCM. Ông Phát là người đã 77 lần hiến máu nhân đạo (tính đến ngày 20.06.2015) và cũng là người bạn thân, có cùng lý tưởng sống tốt đẹp như ông Minh. Ông Trang Tuấn Phát hiện đang làm bảo vệ tại Hội chữ thập đỏ Quận 5, TP.HCM. Ông Phát chia sẻ: “Thật ra tôi đã có ý định đi hiến máu từ lâu rồi, nhưng chưa rõ cách hiến ra sao. Một hôm có ông anh cho xem tờ báo về chương trình hiến máu nên tôi đã đăng ký tham gia. Từ đó đến nay thì cứ đều đều đi hiến máu, cao điểm có năm hiến máu đến 5 lần”. “Một lần khác, cũng đọc báo thấy bên bệnh viện Chợ Rẫy có một sinh viên năm 3 đang chạy thận, cần máu để tiếp. Những tình huống đột ngột này tôi cũng không kể công làm gì, tính sơ sơ cũng hơn chục lần tôi hiến máu dự bị như vậy. Thật ra lần đó tôi cho máu là chưa đủ thời gian nghỉ so với quy định nhưng tôi không nói ra để có thể giúp đỡ em sinh viên kia”, ông kể. Ngoài việc hiến máu, ông Phát cũng là một tấm gương tiêu biểu trong công tác vận động mọi người đi hiến máu. Ông Phát cho biết, ông vận động mọi người hiến máu mọi lúc mọi nơi. “Nhiều khi đang ngồi uống cà phê tôi cũng nhắc khéo, rồi vận động mọi người xung quanh đi hiến máu dù tôi chưa quen biết họ. Hay khi có khách tới nhà chơi và biết mình hay hiến máu thì tôi cũng nói cho họ biết những lợi ích để họ cùng tham gia”, ông Phát chia sẻ. Được hỏi về các khó khăn gặp phải khi vận động mọi người hiến máu, ông Phát nói: “Nhiều khó khăn lắm chứ, nhưng dần rồi cũng quen. Lúc thì gặp người sợ máu, lúc thì gặp người sợ bị nhiễm bệnh, sợ mập, sợ mất sức… Gặp những người này, tôi đều sẽ giải thích cho họ hiểu việc hiến máu sẽ cứu giúp được nhiều người, đồng thời cũng giúp thay máu huyết và có sức khỏe tốt hơn. Với người sợ mập thì tôi cho họ xem bức ảnh của tôi sau 2 tháng hiến máu, tôi dẫn chứng rõ tôi chỉ tăng 2kg sau 2 tháng hiến máu và thể trạng vẫn tốt, vẫn bình thường”. Về kinh nghiệm vận động hiến máu, ông Phát bật mí một số “bí kíp” mà ông đã áp dụng nhiều năm qua. Đầu tiên, ông sẽ rủ bạn bè hoặc người thân đi cùng tới nơi hiến máu để họ hiểu ý nghĩa của việc cho máu. Ngoài ra, ông cũng thường mang theo bên mình những bức ảnh chụp cùng những người trong hội hiến máu, để minh chứng sức khỏe của ai cũng vẫn tốt dù đã cho máu hàng chục lần. Một “bí kíp” khác mà ông nhắc tới, đó là ngay lập tức viết giấy giới thiệu và dẫn họ tới trung tâm hiến máu chứ không để qua ngày hôm sau, lý do là ông Phát “sợ họ thay đổi trước những tin đồn không đúng về việc hiến máu”. “Mình thấy thời buổi bây giờ, tai nạn, thảm họa xảy ra nhiều nên cần nhiều máu. Mình không có tiền bạc nhưng khả năng có cái gì thì mình đều sẽ cố gắng giúp cái đó, như khả năng của mình là có máu thì mình giúp máu”, ông Phát nói. Cuối cùng, ông Phát gửi lời nhắn nhủ đến mọi người: “Hiến máu là một hành động nhân đạo, không chỉ cứu sống được nhiều mạng người mà còn giúp sức khỏe của mình tốt hơn. Tôi mong mọi người sẽ tích cực hưởng ứng và tham gia hiến máu tình nguyện, đặc biệt trước tình trạng khan hiếm máu A và O như hiện nay”. |
Theo Dân Việt