Tinh Hoa

Gặp gỡ cụ ông Nhật Bản làm việc đến 101 tuổi mới nghỉ hưu

Thủ đô Tokyo – Nhật Bản nổi tiếng là một trong những nơi người lao động có thời gian làm việc lâu nhất thế giới, với độ tuổi nghỉ hưu trung bình là 70 tuổi. Nhưng cụ ông Fukutaro Fukui đã làm cho hầu hết những người đồng hương của mình trở thành “lười biếng” khi sống và làm việc đến 101 tuổi!

Cụ ông Fukutaro Fukui hiện đã 104 tuổi. (Ảnh: Internet)

Công việc trước đây của cụ Fukutaro Fukui là điều hành một công ty chứng khoán, sau đó là thư ký cho một công ty môi giới xổ số Tokyo Takara Shokai.

Trong 31 năm làm công việc thư ký, hàng ngày ông mất khoảng 1 tiếng đi từ nhà tới chỗ làm tại trung tâm Tokyo, liên tục cho tới khi ông nghỉ hưu ở tuổi 101. Cụ Fukui đã trở thành một trong những nhân viên văn phòng hưởng lương lâu nhất Nhật Bản.

Hiện tại ở tuổi 104, sau 3 năm nghỉ hưu, cụ Fukui tin rằng động lực làm việc của ông không phải vì tiền bạc mà là để cống hiến cho xã hội, nó là một bản năng mỗi người chúng ta. ”Không quan trọng ở số tiền tôi kiếm hay địa vị của tôi trong xã hội, tôi chỉ làm việc vì nó là bản năng của tôi”.

Ba thập kỷ gắn bó với công việc thư ký, thực sự cũng không phải là một công việc thú vị, ít nhất là so với công việc điều hành trước đó. Công việc chính trước khi nghỉ hưu của ông chủ yếu là đếm tiền và những tờ vé số.

Tuy vậy ông rất thích công việc này: “Đôi khi tôi trèo lên cầu thang một mình để đến văn phòng và vác theo một vali với hàng chục ngàn tấm vé số kiến thiết bên trong, tôi thậm chí đi nhanh hơn các đồng nghiệp trẻ tuổi”, ông kể lại. Hiện ông đang sống tại viện dưỡng lão ở Chigasaki, ngoại ô Tokyo.

Khi còn là sinh viên, cụ Fukui đã gặp được người bạn tốt nhất của đời mình, Tamazo Mochizuki. Hai người gặp nhau khi đang học kinh tế tại trường đại học Keio, Tokyo. Cả hai đều có cùng niềm mơ ước trở thành những nhà nghiên cứu kinh tế. Tuy nhiên, chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, ông bị buộc phải nhập ngũ và gửi đến đóng quân tại Mãn Châu. Điều này đã ngăn trở giấc mơ của ông.

“Sau chiến tranh, tôi từ bỏ giấc mơ của mình, sau khi từ nghĩa vụ quân sự trở về tôi và Mochizuki đã tụt hậu quá xa, có quá nhiều người tài giỏi trong lĩnh vực kinh tế”. Ông bắt đầu làm công việc đầu tiên tại một cửa hàng nhập khẩu lông thú và sau đó gia nhập vào một công ty chứng khoán nhỏ được thành lập bởi người bạn thân nhất của mình, công ty chứng khoán Mochizuki, sau này đổi tên thành chứng khoán Kankaku.

Ở tuổi 96, một lần nữa ông lại quyết định từ bỏ công việc của mình,ông đã nói với Mochizuki về kế hoạch rút lui của ông. Vài ngày sau, Mochizuki nài nỉ con gái ông Fukui rằng: ”Hãy nói với ông ấy đừng ra đi, chúng tôi mong ông ở lại với công ty càng lâu càng tốt”.

Tuy nhiên điều này không có tác dụng, ông Fukui đã lên kế hoạch nghỉ hưu của mình chính là tiếp tục đi làm với một công việc khác. Ông vẫn làm việc kể cả khi vợ ông qua đời vào năm 2009. Con dâu cả của ông phụ trách đưa đón ông đến nhà ga điện ngầm mỗi ngày cho đến khi ông chính thức nghỉ hưu.

Ông đã xuất bản một cuốn sách viết về cuộc đời mình với tiêu đề: ”Tuổi 100: Con người cần được vĩnh cửu”, được xuất bản tại Nhật Bản, sau đó nó đã được dịch và bán tại Indonesia, Hàn Quốc và Đài Loan.

Sự nghiệp phi thường của ông rất nổi tiếng tại Nhật Bản. Số người cao tuổi trước nghỉ hưu nay quay trở lại làm việc ngày càng tăng. Theo một nghiên cứu công bố năm 2015 của Bộ Lao Động Nhật Bản, 82% công ty tại Nhật Bản có nhân viên quay trở lại làm việc sau khi đã nghỉ hưu, số lượng nhân viên trên 65 tuổi tại nước này đạt 6.810.000 người.

“Tôi sẽ lại làm việc cho bạn Mochizuki. Ông ấy đã gửi cho tôi một lời mời hấp dẫn. Tôi thực sự muốn ủng hộ ông ấy ở vai trò cố vấn”. Ông Fukui cho biết.

Khi được hỏi sau khi nghỉ hưu ông thường làm gi?

Fukui mỉm cười và nói, “Tôi nghĩ tôi đang làm tốt công việc ở tuổi 104. Tôi vẫn tự phục vụ cuốc sống của mình và tôi thích ăn nhiều mỗi ngày!”

Hoàng An, Theo Nikkei Asian Review