Tinh Hoa

‘Fact-Checker’ được ‘chọn mặt gửi vàng’ cho giải Nobel Hòa bình

Hôm thứ Năm mới đây, một nghị sĩ Na Uy đã tuyên bố bà sẽ đề cử “các nhà xác minh dữ kiện” cho giải Nobel Hòa bình năm nay.

Trine Skei Grande, cựu lãnh đạo của Đảng Tự do của Na Uy, trong ảnh năm 2019, đã đề cử Mạng lưới Kiểm tra Dữ kiện Quốc tế cho Giải Nobel Hòa bình.

Thông báo về đề cử trên Twitter, Trine Skei Grande, cựu lãnh đạo Đảng Tự do của Na Uy, chỉ ra rằng “chúng ta đang sống trong thời kỳ mà việc chống lại sự dối trá, gian lận quan trọng đến mức Joe Biden đã đề cập đến vấn đề trong bài phát biểu của mình ngày hôm qua”.

“Năm nay, tôi đã đề cử những nhà kiểm chứng dữ kiện cho giải Nobel Hòa bình. Họ cần sự động viên và ủng hộ từ chúng ta”. 

Cụ thể, bà đã đề xuất Mạng lưới Kiểm tra Dữ kiện Quốc tế (IFCN) cho giải thưởng về hòa bình nổi tiếng.

IFCN là một mạng lưới gồm hàng chục hãng truyền thông và tổ chức, bao gồm cả hãng thông tấn AFP, hiện đang hoạt động trong công tác kiểm chứng dữ kiện trên toàn thế giới.

Trong bài phát biểu nhậm chức hôm thứ Tư, tân tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến một ‘cuộc xâm hại vào nền dân chủ và sự thật’, đồng thời cho hay công dân và ‘các nhà lãnh đạo’ có nhiệm vụ ‘đấu tranh cho sự thật và bài trừ sự dối trá’.

Biden cũng đề cập đến một ‘bài học xương máu’ mà ông đã trải qua trong những tháng gần đây khi phát biểu rằng ‘sự thật cũng có mà sự giả dối cũng có’. Đây là một lời bác bỏ nhận định của vị Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump, người liên tục không công nhận kết quả bầu cử tổng thống. 

Theo trang web của mình, IFCN hiện bao gồm 79 tổ chức được chứng nhận đã ký kết tuân thủ theo nguyên tắc của tổ chức.

Ngoài AFP đã ký kết dịch vụ xác minh dữ kiện, Washington Post Fact Checker và Reuters cũng là bên ký kết với IFCN, cũng như trang web Africa Check của Nam Phi và các tổ chức xác minh dữ kiện khác ở châu Á và Nam Mỹ.

Có hàng chục nghìn gương mặt đủ điều kiện để nộp đề cử cho Giải Nobel Hòa bình, trong số đó gồm các nghị sĩ và bộ trưởng từ tất cả các nước, những người từng đoạt giải Nobel và là giáo sư tại các trường đại học.

Viện Nobel tại thủ đô Oslo cũng chấp nhận tất cả các đề cử hợp lệ được gửi đến trước thời hạn 31/1.

Giải Nobel Hòa bình năm 2021 sẽ được công bố vào đầu tháng 10. Năm ngoái, giải thưởng danh giá đã thuộc về Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

Từ Thức