Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc bộ Tài chính cho phép EVN gộp cả tiền hiếu, hỷ… vào chi phí hoạt động kinh doanh vừa phi lý vừa bất bình đẳng.
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để lấy ý kiến đóng ý. Dự thảo gồm 4 chương, 48 điều.
Đáng chú ý, Điều 26 của Dự thảo Nghị định này có quy định về 19 khoản chi phí được tính vào chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong đó có nhiều khoản chi “bất ngờ”.
19 khoản chi phí được tính vào chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm cả tiền hiếu, hỷ, chi phí nghỉ mát, khen thưởng cho con em lao động…
Tiền hiếu, hỷ cũng là chi phí sản xuất kinh doanh
Dự thảo Nghị định nêu rõ chi phí hoạt động kinh doanh của EVN là các khoản chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính.
Thế nhưng, lại bao gồm cả khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: Chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN.
Dự thảo Nghị định quy định có 4 khoản chi phí không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh. Đó là chi phí mua sắm xây dựng, lắp đặt tài sản cố định hữu hình, vô hình; chi phí lãi vay vốn được tính vào chi phí đầu tư và xây dựng; các khoản chi phí khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh của EVN; các khoản chi không có chứng từ hợp lệ; các khoản tiền phạt về vi phạm pháp luật không mang danh EVN mà do cá nhân gây ra.
Khi được hỏi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, thông thường người ta không làm thế. Người ta phải trích tiền từ 1 quỹ khác chứ không phải tính cả vào chi phí kinh doanh.
Ông Ánh phân tích, trong hoạt động của các doanh nghiệp thường có nhiều loại quỹ như quỹ lương, quỹ bảo hiểm y tế hay quỹ công đoàn…
“Thậm chí có nơi còn có quỹ phúc lợi do lãnh đạo cơ quan quản và họ lấy tiền từ đó để trang trải các khoản phúc lợi cho người lao động chứ ít khi tính tiền đó vào chi phí kinh doanh. Hơn nữa, các khoản hiếu, hỷ, nghỉ mát…là chi phí đột xuất, nếu gộp cả vào chi phí kinh doanh thì tính kiểu gì?”, ông Ánh đặt vấn đề.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nếu tất cả các khoản phí đó được tính vào giá điện, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.
“Cần tính những khoản đó vào chi phí hành chính ở mức độ hợp lý chứ không nên đưa toàn bộ tiền hiếu, hỷ…cho nhân viên EVN vào khoản kinh phí khách hàng phải gánh chịu. Điều đó phi lý quá!
Đó không phải là chi phí sản xuất. Nếu EVN được tính như thế, toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng “đòi” tính thế thì giá thành ở Việt Nam sẽ tăng vọt ra sao?”, ông Doanh nói.
Cũng theo ông Doanh, Bộ Tài chính cần có chính sách bình đẳng, công khai, minh bạch.
“Nếu Bộ Tài chính đặc cách cho EVN là không bình đẳng và không nên”, ông Doanh khẳng định.
Theo zing