Liên minh châu Âu sẽ cùng với Mỹ, Nhật Bản, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Liên minh châu Âu (EU) sẽ đóng vai trò lớn hơn ở châu Á khi quyết định công bố chiến lược đầu tư với mục tiêu thay thế sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong tuần này.
Chiến lược cân bằng
Chiến lược kết nối Âu – Á dự kiến được các nước thành viên EU thông qua trong ngày 15/10 trước khi chính thức công bố ở Hội nghị Cấp cao Á – Âu (ASEM) tại Bỉ vào ngày 18/10.
Ngoài quỹ phát triển cơ sở hạ tầng, EU cũng thực hiện nhiều kế hoạch thúc đẩy đầu tư ở Ấn Độ và Trung Á. Giới quan sát cho rằng, động thái này sẽ làm tăng tính cạnh tranh đối với nhu cầu cao về cơ sở hạ tầng và đầu tư ở châu lục đang phát triển năng động nhất thế giới. Theo tờ SCMP Hong Kong, EU còn bày tỏ ý định kết nối sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng của khối với các chiến lược tương tự như BRI, “Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do” (FOIPS) của Nhật Bản và Mỹ cũng như “Kết nối ASEAN 2025”.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, khu vực cần hơn 1.700 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng mỗi năm. Theo giới quan sát, việc gia tăng cạnh tranh tài trợ dự án giúp châu Á đạt được nhiều thỏa thuận tốt hơn. Các tài liệu chính sách mô tả cách tiếp cận của EU là “bền vững, toàn diện, dựa trên luật lệ” nhằm tạo ra sân chơi lẫn cơ hội bình đẳng cho mọi quốc gia. Nhà nghiên cứu cấp cao Frans-Paul van der Putten đến từ Học viện Quan hệ quốc tế Clingendael (Hà Lan) cho rằng, chiến lược kết nối Âu – Á có mục đích cạnh tranh với Trung Quốc và là một phần của nỗ lực tăng cường mặt trận thống nhất chống lại chính sách của Bắc Kinh.
Theo ông Francois Godement, Giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (EFCR), lời kêu gọi minh bạch và cởi mở trong chiến lược kết nối Âu – Á có ý nhắm đến Trung Quốc. Ông Godement cho rằng, chiến lược nhấn mạnh vai trò to lớn của các đối tác khác trên khắp châu Á ngoài Bắc Kinh, cũng như những nước ngoài châu Á như Mỹ và Canada là một phần trong “chiến lược cân bằng” chống lại Trung Quốc.
Châu Á hưởng lợi
Ủy ban châu Âu đã đề xuất tăng 60 tỷ euro (tương đương 69 tỷ USD) vào khuôn khổ đầu tư nước ngoài của khối, phần lớn số tiền này sẽ được đầu tư vào châu Á và đóng vai trò đòn bẩy thúc đẩy thêm nguồn lực tài chính từ lĩnh vực tư nhân. Kim ngạch thương mại giữa châu Âu và châu Á đang ở mức 1.700 tỷ USD/năm, theo tài liệu của EU. Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của EU cho biết, kế hoạch kết nối 2 lục địa có thể tăng khoản đầu tư của EU tại châu Á đến 3-4 lần. Tuy nhiên, kế hoạch của EU không nêu rõ số tiền được đổ trực tiếp vào các dự án cơ sở hạ tầng hoặc vào châu Á, vì ngân sách cụ thể vẫn cần được Nghị viện châu Âu thông qua vào năm tới và chỉ có hiệu lực vào năm 2021.
Nhà nghiên cứu cấp cao Van der Putten cho rằng, trong khi kế hoạch đầu tư cho châu Á có thể lên đến hàng trăm tỷ USD thì quy mô lớn về các công trình cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong nhiều năm qua có thể khiến EU và các nước khác chỉ là đang góp phần vào một hệ thống mà Trung Quốc là mạnh nhất. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh đã ký các thỏa thuận trị giá 390 tỷ USD trong năm nay.
Bà Garima Mohan, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Công toàn cầu (Đức), nhận định việc gia tăng cạnh tranh trong tài trợ dự án giúp châu Á đạt được nhiều thỏa thuận tốt hơn. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng đồng quan điểm với ông van der Putten rằng, không một nước nào khác có thể đối trọng với nguồn lực mà Trung Quốc đã dành riêng cho phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á. Dù vậy, nữ chuyên gia cho rằng, kế hoạch kết nối là một “bước khởi đầu tốt” của EU.
“Sáng kiến này nhằm định khung toàn bộ hoạt động hiện tại của EU tại châu Á“, bà Mohan nói. Nữ chuyên gia cũng nhìn nhận, EU có thể tận dụng kế hoạch này để thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước cũng đang đầu tư vào khu vực châu Á như Ấn Độ, Úc và Nhật Bản. Theo bà Mohan, đây là cách châu Âu khẳng định vị thế tại khu vực và bắt đầu xây dựng các mối quan hệ.
Theo NLĐ