Tinh Hoa

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chi sai gần 3.000 tỷ đồng, chậm tiến độ kéo dài

Không chỉ chậm tiến độ kéo dài hàng chục năm, dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông còn bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều khoản chi sai lên tới gần 3.000 tỷ.

Dự án Cát Linh – Hà Đông đến thời điểm này vẫn chưa hẹn ngày về đích. (Ảnh qua thanhnien)

Là dự án đầu tư trọng điểm của ngành GTVT, tuyến đường sắt đô thị nghìn tỷ Cát Linh – Hà Đông được lập cách đây 11 năm đến nay vẫn dở dang, ngổn ngang chưa thể đi vào hoạt động.

Chi sai  gần 3.000 tỷ đồng

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án này.

Tính đến tháng 6/2019, chủ đầu tư đã chi khoảng 11.400 tỷ đồng cho dự án nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận có 8.679 tỷ đồng đã đầu tư vào dự án. Số tiền chênh lệnh khoảng 2.656 tỷ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng, sai đơn giá, nhiều hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Việt Nam phải chấp nhận những ràng buộc, bất lợi khi chỉ định thầu Trung Quốc làm đường sắt Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh qua tuoitre)

Chỉ riêng hạng mục thiết bị và đoàn tàu của dự án này đã được điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.143 tỷ đồng, trong đó chi phí mua các đoàn tàu tăng 364 tỷ đồng, hạng mục thiết bị tăng 2.778 tỷ đồng (tăng 227%).

Ngoài ra, Bộ GTVT còn phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) với đơn giá phần thiết bị là 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong hợp đồng EPC Thủ tướng đề ra.

Đặc biệt, do một loạt những quyết định vượt thẩm quyền trong quá trình đầu tư mà  Bộ GTVT đã phải điều chỉnh vốn đầu tư dự án được duyệt ban đầu từ 8.769 tỉ đồng lên 18.001 tỉ đồng (tăng 205%).

Chủ đầu tư vượt thẩm quyền nhiều lần

Một số quyết định vượt thẩm quyền của chủ đầu tư:

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo tìm hiểu của KTNN, trách nhiệm liên quan đến các sai sót này, nếu tính theo thời điểm, chủ yếu liên quan trực tiếp đến Bộ GTVT, bộ trưởng và các thứ trưởng phụ trách dự án, Ban quản lý dự án đường sắt và Cục Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2011 – 2016.

Giai đoạn này, Bộ trưởng GTVT là ông Đinh La Thăng, Thứ trưởng phụ trách trực tiếp dự án là ông Nguyễn Hồng Trường. 

Nhiều sai phạm trong đầu tư dự án đường sắt Cát Linh -Hà Đông. (Ảnh qua tuoitre)

Ban quản lý dự án đường sắt trước đó thuộc quản lý của Cục Đường sắt Việt Nam, nhưng từ tháng 8/2014, Bộ GTVT đã sáp nhập Ban quản lý các dự án đường sắt (thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) và Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam về làm một là Ban Quản lý dự án đường sắt và điều chuyển về Bộ quản lý trực tiếp.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông giai đoạn này cũng có nhiều biến động.

Từ năm 2011 – 2014, ông Trần Văn Lục là người giữ chức Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt nhưng vào năm 2014, ông Lục cùng nhiều Phó tổng giám đốc VNR đã bị khởi tố về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn do liên quan đến nghi án nhận hối lộ của Công ty tư vấn giao thông JTC (Nhật Bản) tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi.

Trước đó, ông Lục từng là Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam – VNR nhiệm kỳ 2000 – 2009.

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm và 12 nhà ga trên cao; có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có bốn toa, tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ.

UBND TP Hà Nội cũng đã công bố mức giá vé bình quân toàn tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là trên 10.000 đồng với cự ly 5,3 km. Hà Nội dự kiến mức chi hỗ trợ cho hành khách sử dụng tàu điện Cát Linh – Hà Đông gần 14,5 tỉ đồng/năm. 

Vũ Tuấn (t/h)