Chính quyền Trung Quốc cho rằng họ có quyền phê chuẩn Lạt Ma kế nhiệm của Tây Tạng. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây, lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn nhận lấy “trách nhiệm” này thì trước tiên cần thừa nhận “luân hồi chuyển thế”.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ cho biết, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma, 81 tuổi, gần đây đã đến thăm Ấn Độ và việc này đã làm cho chính quyền Trung Quốc rất không hài lòng. Tuy nhiên, phía Ấn Độ thì cho rằng chính quyền Trung Quốc không nên can dự vào việc nội bộ của nước khác. Việc Đạt Lai Lạt Ma ngày 8/4 đến thăm bang Arunachal ở Đông Bắc Ấn Độ đã làm Trung Quốc cảm thấy “nhột” vì bang Arunachal nằm ngay sát biên giới với Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc luôn cho rằng họ có quyền phê chuẩn ai sẽ là người kế thừa Đạt Lai Lạt Ma. Tuy nhiên, Đạt Lai Lạt Ma cho biết rằng, các quan chức ĐCSTQ không thể có quyền phê chuẩn bởi vì họ đều là những người vô thần, không hề tin tưởng vào tôn giáo tín ngưỡng cũng như việc luân hồi chuyển thế.
Nếu giả sử như chính quyền Trung Quốc muốn nhận lấy trách nhiệm phê chuẩn việc chuyển thế, thì ĐCSTQ trước tiên bắt buộc phải thừa nhận việc luân hồi chuyển thế.
– Đức Đạt Lai Lạt Ma –
“Phật sống Tây Tạng chuyển thế” là một phương thức truyền thừa của Phật Giáo Tạng Truyền. Trong đó, các nhà tu hành sau khi qua đời, thông qua các nghi thức tôn giáo, có thể tìm được người kế thừa mới. Người kế thừa được công nhận là chuyển thế của người tu hành trước đây nên cũng được nhận lại cùng chức hiệu.
Đạt Lai Lạt Ma cho biết, không ai biết được người kế thừa xuất sinh ở đâu hay ở phương nào, “lúc tôi viên tịch có khả năng sẽ có dấu hiệu, còn hiện giờ thì không có dấu hiệu nào”.
Ông còn nói, “1,3 tỷ dân Trung Quốc có quyền được biết sự thật rằng họ chỉ biết được những tin tức phiến diện hoặc dối trá. Đó là một sự hủy hoại về đạo đức nghiêm trọng. Những người đó [ĐCSTQ] đều chỉ liên tục lừa dối nhân dân của mình”.
Chủ trương đàn áp tiêu diệt Phật giáo Tây Tạng của Trung Quốc
Theo tài liệu của ký giả John Avedon viết trong tờ Washington Post được tạp chí Golden Drum (No. 8, Feb.–Apr.1988, London) trích đăng lại và bài viết “Tibet and Chinese: A Viewpoint” của John Mc Clelian đăng ở tạp chí “The Vajradhatu Sun” (Vol.9, No.2, Dec.87 – Jan.88), kể từ năm 1950 Trung Quốc xâm lăng Tây Tạng đến nay đã có 1,5 triệu (khoảng 1 phần 5 dân số) chư Tăng Ni và dân chúng Tây Tạng bị sát hại; 6.500 ngôi chùa bị phá hủy cùng nhiều kim loại quý và tác phẩm mỹ thuật Phật giáo trị giá khoảng 80 tỷ USD đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc tước đoạt.
Trung Quốc hiện có 350.000 quân đóng ở Tây Tạng để kiểm soát 84 nhà tù đang còn giam giữ từ 20.000 đến 100.000 người, phần đông ở trại tập trung khổng lồ lớn nhất thế giới “Amdo Gulag”, miền Đông Bắc Tây Tạng. Những người bị giam ở đây phần lớn vì tội chống chính phủ, trong đó có Lạt Ma Geshe Lobsang Wangchuk, một Triết gia và Sử gia nổi tiếng Tây Tạng mà Hội Ân xá Quốc tế từng lên tiếng can thiệp.
Ngoài việc chiếm đóng quân sự, hiện nay chính sách của Trung Quốc là muốn đồng hóa và làm suy yếu dân tộc Tây Tạng. Chính quyền đã khuyến khích 7,5 triệu dân Trung Quốc qua định cư sinh sống ở Tây Tạng. Mặc dù nhà cầm quyền Trung Quốc hứa hẹn giúp đỡ dân chúng Tây Tạng có công ăn việc làm và giáo dục cho trẻ em, nhưng theo tài liệu của Quốc Hội Hoa Kỳ cho thấy chính quyền Trung Quốc muốn kìm hãm người dân Tây Tạng trong tình trạng lạc hậu và dốt nát.
Cũng có tin nói rằng hàng ngàn phụ nữ Tây Tạng đã bị cưỡng bức phá thai, chẳng hạn John Avedon viết “Tại Lhasa, nhiều phụ nữ Tây Tạng vừa sinh xong, nghe tiếng em bé khóc thì liền sau đó, họ được báo cho biết là đứa trẻ đã chết”.
Ký giả Jack Anderson trên báo Washington Post (ngày 28/3/1988) đã viết:
“Tây Tạng từ 38 năm qua dưới chính sách cai trị độc tài của Trung Quốc đã hoàn toàn bị cô lập, cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, nhưng mấy năm gần đây, nhằm thu hoạch ngoại tệ của khách du lịch, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cho phép nhiều du khách đến viếng xứ này. Tháng 10/1987, sau biến cố dân chúng Tây Tạng nổi lên biểu tình chống chính phủ, Tây Tạng lại bị đóng cửa trở lại.
Chính quyền Trung Quốc đã ngăn cấm không cho du khách và ký giả Tây phương đến viếng Lhasa. Nhiều dân tỵ nạn Tây Tạng trốn ra được nước ngoài cho biết, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục bắt bớ, tra tấn, đàn áp, sát hại những phần tử chống đối… Chỉ hai ngày sau khi đức Đạt Đạt Lai Lạt Ma đến viếng thăm Hoa Kỳ đưa ra kế hoạch hòa bình giữa dân chúng Tây Tạng ủng hộ ông và chính quyền Trung Quốc, ngày 24/9/1987, quân đội và cảnh sát Trung Quốc đã tập trung bao vây 15.000 dân chúng Tây Tạng tại một sân vận động ở Lhasa để buộc họ chứng kiến lính Trung Quốc hành quyết hai người Tây Tạng theo quốc gia”.
Theo bản báo cáo “Asia Watch” dày 74 trang được phổ biến tại Washington D.C. ngày 11/2/1988 của tổ chức Nhân Quyền “Human Rights Watch”, các nhà chính trị tích cực bị chính quyền Trung Quốc bắt giam tại Tây Tạng phần đông họ là những phần tử dám phát biểu công khai chống đối sự cai trị và chính sách của Trung Quốc hoặc ủng hộ đường lối chính trị của Đức Đạt Lai Lạt Ma và nền độc lập của Tây Tạng.
Những cuộc bắt bớ thường xảy ra ban đêm và thân nhân gia đình không được thông báo trước. Người bị bắt không được đưa ra tòa xét xử mà thường trong khi lấy khẩu cung họ bị cưỡng bức ký vào những tờ giấy nhận tội đã làm sẵn. Lúc xét hỏi, họ thường bị tra tấn.
Theo lời tường thuật của một người Tây Tạng tỵ nạn được Asia Watch phỏng vấn: Nếu ai can đảm dám phát biểu Tây Tạng là một quốc gia độc lập, chân tay họ liền bị xích lại và tra điện. Toàn thân nạn nhân run lên và không thể mở miệng nói gì hết.
Tháng 1/1988, hai nhân viên của Quốc Hội Hoa Kỳ, ông Paul H.Berkowitz và Keith J.Pitts phỏng vấn nhiều dân tỵ nạn Tây Tạng ở Nepal được họ kể cho biết rằng sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc của dân chúng xảy ra ngày 1/10/1987, hiện nay tại Lhasa, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục đàn áp, bắt bớ, tra tấn, tù đày, tẩy não, bắn giết nhân dân Tây Tạng.
Tờ Washington Post số ra ngày 29/1/1988 tường thuật: “Một phụ nữ Tây Tạng đã bị công an Trung Quốc dùng điện tra tấn nơi chỗ kín. Người Trung Quốc đối xử với dân Tây Tạng như loài chó. Đó là nguyên nhân xảy ra các cuộc nổi dậy bạo động chống đối Trung Quốc của dân chúng Tây Tạng. Các nhà sư bị cảnh sát đánh bằng xẻng và cuốc”.
Khi ở Nepal, ông Pitts cũng được dân tỵ nạn Tây Tạng cho biết nhân viên chính quyền Trung Quốc hứa sẽ thưởng 100 USD cho bất cứ lính biên phòng Nepal nào bắt được một người Tây Tạng vượt biên trốn đi giao lại cho họ. Hãng thông tấn Associated Press ngày 25/1/1988 tường thuật hơn 5.000 dân chúng Tây Tạng đã bị bắt sau cuộc biểu tình chống chính phủ xảy ra ngày 1/10/1987, nửa trong số đó là phụ nữ và trẻ em.
Họ bị giam trong các nhà tù với hoàn cảnh sinh sống thật hết sức tồi tệ chưa từng thấy, thường xuyên bị lấy khẩu cung, tra tấn và bỏ đói.
Mặc dù bạo quyền Trung Quốc tìm mọi cách đàn áp khủng bố tinh thần dân chúng, họ vẫn không ngăn chặn được các cuộc biểu tình chống đối tiếp tục nổ ra. Cuối tháng 11/1987, chư Tăng chùa Ganden (Cách Đăng), cách thủ đô Lhasa 40 km về hướng Đông, đã phản đối sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại chùa họ.
Một xe cảnh sát bị các nhà sư đốt cháy và 80 vị Lạt Ma đã bị bắt. Cuộc biểu tình thứ hai xảy ra vào ngày 19/2/1987 khi 20 ni cô Tây Tạng diễn hành quanh chùa Jokhang ở Lhasa và hô khẩu hiệu đả đảo quân đội Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng. Tất cả sau đó đều bị bắt.
Để chống lại những người biểu tình, chính quyền Trung Quốc cho thành lập nhiều ủy ban tuyên truyền mà mục đích chính của họ là tổ chức các buổi học tập. Tại các lớp học này, người dân Tây Tạng bị cưỡng bức lên án các cuộc biểu tình đã xảy ra, kết tội những ai có ý tưởng muốn Tây Tạng độc lập hoặc ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu vong. Họ cũng bị bắt buộc bày tỏ ý muốn thấy Tây Tạng được sát nhập và thống nhất vào Trung Quốc v.v…
Cũng theo bản báo cáo Asia Watch, hiện nay tại Tây Tạng nhà cầm quyền Trung Quốc giới hạn tối đa mọi công tác sửa chữa, trùng tu chùa chiền, kiểm soát tất cả như tài sản, tiền bạc của các tu viện, và ngăn cấm sự thuyết giảng truyền bá Phật Pháp trong nước cũng như nỗ lực tách rời việc giáo dục Phật giáo ra khỏi ảnh hưởng của các chùa v.v…
Chính quyền Trung Quốc còn cấm đoán người dân không được lưu giữ lá cờ quốc gia của Tây Tạng trước kia cũng như bất cứ tài liệu, vật dụng gì có liên quan đến những người Tây Tạng hiện đang sống tỵ nạn ở Ấn Độ.
Năm 1995, Đạt Lai Lạt Ma đã chọn một cậu bé 6 tuổi người Tây Tạng làm người kế thừa chức hiệu của Ban Thiền Lạt Ma sau khi ông này viên tịch. Tuy nhiên, cậu bé này sau đó đã bị giới chức Trung Quốc bắt cóc. Sau đó, chính quyền Trung Quốc đã bố trí một cậu bé Tây Tạng khác làm người kế thừa Ban Thiền Lạt Ma.
TinhHoa tổng hợp