Anh Thế Anh cho biết, vì không có đồ tiếp tế nên lương thực trên đảo Cô Tô đang cạn dần, nhiều thứ đã hết, buổi sáng đi mua bánh mỳ phải xếp hàng dài.
Cả công ty bị mắc kẹt Anh Thế Anh (39 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong hơn 1.500 du khách đang mắc kẹt tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh) do mưa lũ lịch sử, sóng lớn nên chưa thể vào đất liền. Anh cho biết, đoàn cơ quan anh gồm 13 người, xuất phát từ Hà Nội đi Cô Tô vào sáng 24/7 và dự định 26/7 sẽ về, nhưng đến nay đã mắc kẹt tại Cô Tô gần 1 tuần.
“Khi đi đã xem kỹ bản tin thời tiết nhưng nghĩ chỉ mưa qua quýt như mọi năm, ai ngờ mưa kinh khủng thế. Biết vậy chúng tôi đã ở nhà”, anh Thế Anh chia sẻ. Phải ở lại Cô Tô bất khả kháng khiến tất cả công việc tại cơ quan, gia đình bị ngưng trệ, nhiều người có con nhỏ đang đứng ngồi không yên. Người thân, cơ quan gọi điện liên tục hỏi bao giờ về, tình hình thế nào, có cần tiếp tế gì không…. Anh Thế Anh kể, bị mắc kẹt lại Cô Tô còn có còn đoàn cả một công ty, giám đốc cũng đi, công ty phải đóng cửa, dừng mọi hoạt động.
“7 ngày trôi qua, chúng tôi vẫn đang không biết phải ở lại đây đến bao giờ. Lãnh đạo địa phương nói phải đợi sóng lặng mới vào được đất liền. Giờ lương thực trên đảo cũng đang cạn dần, nhiều thứ đã hết”, anh Thế Anh lo lắng. Anh dẫn chứng, mỗi sáng đi mua bánh mỳ phải xếp hàng dài nhưng chưa chắc mua được. Bữa trưa, tối nếu chỉ đi muộn một chút cũng không còn đồ ăn. Một số loại thịt, trứng còn rất ít, giá cả có lên nhưng vẫn chấp nhận được. May mắn trên đảo điện, nước vẫn còn. Hiện tại hầu hết các đoàn đều dồn phòng để nằm đợi, đoàn anh chỉ dồn còn 2 phòng tại nhà nghỉ với giá thuê 500 nghìn/ngày/phòng. Khách bị ép trả phòng? Trong những ngày bị mắc kẹt lại Cô Tô, sự việc khiến anh Thế Anh bức xúc nhất chính là việc bị khách sạn ép trả phòng đúng lúc mưa bão. Anh kể, trước khi chuyển đến nhà nghỉ hiện tại, đoàn anh ở Khách Sạn Thái Hà (Khu 3, thị trấn Cô Tô) theo lịch từ 24-26/7.
Đúng 11h trưa ngày 26/7, giữa lúc đang mưa to, sóng lớn, nhân viên khách sạn Thái Hà yêu cầu đoàn anh và nhiều đoàn khác phải trả phòng với lý do để dọn phòng mới đón khách. “Quy định khách sạn là check out trước 11h nhưng khi mưa to, gió giật mạnh như vậy, tàu ở đất liền cũng đâu thể ra vào được. Chúng tôi có nói muốn tiếp tục thuê phòng nhưng nhân viên khách sạn vẫn khăng khăng yêu cầu khách phải trả phòng dù khách sạn còn phòng”, anh Thế Anh bức xúc kể. Không còn cách nào khác, đoàn anh và nhiều đoàn khác phải thu dọn hành lý, đội mưa đi tìm nhà nghỉ. “Tôi không thể chấp nhận cách hành xử của khách sạn Thái Hà. Giữa mưa gió mà ông chủ khách sạn khăng khăng “em không biết, em phải dọn phòng đón khách mới”, anh Thế Anh. Thúy Hạnh |
Theo VietnamNet