Tinh Hoa

Du lich… chăn cừu

New Zealand có chưa đến 5 triệu dân và chỉ 1/4 số đó là nông dân, nhưng thời cao điểm họ nuôi hơn 70 triệu con cừu. Chăn nuôi cừu ở xứ sở này không chỉ là nghề nông, mà đã thành “công nghệ” kết hợp du lịch, công nghiệp… để làm giàu.

Những cánh đồng hàng ngàn con cừu

Từ VN, nhóm chúng tôi qua Singapore hợp cùng các bạn Thái Lan, Philippines, để rồi sau hơn 15 giờ bay và quá cảnh, cả nhóm đến đất nước có thiên nhiên xinh đẹp hùng vĩ New Zealand. Sau đó, từ TP.Christchurch, chúng tôi ngồi xe 50 phút đến với trang trại Rubicon – thuộc quận Selwyn của Canterbury (đảo nam New Zealand). Trên con đường mòn vắt ngang thung lũng Rubicon, du khách thỏa sức phóng tầm mắt qua các triền đồi xanh mướt điểm xuyết hàng ngàn con cừu, những ngọn núi xa xa tuyết phủ trắng xóa.

Chăn cừu không giống… chăn trâu
Rubicon chỉ tiếp nhận du khách đến theo nhóm. Vì vậy, 6 người chúng tôi (2 VN, 2 Thái Lan, 1 Philippines và 1 bản địa) sáp nhập chung với 2 khách lẻ (1 người Nhật Bản và 1 người đến từ thủ đô Wellington của New Zealand). Dù đi theo đoàn, nhưng mức phí tham quan và trải nghiệm làm người chăn cừu trên thảo nguyên tính theo đầu người: 40 đô New Zealand (NZD) cho người lớn và 20 NZD (khoảng 290.000 đồng) cho trẻ em trên 2 tuổi.
 
 
Ở New Zealand, nông nghiệp đóng góp tới gần 2/3 tổng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Cách đây hơn 10 năm, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp nước này đã có giá trị gần 15 tỉ NZD. Trong đó, chỉ riêng giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ cừu đã lên tới trên 3 tỉ NZD vào năm 2007. Đến tháng 6.2014, số lượng cừu được nuôi ở nước này khoảng 29,8 triệu con, dù giảm đáng kể so với 70,3 triệu con vào năm 1982 nhưng đây vẫn là vật nuôi chủ lực của New Zealand.
 

Tiền đã trả, nhưng không phải thế là du khách có thể nhào vào chăn cừu. Giữa tiết trời lạnh buốt, du khách, nhất là đến từ Đông Nam Á như chúng tôi, trong những bộ cánh tầng tầng lớp lớp dày cộm phải nghe hướng dẫn và tập huấn nhiều lần trước khi được cho cừu ăn, phân loại cừu, cắt lông cừu… Chris Lowe, người hướng dẫn hôm đó, nói ai đến đây cũng phải tuân thủ quy trình này, để “đàn cừu không bị phân tán thói quen”.

Nói có chút dông dài như trên để thấy rằng, việc “chăn cừu kiểu New Zealand” quả không dễ dàng và thậm chí khác xa với hình dung “chăn cừu cũng giống chăn trâu” của tôi trước khi đến Rubicon. Minh chứng là cả 2 người đại diện nhóm, dù đã nghe tập huấn thuộc làu cách lùa tách cừu nhưng không ai có thể tách đàn thành công theo yêu cầu của người hướng dẫn.
Nhưng thú vị nhất có lẽ là việc xén lông cừu. Trong ít phút, Chris Lowe, với sự hỗ trợ đắc lực của chiếc máy cắt lông cừu chuyên nghiệp, đã xén gần như trụi lủi bộ lông dày của chú cừu nặng 20 kg, chỉ chừa lại phần lông bụng. Nhìn Chris làm, ai cũng nghĩ thật nhẹ nhàng và đơn giản. Thế nhưng, trên dải lông còn chừa lại, từng người trong nhóm du khách được lần lượt thay nhau thử vai thợ xén lông nghiệp dư bằng kéo. Ai cũng loay hoay đến tội nghiệp bởi lông quá dày và cái kéo bự chảng vượt quá tầm kiểm soát của bàn tay, nên sau một hồi hì hục chỉ xén được một mảng lông nhỏ. Để rồi tất cả đều mãn nguyện khi thành quả lao động của mình được trang trại tặng lại làm kỷ niệm.
Theo Chris Lowe, nếu sử dụng máy xén lông cừu bằng tay, một ngày xén xong lông của 180 con cừu được xem là thành công. Tuy nhiên, trong các trang trại nuôi cừu ở New Zealand, đa phần người dân sử dụng máy cắt lông cừu tự động, vào mùa cao điểm bình quân mỗi ngày thu hoạch lông của 300 con. “Mức thù lao trả cho việc xén lông cừu khoảng 2 đô la Mỹ/con. Cứ như vậy nhân lên, nếu 100 con là 200 đô, 300 con là 600 đô. Thu nhập vậy là cao phải không các bạn”, Chris nói và cười hóm hỉnh: “Nhưng công việc thực chất rất nặng nhọc, phải những người to khỏe như tôi và phải học rất lâu, kinh nghiệm nhiều năm mới có thể đạt được. Còn các bạn, đến đây là “thượng đế” nên chỉ có thể trải nghiệm cắt lông cừu bằng kéo thôi”.
Công ty thời trang trong trang trại
Với người New Zealand, gần như họ tận dụng mọi thứ của con cừu để làm ra tiền. Theo lời Chris Lowe, ở đất nước có mùa đông lạnh giá này thì nuôi cừu lấy lông là mục đích quan trọng nhất, dùng làm sản phẩm may mặc, mỹ phẩm… Nhưng cừu chỉ được nuôi lấy lông trong 5 năm, sau đó chất lượng lông cừu không còn tốt nên cừu đực được xuất khẩu lấy thịt; hầu hết cừu cái được giữ lại để phối giống cho năm tiếp theo.
Chó Blue quản thúc đàn cừu theo mệnh lệnh chủ nhân – Ảnh: Hà Ánh
Ở Rubicon, ngay khu vực ăn uống được phục vụ miễn phí, du khách có thể mua những vật phẩm quý được làm từ vật nuôi ở trang trại như: mỹ phẩm dưỡng da từ da cừu, son dưỡng môi từ nhau thai cừu… “Lanolin là loại dầu tự nhiên từ lông cừu, được chiết xuất làm kem dưỡng da tay hoặc mắt chống hình thành nếp nhăn, mùi dễ chịu. Bạn biết đấy, nhờ loại kem này mà vẻ bề ngoài của tôi trông trẻ hơn tuổi”, Chris Lowe giới thiệu một cách duyên dáng và nhấn mạnh: “Sản phẩm ở đây bán luôn rẻ hơn 50% so với hàng tương tự bên ngoài”. Điều này Chris nói đúng, khi chúng tôi có dịp so sánh với các trung tâm mua sắm ở những thành phố đi qua, có điều tôi cứ băn khoăn không biết hàng ở trang trại làm theo kiểu thủ công hay công nghiệp như hàng bán ở trung tâm mua sắm…
Con alpaca độc đáo ở Rubicon
Rubicon là một trang trại kiểu mẫu, kết hợp giữa chăn nuôi và du lịch độc đáo của người nông dân xứ sở này. Rộng hơn 2.000 mẫu Anh (hơn 800 ha), Rubicon có trung tâm du lịch đã đi vào hoạt động hơn 15 năm. Du khách đến đây, ngoài trải nghiệm làm “dân du mục” còn có thể thử cảm giác mạnh trên du thuyền, máy bay phản lực và học cách cưỡi ngựa trên những ngọn đồi, khu vực hoang dã.
Chưa hết, Rubicon còn nét độc đáo, “hút” khách bởi loại vật nuôi lạ có tên alpaca (nguồn gốc từ Nam Mỹ), mà theo lời Chris “nếu đến vùng đất này mà chưa có một tấm hình ôm cổ con alpaca quyến rũ sẽ là điều đáng tiếc”. Độ hút khách của alpaca đến mức, chủ nhân trang trại còn mở một công ty chuyên thiết kế, sản xuất các sản phẩm từ loài vật này.Ngay tại phòng trưng bày của trung tâm du lịch, du khách được chiêm ngưỡng những vật phẩm quý được làm từ lông alpaca như: nệm, mũ, khăn choàng cổ… Tuy nhiên, với nhiều du khách thì chỉ để ngắm cho biết, vì giá các sản phẩm này không hề rẻ, từ vài ngàn NZD trở lên. “Bởi nó không chỉ mềm mại, bền và khả năng giữ ấm cao, cho đến nay lông alpaca vẫn được xem là một trong những loại sợi tự nhiên tốt và sang trọng nhất thế giới”, người quản lý trung tâm tự hào.
Khách du lịch được hướng dẫn cho cừu ăn
Một chú chó quản 1.000 con cừu
Rubicon là trang trại được sở hữu và vận hành bởi 3 thế hệ trong cùng một gia đình. Đó là một hỗn hợp ruộng bậc thang và những ngọn đồi cao chạy dọc sông Waimakariri Gorge tráng lệ. Theo lời Chris Lowe, trang trại hiện đang nuôi giữ gần 4.000 con cừu.
Số lượng cừu không nhỏ nhưng công việc người chăn khá nhẹ nhàng nhờ vào các cộng sự đắc lực là… 4 chú chó chăn cừu. Theo Chris, loài chó này được gọi là eye dog, do chúng sử dụng mắt điều khiển hoạt động của đàn cừu. Mỗi chú chó có thể quản thúc 1.000 con cừu, từ việc lùa ra đồng đến đưa về chuồng, tách đàn… “Mỗi chú chó này được huấn luyện trong khoảng 2 năm và trang trại mua với giá 5.000 NZD.
Tuy nhiên, chúng chỉ sử dụng được 10 năm trước khi thả tự do vào đồi”, Chris nói rồi ra hiệu cho chú chó 8 tuổi có tên Blue đến biểu diễn. Theo hiệu lệnh của Chris, Blue khuỵu hai chân trước xuống thấp, đầu áp gần sát mặt đất vừa phóng ánh mắt vừa lừ lừ đi về phía đàn cừu gần chục con, khiến cả đàn sợ sệt, lấm lét dồn gọn về phía góc chuồng. Lát sau, Chris mở chuồng cho lũ cừu ra ngoài. Một con cừu tách đàn, chạy bạt mạng ra xa. Sau cái phất tay của chủ, Blue liền phóng theo chộp cổ lôi chú cừu hư hỏng lại…
Sau khi cho Blue biểu diễn, Chris hướng dẫn chúng tôi các mệnh lệnh điều khiển eye dog, nhưng khi áp dụng với Blue thì chú ta cứ phớt lờ. Lúc này, Chris mới cười bật mí: “Chúng chỉ nghe tôi thôi. Vì thế, các bạn là người thất bại”.

Hà Ánh

Theo Thanh Niên