Thấy không có người bán hàng, hai khách du lịch Việt bóc nhãn, thẻ giá ở 3 chiếc kính hàng hiệu trong một shop thời trang ở thành phố Zurich, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, hành động này đã được camera ghi lại.
Anh Nguyễn Huy Sơn, hướng dẫn viên trong chuyến đưa 29 khách Việt 29 sang Pháp và Thụy Sĩ từ ngày 9 đến 17/7, cho biết hai vị khách trẻ nhất đoàn đã bị cảnh sát Thụy Sĩ tạm giữ về hành vi trộm đồ. Theo anh Sơn, tối 15/7, cả đoàn khách đi mua sắm tự do để sáng sớm hôm sau bay về Việt Nam. Đến quá giờ hẹn mà không thấy hai vị khách về, mọi người sốt ruột nên hướng dẫn viên đưa đoàn về khách sạn nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe cho chuyến bay hôm sau.
Đến 10h đêm, nhận được thông báo của cảnh sát, anh cùng người trong đoàn đến đồn tìm hiểu sự việc. Theo đó, anh được biết hai vị khách (một nam, một nữ) đã trộm đồ trong cửa hàng và bị camera ghi lại hình ảnh. Qua máy quay giám sát, nhân viên phát hiện hai du khách bóc nhãn, thẻ giá của 3 chiếc kính có trị giá 300 euro mỗi chiếc và đem ra khỏi cửa hàng. “Tôi phải cố gắng giải thích và trình bày các giấy tờ liên quan, mong họ giải quyết sớm để hai người này có thể kịp lịch trình bay ngày hôm sau”, anh Sơn cho hay. Phía cảnh sát yêu cầu nộp phạt 2.000 Franc Thụy Sĩ (khoảng 50 triệu đồng). Anh Sơn cho biết nhiều năm dẫn đoàn đi du lịch châu Âu nhưng đây là lần đầu anh gặp sự việc này. Anh cho rằng hành động của hai vị khách trên làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người Việt Nam ở nước ngoài cũng như kế hoạch của cả đoàn. “Tôi cảm thấy xấu hổ vì mình cũng là người Việt Nam trong chuyến đi này. Mặc dù còn vài chuyến đi các nước khác nữa nhưng tôi không muốn nhận tour nữa”, anh Sơn bày tỏ. Chia sẻ trên diễn đàn mạng, một thành viên tên Trung Pham cho rằng nên đưa thêm vào trong chương trình tour những kiến thức khi du lịch ở nước ngoài, và nhắc nhở ý thức về hình ảnh của dân tộc mình để những người có ý định “ăn cắp” suy nghĩ lại. Trước đó, đầu năm 2014, một nữ tiếp viên hàng không của Việt Nam cũng bị cảnh sát Nhật bắt giữ vì bị tình nghi buôn lậu hàng mỹ phẩm, quần áo từ một đường dây ăn cắp tại siêu thị nước này. Nhiều cửa hàng ở Nhật cũng có biển “cảnh báo” bằng tiếng Việt. Anh Phương |
Theo VnExpress – Du Lịch