Những diễn biến gần đây chỉ ra nhiều điều kiện thuận lợi để khách du lịch quốc tế đổ về VN. Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là các thành phố du lịch của VN không có cuộc sống về đêm. Nhất là ở Hà Nội, khi quán xá sau 12 giờ đều phải răm rắp đóng cửa theo quy định. Nhiều năm qua, du khách đến VN thường là… bị ép ngủ.
Những ngày qua, khi vụ khủng bố đẫm máu xảy ra ở Thái Lan khiến thế giới lo lắng thì VN, với nền chính trị ổn định, được xem là một trong các điểm đến mà du khách chọn lựa. Hơn thế nữa, thời gian gần đây, những nhược điểm của nền du lịch VN như tình trạng chặt chém du khách, trộm cướp cũng đã được cải thiện rất nhiều sau hàng loạt nỗ lực từ phía chính quyền. Điều kiện du lịch cũng thuận lợi hơn nhờ vào nhiều chính sách cởi mở như miễn thị thực cho du khách đến từ một số nước châu Âu. Chính vì thế, nhiều khả năng, lượng khách du lịch nước ngoài đến VN sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, nên cần sớm giải quyết tình trạng thiếu các hoạt động về đêm dành cho du khách.
Lòng vòng rồi lại… uống bia
Roberto, người Tây Ban Nha làm việc ở Anh, đến TP.HCM cùng 3 người bạn và thuê phòng khách sạn trong một con hẻm ở đường Bùi Viện (Q.1). Chúng tôi gặp Roberto tại quán bia vỉa hè phố Tây trong đêm cuối cùng anh ở TP.HCM trước khi ra Hà Nội vào sáng hôm sau. Roberto bảo rằng 3 ngày qua anh đi tham quan rất nhiều nơi, nhưng cả 3 đêm anh đều ra vỉa hè này uống bia.
“Bọn mình chả biết đi đâu vào ban đêm. Có hôm lòng vòng qua chợ Bến Thành rồi về lại vỉa hè này uống bia tiếp. Nghe nói có mấy quán bar lớn ở các khách sạn 5 sao trong thành phố nhưng bọn mình đâu có nhiều tiền để vào đó chơi tới sáng được”, Roberto giải thích lý do chọn quán vỉa hè.
Qua 12 giờ đêm, các quán bar phố Tây đã xuống nhạc, còn lưa thưa khách. Mấy quán bia đêm vỉa hè Bùi Viện từng có lúc kê bàn ghế tràn ra cả lòng đường nhưng đã bị chính quyền siết lại. Cũng có lúc, khách không cần bàn ghế, chỉ cần mấy tấm giấy, chiếu, ni lông trải ra nền đường là đã có một chỗ giải trí về đêm. Roberto cụng ly bia với bạn, rồi nói tiếp: “Thực ra, bọn mình đến nước nào là muốn trải nghiệm đời sống văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật bản địa… Nhưng tiếc ở TP.HCM, ban đêm chúng tớ chỉ biết đi uống bia rồi về ngủ sớm. Nghe nói Hà Nội cũng giống như TP.HCM thôi, vì ban đêm cũng uống bia ở phố Tạ Hiện”.
Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng, thừa nhận: “Ban đêm, du khách của chúng tôi không biết đi đâu. Gần đây họ quanh quẩn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), uống cà phê rồi về ngủ”. Ông dẫn chứng một du khách mua tour TP.HCM – Củ Chi – Mỹ Tho 5 ngày 4 đêm với giá landtour (mặt đất) khoảng 620 USD, bao gồm các khoản chi phí khách sạn 4 sao, ăn uống, hướng dẫn viên, xe, phí tham quan… Vào ban ngày, du khách đi chơi và gần như không mua sắm gì do chi phí đã nằm trong giá tour. Trong suốt 5 ngày, có khách chỉ tiêu xài khoảng 100 USD cho việc mua sắm các món quà lưu niệm rẻ tiền như áo thun, túi xách…
“Vấn đề quan trọng nhất khiến khách không chi tiêu nhiều là ban đêm không có gì để móc hầu bao. Ban đêm chính là thời gian khách tiêu tiền nhiều nhất, chứ không phải ban ngày”, ông Lộc nhấn mạnh.
“Chẳng có gì chơi thì làm sao tiêu được nhiều tiền”
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, tính toán: “Chi tiêu mỗi ngày của khách quốc tế tại VN trung bình không quá 50 USD, không tính ăn uống, phòng khách sạn, vé tham quan. Trong khi khách VN đến Thái Lan có thể xài 100 USD/ngày; đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu xài 130 – 150 USD/ngày. Ở VN, khách đi tham quan suốt ngày đến tối chẳng có gì chơi thì làm sao tiêu được nhiều tiền?”. Trong khi đó, “xuất khẩu tại chỗ” là cực kỳ quan trọng trong kinh doanh du lịch, vì nó đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn mà không tốn kém nhiều chi phí.
“Chúng ta chỉ mới thu tiền tour, còn thu ngoài xã hội, ngoài tour thì làm chưa tốt. Nguyên nhân do các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm chưa nhiều, hoặc có mà chưa phù hợp và chưa được đầu tư”, ông Kỳ nói thêm. Nếu khách quốc tế tiêu xài ở VN bằng với khách VN tiêu tiền ở Thái, thì với 8 triệu khách mỗi năm, VN thu thêm một khoản ngoại tệ khổng lồ. Khảo sát mới đây của Tổng cục Du lịch cho biết trong tổng chi tiêu của một khách quốc tế ở VN có đến 33,14% chi phí là tiền thuê phòng; 23,74% ăn uống; mua hàng hóa 18,34%; vui chơi giải trí chỉ 3,56%… Rõ ràng, để tăng doanh thu du lịch, không còn cách nào khác là tăng chi tiêu cho vui chơi giải trí về đêm.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty du lịch Thanh niên xung phong (VYC), cũng cho rằng không nên khống chế thời gian vui chơi giải trí về đêm đối với các quán bar, vũ trường… “Những quốc gia có nền kinh tế du lịch phát triển chẳng bao giờ quản lý vui chơi giải trí bằng việc khống chế thời gian mà quản lý như thế nào để trật tự, an toàn. Cơ sở nào vi phạm thì kiên quyết đóng cửa. Quy định các điểm vui chơi không hoạt động sau 12 giờ đêm khiến du khách nhìn VN như một đất nước khép kín. Nhu cầu đi chơi về đêm là có thật. Đừng bắt khách ngủ khi họ chưa buồn ngủ”, ông Trường nói.
Cùng quan điểm, ông Robert Tan, chuyên gia du lịch người Singapore, nhấn mạnh “rất nghịch lý” khi VN đang muốn thu hút đông hơn du khách nước ngoài và tăng doanh thu từ dịch vụ du lịch, thì lại có quy định mâu thuẫn. “Khách đi chơi cả ngày, sau bữa ăn tối thì đã trễ. Nên lúc họ muốn đi chơi thì các điểm vui chơi đã chuẩn bị đóng cửa, hoặc đã tắt nhạc”, ông Tan nhận xét. Theo ông, những thành phố du lịch nổi tiếng thế giới đều có sức sống đặc biệt về đêm. TP.HCM hay Hà Nội không thể rập khuôn để giống với các thành phố đó, nhưng có thể tạo ra vẻ đặc trưng của mình. Nhưng trước hết cần tháo gỡ các quy định về hạn chế thời gian mở cửa các tụ điểm vui chơi giải trí ban đêm.
“Nếu đa dạng được các dịch vụ về đêm, thì đây mới là “gà đẻ trứng vàng”, mang lại doanh thu lớn chứ không phải là tiền bán tour hay phí tham quan. Ở các thành phố du lịch nước ngoài, khách có tất cả sự chọn lựa phù hợp với từng đối tượng. Khách có thể vui chơi xuyên đêm, hết coi chương trình nghệ thuật này thì di chuyển tới quán bar, phòng trà, vũ trường nọ”, ông Tan nói.
N.Trần Tâm |
Theo Thanh Niên