Với hộ chiếu sắp hết hạn, một số sinh viên ở Đức đã thực hiện việc tích trữ sữa bột sản xuất trong nước và chuyển về Trung Quốc để kiếm lợi. Đại sứ Trung Quốc Shi Mingde cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 28/10 với Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc: Chính quyền Đức đã phát hiện những trường hợp này, những nghi phạm đã bị trục xuất.
Kể từ khi xảy ra vụ bê bối năm 2008, khi sữa bột nhiễm melamine do một công ty Trung Quốc đã giết chết ít nhất 6 trẻ sơ sinh và làm 300.000 trẻ khác ngã bệnh, người Trung quốc đã tìm cách mua sữa bột nhãn hiệu nước ngoài vốn an toàn hơn. Sản phẩm của Đức và Hà Lan đặc biệt được ưa chuộng.
Tình hình này đạt đến mức mà nhiều cửa hàng ở Đức luôn hết sữa bột.
Trước đây, nhu cầu khổng lồ của người dân Trung Quốc đối với các sản phẩm nước ngoài an toàn hơn đã đẫn đến tình trạng thiếu hụt tương tự ở các nước như Hà Lan, New Zealand và Úc. Trong năm 2013, điều này đã làm chuỗi siêu thị Woolworths của Úc giới hạn số lượng sữa bột được mua, mỗi đơn hàng không được phép mua quá bốn lon sữa bột.
Đây không phải là điều mà Đại sứ Trung Quốc Shi cảm thấy hài lòng.
“Một nước lớn như Trung Quốc lại phải phụ thuộc vào sữa bột nước ngoài để nuôi trẻ sơ sinh, thậm chí cả thế giới cũng không đủ khả năng cung cấp“, ông nói trong một cuộc phỏng vấn. Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc là một đài phát thanh nhà nước. Đối với sự thiếu tin tưởng vào các công ty Trung Quốc, ông Shi nói rằng “các doanh nghiệp trong nước phải chiếm được lòng tin của người dân và giữ vững đạo đức“.
Vào tháng 2, tờ báo German Bild cho biết các siêu thị ở Frankfurt vẫn hết hàng dù đã giới hạn khách hàng.
Đánh đổi việc học với việc kiếm tiền chóng vánh
Dẫn đầu trong việc mua bán lại sữa bột Đức là người Trung Quốc ở đây, hầu hết trong số họ là sinh viên du học bị hấp dẫn bởi lợi nhuận nhanh chóng mà thương vụ đem lại.
Phát biểu dưới một cái tên giả, Chun Lai, một phụ nữ Trung Quốc đang học tập tại bang North Rhine-Westphalia ở Đức, nói với hãng truyền thông Deutsche Welle rằng những sinh viên Trung Quốc tham gia vào thương vụ mua bán lại sữa bột đã thực hiện nhiều việc rất tinh vi để mua các sản phẩm của Đức.
“Ngày nay“, Chun nói, “những sinh viên chúng tôi không trực tiếp đi mua sữa bột, chúng tôi có nhiều nguồn tiếp cận hơn“. Cô giải thích rằng bằng cách hợp tác với các công ty thương mại, công ty có thể mua các mặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất và vận chuyển chúng thẳng đến Trung Quốc, không cần qua các cửa hàng bán lẻ ở Đức.
Chun Lai đã ở Đức từ bảy năm trước và đã trở thành một người mua đi bán lại thực sự chuyên nghiệp, cô đã quản lý khá nhiều người mới, Deutsche Welle cho biết. Cô có thể kiếm được 16.000 euro một tháng, mức thu nhập sánh ngang cùng các giám đốc điều hành kinh doanh ở Đức.
Tốn ít công sức trong thương vụ mua đi bán lại này là một đặc điểm khác hấp dẫn các sinh viên, khi mà những người khác phải làm việc trong nhiều giờ liền để tạo ra thu nhập đáng kể như vậy. Trong khi một người có thể mong muốn một công việc làm hàng ngày với mức lương 3.000 euro một tháng, Chun Lai nói rằng cô có thể kiếm hàng trăm chỉ trong vòng vài giờ thôi.
Cuối cùng, Chun cũng cảm thấy “bắt đầu mệt mỏi” với thương vụ kinh doanh này vì nó đi ngược với mục tiêu học tập của cô, những người Trung Quốc khác đi theo con đường khác, họ có khát vọng nuôi dưỡng tài năng kinh doanh của mình. Họ từ bỏ học tập, Deutsche Welle cho biết, các sinh viên thường sử dụng lợi ích ngắn hạn để phung phí tiền vào xa xỉ phẩm, rồi mắc kẹt trong thế giới mua đi bán lại để thỏa mãn thú vui vật chất của họ.
Khi visa du học sắp hết hạn, nhiều phụ nữ Trung Quốc đã bỏ học theo sự nghiệp kinh doanh, cố gắng trong tuyệt vọng để kết hôn với một người đàn ông Đức nhằm có thể ở lại đất nước này – cho dù người đó “xấu xí, thua kém, hay béo phệ cũng không thành vấn đề“, Chun Lai nói.
Hơn nữa, những người dính vào việc bán lại sữa bột Đức luôn phải đối mặt với việc bị phát hiện và trục xuất. Và khi càng nhiều người tham gia, chính quyền và các công ty Đức sẽ ngày càng cảnh giác, lợi nhuận thì đã bắt đầu co lại.
“Lợi nhuận mang lại không còn lớn như trước đây“, Chun Lai nói.
Thanh Phong dịch từ Epoch Times