Vào thời nhà Thanh, Từ Khiêm của Viện Hàn lâm đã biên soạn cuốn sách tên “Vật do như thử”, nội dụng đều là những câu chuyện cảm động về động vật, cho thấy vạn vật đều có tình.
Chú voi con hiếu thảo
Đời nhà Thanh có một người tên là Lưu Thời Dụng đã kể lại một chuyện mà chính mình mắt thấy tai nghe. Có lần ông ta bắt gặp một con voi mẹ sắp chết, voi con lấy cỏ mớm cho mẹ nó ăn, nhưng voi mẹ hầu như không thể ăn nổi nữa.
Voi con nhìn thấy cảnh đó, nó dùng vòi vỗ vỗ lên người mẹ mình, hai hàng nước mắt rơi như mưa. Sau khi voi mẹ chết, voi con đau buồn thảm thiết, nhảy dựng lên rồi ngã nhào xuống đất.
Vượn nhổ tên cho mẹ
Thời Tam Quốc, đại tướng quân nước Thục là Đặng Chi, trong một lần đi săn đã bắn trúng một con vượn mẹ.
Điều làm cho Đặng tướng quân ngạc nhiên là, ông chứng kiến cảnh vượn con nhổ mũi tên cho vượn mẹ, dùng miệng mút máu ra, sau đó hái lá cây đắp lên vết thương cho mẹ, biểu cảm vô cùng thương xót.
Sau khi nhìn thấy cảnh đó, Đặng tướng quân ném cung tên đi, rồi thề rằng từ nay về sau không bao giờ đi săn nữa!
Mộ bê con có hiếu
Ở một nơi tên là Cửu Đô, có nông dân kia họ Lê, nuôi một con bò cái và một bê con vừa chưa đầy một tuổi.
Một ngày tháng Bảy, nông dân nọ buộc bê con ở nhà, dẫn bò mẹ ra ngoài ruộng cày bừa, cày xong ông thả bò cái đến cồn cỏ để đi ăn. Giữa trưa, đột nhiên mây đen dày đặc, cơn dông kéo đến, bò cái bị sét đánh chết. Nông dân kêu gọi mọi người trên đồng cùng giúp đem bò cái đi chôn ở bờ sông.
Sau khi về nhà, người nông dân thương cảm nói với bê con: “Mẹ của mày bị sét đánh chết ở cồn cỏ ngoài đồng rồi”. Bê con nghe xong, đột nhiên đứng lên, rên rỉ không ngừng.
Ngày hôm sau, nông dân đưa bê con ra ngoài ăn cỏ, lúc cách cồn cỏ còn hơn một dặm, bê con vội chạy đến chỗ bò mẹ bị sét đánh chết, đứng quanh quẩn ở đó, kêu khóc bi thương, không ăn không uống, đuổi thế nào cũng không chịu đi. Cuối cùng người nông dân đành dùng roi xua bê con về nhà. Sau khi về nhà, nó lại giằng đứt dây đi mất.
Người nông dân theo dấu chân tìm kiếm bê con, phát hiện nó dừng ở ngay chỗ bò mẹ bị sét đánh, nằm khóc bên cạnh, tiếng rên rỉ ngày đêm không dứt, cuối cùng tông vỡ đầu mà chết. Mọi người ở đó đã xây một ngôi mộ ở chỗ bê con chết, lập bia tên là “Mộ bê con có hiếu”.
Thả cua trong đăng cua
Ở Tùng Giang có một người họ Trầm ở trên núi, hằng năm vào cuối thu, ông đều để ở dưới hồ một công cụ dùng để bắt cua, gọi là đăng cua, hình dạng như màn trúc, đặt ngang dưới nước, dùng để chặn đường đi của cua.
Một ngày nọ, ông Trầm từ xa trông thấy có hai ba con cua đang dựa vào nhau, chậm rãi tiến về phía trước, ông cảm thấy rất kỳ quái, làm gì có con cua nào đi như vậy. Ông Trầm tò mò tới gần xem, mới phát hiện thì ra con cua ở giữa không có chân, không thể đi lại. Trong khi đó, hai con cua mang nó theo, chuẩn bị đi lọt vào đăng cua rồi.
Ông Trầm nhìn thấy cảnh này rất cảm động, vì vậy gọi mọi người gỡ bỏ cái bẫy đó ra, từ đó về sau không bao giờ ăn cua nữa.
>>> Có làm phẫu thuật thay tim mới biết: Trong tim ẩn giấu “nguyên thần”
>>> Vũ trụ phải chăng cũng là một sinh mệnh? Hãy cùng nghe các nhà khoa học bàn về nó
Tuệ Tâm, theo NTDTV