Nhìn những vết thương trên người họ, ông biết mẹ đã bị điện giật tới chết khi một sợi dây điện bị đứt và rơi trúng người bà, còn bố bị những thanh thép từ trên cầu thang lao xuống xuyên qua người.
Ngày 27/4, cảnh sát Nepal cho hay con số thương vong trong vụ động đất kinh hoàng mạnh 7,8 độ hôm thứ Bảy vừa rồi đã lên tới hơn 3.500 người, và con số này sẽ còn tăng lên bao nhiêu phụ thuộc vào khả năng tiếp cận những ngôi làng cheo leo trên núi của lực lượng cứu hộ. Hai ngày sau khi thảm kịch xảy ra, lực lượng cứu hộ và quân đội Nepal vẫn chưa thể đến được với những ngôi làng bị trận động đất tàn phá trên dãy núi Himalaya. Tại ngôi làng Gorkha ở gần tâm chấn, 70% số nhà cửa đã bị san phẳng, khoảng 223 người đã thiệt mạng, và con số này sẽ tăng lên nhanh chóng vì vẫn còn hàng ngàn người bị thương nhưng không được chữa trị kịp thời. Hơn 3.500 người đã thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng ở Nepal
Tại thủ đô Kathmandu, hàng chục ngàn gia đình vẫn phải nằm ngủ ở ngoài trời trong đêm thứ hai liên tiếp vì sợ những trận dư chấn sẽ còn tiếp tục phá hủy nhà cửa của họ. Các công viên, quảng trường và sân golf ở đây tràn ngập những con người hoang mang, sợ hãi đến cùng cực và không dám trở về nhà. Ông Bijay Nakarmi đang chuẩn bị tổ chức lễ tang cho bố mẹ mình cho biết: “Thật quá sức chịu đựng. Tôi giờ đây không còn dám nghĩ về điều đó nữa”. Vừa mới hôm qua thôi, ông phải đã cùng lực lượng cứu hộ bới tìm thi thể bố mẹ giữa đống gạch vụn, nơi từng là ngôi nhà ba tầng của họ. Nhìn những vết thương trên người họ, người đàn ông 55 tuổi này biết rõ bố mẹ mình đã chết một cách thảm thương, đau đớn như thế nào. Mẹ ông bị điện giật tới chết khi một sợi dây điện bị đứt và rơi trúng người bà. Còn bố ông bị những thanh thép từ trên cầu thang lao xuống xuyên qua người. Lần cuối cùng mà ông Nakarmi gặp bố mẹ là vào Ngày các Bà mẹ Nepal được tổ chức hồi tuần trước, khi gia đình ông quây quần bên mâm cơm sum họp gia đình. Nhiều nạn nhân vẫn chưa được đưa ra khỏi đống đổ nát
Trong lúc các nhân viên cứu hộ tiếp tục đào bới trong đống đổ nát để tìm thêm thi thể của 5 người thân nữa, ông Nakarmi gạt nước mắt: “Tôi đã để thi thể bố mẹ ở cạnh dòng sông. Họ sẽ tạm nghỉ ở đó chờ đến khi người thân đến dự tang lễ đầy đủ”. Thị trưởng Kathmandu Ek Narayan Aryal cho biết chính quyền đã cho phân phát nước sạch và lều bạt tại 10 địa điểm ở thủ đô, tuy nhiên công tác cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn do các đợt dư chấn. Vào sáng hôm qua, một ngày sau động đất, Kathmandu lại tiếp tục rung chuyển bởi một đợt dư chấn mạnh tới 6,7 độ. Ông Aryal nói: “Cho đến nay, đã có gần 100 đợt dư chấn, khiến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả các nhân viên cứu hộ cũng phải hoảng sợ và bỏ chạy mỗi khi cảm nhận thấy dư chấn”. Người dân thủ đô Kathmandu cũng bắt đầu đưa thi thể của người thân thiệt mạng trong trận động đất lên chùa để hỏa táng. Những làn khói trắng liên tục bốc lên từ ngôi chùa, nơi có hàng trăm người được hỏa táng mỗi ngày. Thành phố Kathmandu là nơi lèn chặt những căn nhà nhỏ hẹp xây bằng gạch xấu. Trong khi những công trình lớn, hiện đại trong thành phố vẫn trụ vững trước trận động đất, những căn nhà này thi nhau đổ sập chôn vùi những người chưa kịp chạy thoát thân. Người dân thủ đô Kathmandu khóc ngất trong lễ hỏa táng người thân
Đến sáng thứ Hai, một số nhà thuốc và cửa hàng đã mở cửa trở lại để cung cấp những đồ dùng thiết yếu và thực phẩm cho người dân. Khi điện bị cắt, sóng điện thoại và Internet chập chờn, báo in lại trở thành một “đặc sản” của người dân đang rất khao khát thông tin. Hàng ngàn người kiên nhẫn xếp hàng bên ngoài trạm xăng để chờ mua nhiên liệu, và mức giá của hầu hết các mặt hàng ở Kathmandu vẫn được giữ nguyên như cũ. Ông Shyam Jaiswal, một người bán hoa quả nói: “Chúng tôi sẽ không tăng giá. Làm như thế là trái pháp luật, là vô đạo đức”. Tuy nhiên, các nhân viên cứu hộ cảnh báo rằng tình hình ở các khu vực gần tâm chấn có thể sẽ tồi tệ hơn rất nhiều. Hiện toàn bộ những tuyến đường đến thị trấn Lamjung, cách thủ đô Kathmandu khoảng 80 km, đều đã bị phá hủy trong trận động đất, khiến lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận được với những người gặp nạn. Trận động đất hôm thứ Bảy là thảm họa động đất tồi tệ nhất ở Nepal trong vòng 80 năm qua, làm rung chuyển cả dãy Himalaya và đỉnh Everest, chôn vùi nhiều du khách leo núi và giáng một đòn nặng nề vào ngành du lịch vốn đóng vai trò là “xương sống” của nền kinh tế nước này. |
Theo 24h.com.vn