Giới chức Ấn Độ bày tỏ quan ngại về tệ nạn buôn người sẽ gia tăng tại Nepal, quốc gia đang gặp nhiều khó khăn sau thảm họa động đất hôm 25/4, truyền thông Ấn Độ hôm Thứ Tư (6/5) cho biết.
Tờ Times of India (TOI) đưa tin, cơ quan chức năng Ấn Độ trong ngày 4/5 đã giải cứu được 4 trẻ em bị nhóm buôn người bắt cóc tại thị trấn Raxaul, thuộc bang Bihar, sát biên giới Nepal – Ấn Độ.
Giới chức Ấn Độ cho hay, họ đang tìm hiểu nguồn gốc của những trẻ em này và nhận định rằng, “trong tình hình khó khăn hiện nay của Nepal, chúng tôi lo ngại rằng nạn buôn người sẽ gia tăng. Chúng tôi sẽ báo động cho cơ quan Tình báo Ấn Độ, yêu cầu họ đề phòng và có biện pháp xử lý kịp thời”.
Các quan chức Nepal cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng này. “Nhiều làng mạc đã bị phá hủy và người dân tại các vùng xa xôi hẻo lánh hiện đang phải chịu cảnh đói rách”, một quan chức cho biết.
Báo Ấn Độ cũng nêu rõ, kiểm soát nạn buôn người là việc quá sức với chính quyền Nepal, bởi họ đang phải tập trung nguồn lực cho công tác cứu trợ thảm họa. Phần lớn công tác cứu hộ và cứu trợ do quân đội đảm nhiệm với gần 90% binh lính tham gia.
Theo ghi nhận của phóng viên TOI, nhiều gia đình ở các làng quê không có đủ đồ ăn nên những người đàn ông phải ra ngoài mạo hiểm tìm kế sinh nhai, còn phụ nữ ở nhà lo cho con cái, họ không đủ sức bảo vệ bản thân và những đứa trẻ. Đây chính là cơ hội cho nạn buôn người gia tăng.
Trẻ em và phụ nữ tại các vùng làng quê Nepal từ lâu đã là mục tiêu của các nhóm buôn người, bởi điều kiện sống ở đây khó khăn trong khi các quy định quản lý còn lỏng lẻo.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng buôn người trên thế giới, Nepal đứng kế chót trong việc đối phó với tệ nạn này. Mỗi năm, có khoảng từ 5.000 – 10.000 phụ nữ và trẻ em Nepal bị bán sang Ấn Độ.
Ngày 6/5, các đội tìm kiếm và cứu hộ nước ngoài đến từ Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Anh, Hà Lan… bắt đầu rời Nepal theo yêu cầu của chính phủ nước này.
Kể từ sau trận động đất 7,9 độ richter hôm 25/4, hơn 4.000 nhân viên cứu hộ từ 34 quốc gia đã tới Nepal để hỗ trợ hoạt động cứu hộ, chăm sóc y tế khẩn cấp, phân phát thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Tính đến nay, thảm họa động đất ngày 25/4 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 7.600 người và làm bị thương 16.000 người Nepal. Do hy vọng về những người sống sót sau thảm họa ngày càng mong manh, giới chức Nepal đã quyết định ngừng tìm kiếm các nạn nhân động đất, tập trung vào công tác cứu trợ.
Theo Dân Trí