Các công trình nghiên cứu đều cho thấy giá trị dinh dưỡng rất lớn của đậu bắp đối với sức khỏe
Đậu bắp có nguồn gốc từ khu vực dọc theo sông Nile ở Bắc Phi và được phát hiện cách đây 3.500 năm ở Ethiopia. Người Ai Cập cổ đại nổi tiếng là “dân hâm mộ” của loại đậu duyên dáng này. Đậu bắp sau đó sang Mỹ qua con đường mua bán nô lệ. Từ Mỹ, đậu bắp lại tiếp tục cuộc hành trình đến Trung và Nam Mỹ, châu Âu, châu Á… Giá trị dinh dưỡng tuyệt vời Không chỉ chứa calories thấp vốn thích hợp cho “công cuộc” giảm béo, đậu bắp bao gồm rất nhiều vitamin A, vitamin nhóm B (B1, B2, B6), vitamin C, axít folic, các nguyên tố khoáng vi lượng như kẽm và canxi. Đậu bắp cũng là nguồn thực phẩm cung cấp chất xơ sáng giá và là “bạn bà bầu” vì rất giàu axít folic – một loại vitamin rất cần thiết cho việc hình thành những ống thần kinh của thai nhi trong suốt tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Những nghiên cứu đã vinh danh giá trị dinh dưỡng tuyệt vời của đậu bắp với những “công trạng” như sau: – Chất nhầy và chất xơ có trong đậu bắp giúp điều chỉnh lượng đường huyết bằng cách điều hòa sự hấp thu của chúng từ ruột non. Chất xơ của đậu bắp cũng là một “vệ sĩ” của hệ tiêu hóa. – Đậu bắp giúp cơ thể tái hấp thu nước. Chất nhầy có trong đậu bắp “bắt giữ” những phân tử cholesterol cùng độc chất phát sinh trong quá trình chuyển hóa cũng như mật thừa rồi “áp giải” ra ngoài cơ thể qua đường bài tiết (phân). Do chứa hàm lượng nước cao, đậu bắp còn giúp cơ thể tránh được tình trạng táo bón, đầy hơi. – Đậu bắp là một loại thức ăn lý tưởng cho những người đang muốn giảm cân. Để hưởng được lợi ích tối đa của đậu bắp, khi nấu nướng cần cho lửa nhỏ để giúp chất nhầy trong đậu bắp ít bị thất thoát. Đậu bắp còn giúp giải độc ở thận, điều hòa cholesterolẢnh: Hoàng Triều – Đậu bắp khi vào hệ tiêu hóa sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho những loại vi khuẩn có lợi (probiotics) và có thể sánh ngang tầm với sữa chua, giúp cho sự tổng hợp các vitamin nhóm B. – Để làm đẹp tóc, cắt khúc đậu bắp và nấu cho đến khi nước luộc nhầy ở mức tối đa. Sau đó để nguội, nhỏ vài giọt chanh vào và dùng nước này gội đầu. Đây là một tuyệt chiêu giúp tóc lấy lại sự trẻ trung và óng mượt. – Đậu bắp có tính nhuận trường, có thể dùng trị hội chứng kích ứng ruột, làm lành các vết loét trong đường tiêu hóa, đồng thời xoa dịu những cơn đau từ trong ruột. – Chất đạm (protein) và dầu có trong hạt đậu bắp được xem là đạm hạng nhất trong rau cải. Rất nhiều amino acid như tryptophan (giúp tinh thần thoải mái, ngủ ngon…), cystein và những sulfur amino acid khác vốn là những amino acid thiết yếu cho cơ thể. “Tóm cổ” các độc tố Đậu bắp là thực phẩm có khả năng loại bỏ độc tố trong cơ thể, đặc biệt chất nhầy của nó có tác dụng “tóm cổ” các độc tố và “tống” chúng ra ngoài qua đường bài tiết như đã đề cập ở trên. Cũng giống như dầu nhớt trong động cơ, đậu bắp có tác dụng “bôi trơn” hệ thống ruột, giúp ngăn ngừa táo bón. Chất nhầy của đậu bắp có thể chất giống gelatin, giúp chất xơ của đậu bắp mềm mại hơn những loại chất xơ khác, nhờ đó giúp ruột làm việc bớt vất vả hơn. Để “dọn dẹp” cơ thể, chỉ cần 2 trái đậu bắp, mỗi trái cắt làm 3 khúc rồi bỏ vào tô sạch nghiền nát, đổ vào một ly nước và ngâm qua đêm. Sáng hôm sau, trước bữa điểm tâm, khuấy đều và uống. Mỗi tuần uống 3 lần như vậy sẽ giúp cơ thể loại bỏ độc tố, điều hòa cholesterol, giải độc tố trong thận… Đậu bắp còn có tác dụng nuôi dưỡng những vi sinh vật có lợi trong đường ruột, tác dụng nhuận trường, hỗ trợ bệnh nhân bị hội chứng ruột kích ứng và các rối loạn của hệ tiêu hóa. Vì vậy, khẩu phần ăn hằng ngày có kèm đậu bắp sẽ rất tốt cho cơ thể nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng. Nếu không thể uống nước đậu bắp theo cách trên thì có thể luộc đậu bắp. Tuy nhiên, nếu nấu chín quá thì những tác dụng “ăn tiền” của đậu bắp cũng sẽ mất. Tốt nhất là nên nấu hoặc hấp trên ngọn lửa nhỏ. Ăn sống được càng tốt. Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường |
Theo Người Lao Động