TP – Nguồn vốn ban đầu chủ yếu là những ý tưởng công nghệ, lập nghiệp theo mô hình ở thung lũng Silicon Valley giống như Google, Facebook, nhiều nhóm bạn trẻ ở Việt Nam đã xây dựng nên những doanh nghiệp được định giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đô.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân chụp ảnh cùng các startup đầu tiên của Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam. Mở văn phòng ở thung lũng Silicon Valley Tốt nghiệp Đại học Stanford (Mỹ), trở về Việt Nam, Phạm Kim Hùng cùng một vài người bạn đam mê khoa học (có người từng giành giải thưởng Olympic toán học quốc tế, có người từng làm tại Google, MSN) cùng nhau thành lập công ty TechElite để phát triển các ý tưởng công nghệ của mình. Với mong muốn sáng tạo các sản phẩm trên nền internet mang lại giá trị cho doanh nghiệp, tổ chức, trường học và xã hội, TechElite lập nghiệp theo cách của mô hình thung lũng Silicon giống Google, Microsoft (xây dựng và phát triển các ý tưởng công nghệ, kêu gọi đầu tư, phát triển ý tưởng thành sản phẩm). Thành lập năm 2013, ban đầu TechElite gặp nhiều khó khăn. “Khó khăn luôn luôn song hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ban đầu chưa có gì cả, phải dùng vốn tự có của bản thân từ tài chính đến trí tuệ, quan trọng nhất là thuyết phục được những người giỏi tham gia với mình”, Hùng chia sẻ. Năm 2014, với sự giúp đỡ của Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì), công ty của Phạm Kim Hùng có cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư. Trong ngày hội Demo Day tháng 10/2014 nhằm kết nối các nhà đầu tư với các doanh nghiệp khởi nghiệp, có ít nhất năm nhà đầu tư đã ấn tượng với các sản phẩm công nghệ của TechElite. Ba trong số đó đã trở thành những nhà đầu tư cho TechElite sau này. Từ nguồn vốn đầu tư ít ỏi ban đầu, năm 2014, TechElite của Hùng và những người bạn được các nhà đầu tư định giá 1,8 triệu USD. Nhiều sản phẩm mà TechElite đã và đang được ghi nhận trên thị trường như ThiOnline. Đây là hệ thống thi công chức trực tuyến được nhiều bộ, ngành và các tỉnh thành sử dụng. Công nghệ này giúp các địa điểm thi có thể cùng lúc kết nối và tổ chức kỳ thi một cách an toàn, bảo mật và tiện lợi. Các thí sinh sẽ biết điểm ngay lập tức, giúp kỳ thi hiện đại hơn, công bằng hơn, và minh bạch hơn. Ngoài ra, TechElite còn có BigTime – một sản phẩm giúp mọi người đăng ký tham dự các sự kiện từ quy mô vài trăm đến vài chục nghìn người, thanh toán và nhận vé điện tử. Hiện nay, TechElite đang phát triển sản phẩm Enterprise 2.0 phục vụ cho các doanh nghiệp. Đây một giải pháp giúp người quản lý, nhân viên có thể sử dụng ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, công việc hôm nay sẽ hiệu quả hơn công việc ngày hôm qua. Theo Phạm Kim Hùng, thời gian tới, TechElite sẽ mở văn phòng ở thung lũng Silicon Valley (Hoa Kỳ) để phát triển sản phẩm của mình. Theo bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam, nhiều ý tưởng công nghệ của các bạn trẻ Việt Nam đã nhận được đầu tư và được định giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đô khi tham gia vào đề án. Cơ hội cho những người trẻ lập nghiệp Tại Hội thảo về hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo diễn ra sáng qua (13/8), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, các khái niệm như doanh nghiệp khởi nghiệp (thế giới gọi là startup) đã rất quen thuộc với các quốc gia phát triển. Tại Mỹ nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google, Microsoft, Facebook đều đi lên từ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại Việt Nam, Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon khởi động từ 2013. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn như vấn đề nền tảng pháp lý, khó khăn trong việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm. Vì vậy Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ xây dựng đề án cấp Bộ làm thí điểm. Sau ba năm đề án đã đạt được những kết quả đầu tiên, chứng minh việc thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon có thể làm được ở Việt Nam. Năm 2014, chín doanh nghiệp khởi nghiệp theo Đề án này đã được định giá và kêu gọi được đầu tư. Nhiều ý tưởng được phát triển thành sản phẩm và đang được thị trường sử dụng. Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon là một phương pháp tiếp cận mới để hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. “Hôm qua trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với các doanh nghiệp khởi nghiệp, có ý kiến cho rằng Việt Nam có thể hình thành nền kinh tế khởi nghiệp”, ông Tùng cho hay. Cũng theo ông Tùng, trong thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng và trình lên Thủ tướng xem xét phê duyệt đề án Xây dựng chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đề án này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng việc hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích hợp tác quốc tế, thúc đẩy đầu tư cho khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chuyên gia đánh giá, khởi nghiệp theo mô hình thung lũng Silicon là một hướng đi mới cho những người Việt trẻ đam mê công nghệ có thể phát triển ý tưởng công nghệ thành sản phẩm phục vụ cuộc sống. Pham Kim Hùng từng giao lưu với độc giả Tiền Phong Phạm Kim Hùng, CEO của TechElite từng được đông đảo độc giả Tiền Phong biết đến khi giao lưu trực tuyến với độc giả Tiền Phong cách đây tròn 10 năm. Hùng từng được gọi là “cậu bé vàng” khi hai lần đoạt Huy chương Vàng và Bạc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế. Sinh năm 1987, quê ở Ý Yên, Nam Định, Hùng nguyên học sinh khối chuyên Toán – Tin, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) sau đó nhận học bổng toàn phần của Đại học Stanford (Mỹ). |
Theo Tiền Phong