Thường ngày đoàn vẫn nhận biểu diễn ở các lễ hội, sự kiện,… nhưng có lẽ dịp Trung thu là bận rộn nhất. Những buổi biểu diễn của đoàn đều là thiện nguyện, bởi ai cũng có công việc ổn định riêng, chỉ mong sao qua các tiết mục có thể đem những giá trị truyền thống, thiện lành đến với mọi người.
7h30 tối, khi ánh trăng thanh khiết đã lên cao chiếu rọi khắp phố phường, ngõ hẻm; các em nhỏ cũng được cha mẹ dẫn tới trường; Đoàn nghệ thuật Hồng Ân cùng tất cả những ai có mặt bắt đầu hành trình rước đèn đêm hội Trăng rằm.
Dẫn đầu là các em nhỏ rước đèn “điện tử”, kế đến là 2 chú lân một vàng một đỏ cùng ông Địa bụng bự vui tính. Cách đó một khoảng là đội trống eo lưng vàng rực cả một góc đường. Xen giữa là các bạn nhỏ, phụ huynh hòa cùng dòng người đi diễn hành. Đi đến đâu, tiếng trống lân, trống lưng lại thu hút người dân đến đó. Ai nấy đều chạy ra trước cửa xem biểu diễn, người hào hứng dõi theo, người quay phim, chụp hình, người thì gia nhập luôn cùng đoàn. Thích nhất có lẽ là những cô cậu nhỏ tuổi. Mấy em còn được bố cho ngồi hẳn lên cổ đi theo để xem cho rõ.
Cứ thế, đoàn người nối đuôi nhau đi hết một vòng thì về lại trường. Tại đây, các khán giả lại tiếp tục thưởng thức một bữa tiệc văn nghệ từ múa trống trận, múa tiên nữ, đến múa lân, trống eo lưng… Đặc biệt là tiết mục múa lân, các em vui hết mức, muốn nhào lên sân khấu sờ đầu sờ tai lân. Một đêm hội tưng bừng náo nhiệt.
Và đó chỉ là một trong những buổi biểu diễn thiện nguyện của một ‘chi nhánh’ thuộc Đoàn Nghệ thuật Hồng Ân trong mùa Tết Trung thu.
Đoàn nghệ thuật chỉ biểu diễn thiện nguyện
Được biết, Đoàn nghệ thuật được thành lập vào năm 2014. Ban đầu chỉ có một đoàn ở Hà Nội. Dần dần, một số tỉnh thành khác như Sài Gòn, Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương… cũng thành lập đoàn riêng. Đến nay, cả nước đã có khoảng hơn chục ‘chi nhánh’. Đoàn thường xuyên nhận biểu diễn ở các lễ hội, sự kiện,… nhưng Trung thu có lẽ là dịp bận rộn nhất.
Bởi ngày này, nhu cầu tổ chức văn nghệ cho các em nhỏ tăng cao. Đoàn lại biểu diễn các tiết mục truyền thống. Hơn thế nữa là đoàn biểu diễn miễn phí và đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả, như tờ Văn hóa Doanh Nhân Việt Nam từng viết: “Trong xã hội hiện đại luôn quay cuồng với đồng tiền, thứ gì miễn phí dường như đều có một mục đích. Thế nhưng, gần đây công chúng Việt Nam khá nhiều người đã thật sự xúc động khi gặp gỡ Đoàn Nghệ thuật Hồng Ân – một đoàn nghệ thuật biểu diễn thiện nguyện, không cần thù lao, chỉ có ước mong đem thông điệp Chân Thiện Nhẫn đến mọi người”.
Theo thông tin trên trang web của đoàn, những thành viên trong Đoàn nghệ thuật Hồng Ân đều là người học Pháp Luân Công, một môn tu luyện thuộc trường phái Phật gia dạy con người tu dưỡng tâm tính theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn. Thông qua tu luyện, họ đạt được đề cao cả về cảnh giới tư tưởng, đạo đức lẫn sức khỏe. Vì thế nên muốn đem vẻ đẹp của những giá trị thiện lương, truyền thống lan tỏa đến mọi người. Cũng bởi vậy nên đằng sau những tiết mục thường ẩn chứa nội hàm về các giá trị truyền thống như lòng kính Thiên, kính Thần; nam cương trực, khí khái; nữ nhu mì, hiền hậu; đề cao sự tu dưỡng cá nhân,..
Vì như màn biểu diễn trống trận múa cờ Lôi Đình Thiên Uy do những thành viên nam biểu diễn. Họ mặc trang phục xưa đậm khí thế hiên ngang, trình diễn tiết mục đánh trống vang dội, hào hùng, khiến người nghe tinh thần phấn chấn, khơi gợi chính khí trong lòng người xem.
Dân dã hơn như điệu Trống Eo Lưng ‘thể hiện sự hạnh phúc và cảm tạ đất trời, thần linh của người nông dân sau vụ mùa bội thu’. Một điệu múa giản dị nhưng biến hóa phong phú, như vừa nhảy vừa đánh trống, tiết tấu vui vẻ, mang đậm tính cách nhiệt tình chất phác của người xưa.
Những bài múa của nhóm tiên nữ thường mang thông điệp về sự dịu dàng, thanh khiết như những đóa sen giữa hồng trần cuồn cuộn vẫn vươn lên tỏa hương thơm, để khi thưởng thức điệu múa và âm nhạc trong trẻo, người ta sẽ tìm được sự bình an trong tâm hồn.
Chị Hà Chinh, một người dẫn chương trình của đoàn chia sẻ: “Có người hỏi sao lại biểu diễn thiện nguyện. Tôi nói rằng tôi là người tu luyện Phật Pháp, xuất pháp từ thiện tâm muốn khôi phục văn hóa truyền thống và truyền cho mọi người giá trị Chân Thiện Nhẫn. Có những thứ mình không mua được bằng tiền đó chính là lòng tốt, sự thiện lương. Văn hóa truyền thống đang được hồi sinh, lòng người đang được khơi dậy thiện niệm”.
Thành viên đến từ đủ độ tuổi, ngành nghề khác nhau
Các thành viên trong Đoàn đến từ khá nhiều độ tuổi và ngành nghề. Người là giáo viên, người là kiến trúc sư, bác sĩ, học sinh, về hưu…. Các cô chú lớn tuổi thường tham gia đội trống lưng. Ngạc nhiên là dù ở độ tuổi xế chiều, nhưng họ vẫn hăng say đánh trống, nhảy múa theo điệu nhạc, đi diễn hành một vòng về vẫn có thể đánh tiếp mấy tiết mục nữa.
Khi được hỏi về về bí quyết có được năng lượng tràn trề ấy, cô Chiến, một thành viên trong đoàn chia sẻ: “Đối với một người lao động phổ thông và đến độ tuổi U55 như cô, để cầm cái dùi trống mà đánh thì cũng rất khó, không khéo còn cầm dùi ngược. Nhưng cô là người tu luyện, thân thể được cải biến rất tốt, trí huệ cũng được Phật Pháp khai mở nên người lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Vì vậy cô học được khá nhanh mà không thấy có chướng ngại gì”.
Video: Một buổi biểu diễn Trung thu khác của đoàn
Bác sĩ H.A, một thành viên trong đội múa nam đã tham gia đoàn 4 năm nay thì tâm đắc nhất là thông qua tiết mục của mình, có thể truyền tải hình tượng người đàn ông chính trực cho các bé: “Lần đầu tiên ra mắt múa nam, tụi nhỏ bật cười vì sao nam lại đi múa? Nhưng sau khi diễn xong mới biết, ồ thì ra múa nam là như vậy. Thông qua tiết mục, mình có thể truyền tải cách để làm một người đàn ông chính trực cho mấy bé. Cảm thấy rất vui. Đó là làm đàn ông tấm lòng phải rộng rãi thoáng đãng, có thể gánh vác mọi việc, thể hiện qua thế tay, những động tác xoay tròn biểu tượng cho sự rộng lớn. Hai là làm đàn ông cần phải chịu khó, chịu khổ, không ngại hiểm nguy, thể hiện qua các động tác bay nhảy, nhào lộn”.
Vì chỉ là những ‘nghệ sĩ’ không chuyên, nên đâu đó các thành viên vẫn còn những khuyết thiếu về sự điêu luyện hay ngoại hình… Nhưng bù lại, năng lượng thiện lành từ các tiết mục đã tạo nên ấn tượng nhất định trong lòng khán giả. Chị Bùi Thị Hiền đi cùng 2 con, một bé lớp 6 và một bé lớp 3 hào hứng chia sẻ: “Hồi chiều nghe nói ở đây có biểu diễn Trung thu nên tôi cho con đến coi từ lúc 7h, hai đứa nhỏ còn chưa cả học bài. Ở trường tụi nó cũng tổ chức mà có một lúc à, coi không đã, ở đây vui hơn”. Cậu bé lớn thích nhất là múa lân.
Bé gái 9 tuổi đi cùng mẹ và em trai 3 tuổi học trong trường mầm non cho biết: “Đây là lần đầu tiên con đi xem biểu diễn như thế này. Con thích nhất tiết mục múa cô tiên vì các cô tiên rất xinh đẹp”. Em trai thì thích xem múa lân nhất, xem xong là không muốn xem gì nữa.
Bé Hồ Hoàng Hải học lớp 3 nói: “Con theo mẹ đến xem từ lúc 6h30, có đi diễn hành nữa. Hôm nay con thấy rất vui, ở trường con không có tổ chức như thế này. Đây là lần đầu tiên con được xem. Tiết mục nào con cũng thích hết”.
Một mùa Trung thu lại đi qua nhưng dư âm về ngày hội đặc biệt dành cho trẻ em vẫn đọng lại đâu đó trong lòng những người tổ chức. Chị Hà Chinh xúc động kể: “Một mùa Trung thu đã kết thúc. Những gì còn lại là hình ảnh của các buổi biểu diễn và những cảm xúc thật khó tả. Có một lần ở một xóm nhỏ khi mình xuất hiện các em chạy lại gọi chị Hằng Nga kìa. Vậy là Trung thu này mình luôn đóng vai Hằng Nga. Tiếng gọi chị Hằng trong vắt, ánh mắt long lanh, thân thiện của các bé hiện lên niềm vui như ước mơ được gặp chị Hằng. Lại có buổi biểu diễn tại trường mẫu giáo, tôi ấn tượng nhất là khi chú lân nằm ngủ các bé đồng thanh gọi: Lân ơi dậy đi… Ở tiết mục múa Tôn Ngộ Không, các em vui hết nấc, như muốn nhào lên sân khấu.
Các tiết mục truyền thống đã đưa tuổi thơ các em như bước vào một thiên đường cổ tích. Những buổi biểu diễn thiện nguyện khi kết thúc là một thông điệp gửi đến các em giá trị Chân Thiện Nhẫn, mong các em luôn lắng nghe lời ba mẹ và thầy cô, luôn chăm ngoan học giỏi, giữ gìn trái tim thiện lương, để có một tương lai tốt đẹp, lớn lên là người tài đức cho xã hội”.
Ban Mai