Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy cái gọi là “giáo dục song ngữ” ở khu tự trị Nội Mông đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên quy mô lớn của người Mông Cổ chống lại sự diệt chủng văn hóa của ĐCSTQ. Có tin đồn rằng, một lượng lớn xe bọc thép đã xuất hiện trên đường phố Nội Mông.
Ngày 1/9 là ngày bắt đầu học kỳ mùa thu của các trường tiểu học và trung học trên khắp Trung Quốc. Nhưng tại khu tự trị Nội Mông, những ngày gần đây một số lượng lớn học sinh Mông Cổ đã thông báo với nhà trường là sẽ không đến trường, để phản đối lại những cố gắng của ĐCSTQ trong việc thay thế tiếng Mông Cổ bằng tiếng Hán để giảng dạy.
Các video được cư dân mạng Trung Quốc tải lên trên các nền tảng mạng xã hội ở nước ngoài cho thấy lớp học và sân chơi ở rất nhiều trường học đều trống trơn, không có học sinh và giáo viên.
Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do (RFA), những người dân du mục ở Urad Middle Banner và Hure Banner, thành phố Tongliao, khu tự trị Nội Mông, nói với giới truyền thông rằng, phần lớn các bậc cha mẹ Mông Cổ ở địa phương từ chối cho con cái họ đến trường, như một biểu hiện để phản đối nỗ lực của chính phủ nhằm xóa bỏ ngôn ngữ và văn hóa Mông Cổ.
Tại các khu vực như Hinggan League và Ulanhot, chính quyền địa phương thậm chí còn điều động cảnh sát truy lùng các học sinh Mông Cổ, ép buộc chúng quay lại trường học.
Để buộc học sinh Mông Cổ trở lại trường học, nhiều vùng ở Nội Mông đã ra thông báo yêu cầu công chức phải đưa con em “quay lại trường” trước thời hạn quy định, nếu không sẽ bị phạt, thậm chí bị đuổi việc.
Trong một cuộc phỏng vấn với RFA, học giả người Mông Cổ Arica tiết lộ rằng, bắt đầu từ ngày 2/9, các tuyến đường cao tốc giữa một số quận ở Nội Mông sẽ bị phong tỏa, cắt đứt mối liên hệ giữa phụ huynh học sinh và giáo viên, trên WeChat, chỉ cần là nhóm có tên bằng tiếng Mông Cổ thì đều sẽ bị đóng.
Theo báo cáo, những người du mục Mông Cổ nói rằng những ngày gần đây, có rất nhiều xe bọc thép chở quân đội chạy trên đường phố. Chính phủ địa phương đã coi hành động biểu tình quy mô lớn của người dân là “do bị thế lực nước ngoài kích động”.
Trên trang mạng xã hội Twitter ở nước ngoài cũng lưu truyền một lượng lớn các video biểu tình của các học sinh tại các trường học Mông Cổ ở thành phố Hohhot, Ulan Hot, Tongliao, Chifeng, Hinggan League v.v. Ngoài ra còn có video về những chiếc xe bọc thép di chuyển không ngừng trong đêm trên một con đường nào đó ở Nội Mông.
On Aug. 31, military armored vehicles appeared on the streets of Inner Mongolia, amidst strong protests from Mongolian students and parents against the #CCP‘s policy to cancel Mongolian language instruction.#MongolianLanguage #InnerMongolia #culturalgenocide pic.twitter.com/6bqY5l2dqG
— Jennifer Zeng 曾錚 (@jenniferatntd) September 1, 2020
Kubis, một học giả người Mông Cổ sống ở Nhật Bản nói với RFA vào ngày 3/9 rằng, người Mông Cổ đã phát hiện ra một cuốn sách giáo khoa bằng tiếng Mông Cổ mới cho các trường học ở Mông Cổ. Các đoạn thơ văn về tình yêu quê hương, văn hóa Mông Cổ và tiếng mẹ đẻ của người Mông Cổ đã bị xóa đi, đồng thời chữ Hán đã được thêm vào.
Kubis cho biết: “Vào ngày 1/9, nhà trường đã phát hành sách giáo khoa. Các phụ huynh đã phát hiện ra một vấn đề, đó là ngoài môn ngữ văn dùng để dạy tiếng Trung ra, sách âm nhạc vốn là dùng tiếng Mông Cổ để dạy, giờ đều đã biến thành tiếng Trung Quốc. Nội dung của sách ngữ văn bằng tiếng Mông Cổ ở trường tiểu học và trung học đã bị thay đổi rất nhiều. Các ca từ về tình yêu văn hóa và quê hương Mông Cổ đều đã bị xóa.”
Hoạt động biểu tình của người dân Nội Mông nhằm bảo vệ văn hóa dân tộc đã thu hút rất nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Mông Cổ, quốc gia giáp với Nội Mông cũng đặc biệt lo ngại về vấn đề này.
Cách đây vài ngày, cựu Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj đã đưa ra một tuyên bố thông qua video rằng, đề nghị chính phủ Trung Quốc tôn trọng quyền lợi dân tộc của người Mông Cổ là được duy trì tiếng mẹ đẻ, đồng thời kêu gọi người Mông Cổ trên khắp thế giới ủng hộ họ. Ông nhấn mạnh, mất đi ngôn ngữ cũng giống như mất đi trí óc và đôi tay, không có tiếng Mông Cổ thì không thể nói đến dân tộc Mông Cổ nữa.
Minh Huy (Theo NTDTV)