Vào thời điểm diễn ra Hội nghị Trung ương 4, tin tức quân đội Trung Quốc gặp chuyện không may lại xuất hiện. Vào đầu tháng 10, trong lúc quân đoàn ở chiến khu 75 của Trung Quốc tiến hành diễn tập “Đột kích Hồng Kông” tại Hồ Nam đã xảy ra sự cố trực thăng đâm vào vách núi khiến 11 quân nhân tử vong, trong đó có 3 người vừa tham gia Đại lễ duyệt binh 1/10.
Trong phong trào biểu tình ở Hồng Kông kéo dài suốt 4 tháng qua, chính quyền Trung Quốc bị vạch trần việc âm thầm điều động quân cảnh đặc nhiệm đến Hồng Kông gieo rắc khủng bố đỏ. Giới quan sát lý giải việc Bắc Kinh không công khai điều quân trấn áp là vì còn kiêng dè các biện pháp chế tài quốc tế, cũng như lo lắng vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông bị ảnh hưởng sẽ tạo tác động xấu lên nền kinh tế Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc diễn tập “Đột kích Hồng Kông”, trực thăng đâm vào vách núi khiến 11 người tử vong
Theo tin tức từ Trung tâm Thông tin Dân chủ và Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông hôm 30/10, quân đoàn không kích 121, chiến khu 75, khu vực phía Nam của Trung Quốc vào tháng 10 đã tiến hành diễn tập quân sự “Đột kích Hồng Kông”. Theo đó, huyện Tự Phổ, tỉnh Hồ Nam được giả định là Hồng Kông, mục tiêu tấn công. Chiếc máy bay trực thăng không kích sẽ từ vị trí cách đó 800km ở thành phố Sùng Tả, Quảng Tây xuất phát hướng về phía mục tiêu đột kích.
Vào lúc 19h40 tối 11/10, trực thăng 8G tại huyện Tự Phổ đã đâm sầm vào vách núi tan nát, 11 quân nhân toàn bộ tử vong, bao gồm 3 sĩ quan và 8 binh sĩ. Trong đó 3 sĩ quan là Trung tá Ôn Vĩ Bân, Thiếu tá Cung Đại Xuyên, Trung úy La Vĩ đều vừa tham gia Đại lễ duyệt binh 1/10 tại Trung Quốc.
Nguồn tin từ truyền thông Đại lục cho biết, máy bay của quân đội Trung Quốc bất ngờ gặp tai nạn khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện bay, nguyên nhân do va chạm vào vách núi, số người tử vong cũng chỉ đề cập đến 3 sĩ quan nêu trên chứ không nhắc đến 8 quân nhân còn lại.
Đồng thời, thông tin cũng chỉ được đưa ra sau 12 ngày xảy ra vụ tai nạn, cũng chưa công bố loại máy bay gặp nạn cũng như nguyên nhân cụ thể gây sự cố.
Trung tâm Thông tin Dân chủ và Nhân quyền Trung Quốc cũng cho biết thêm, điểm bắt đầu và kết thúc cuộc không kích diễn tập đều là căn cứ của Quân đoàn không kích 121, cả hai đều cách Hồng Kông 700 km. Quân đội Trung Quốc còn có một quân đoàn không kích khác là Quân đoàn không kích 161 ở Trung bộ chiến khu 83, huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam.
Chiếc phi cơ gặp nạn lần này là trực thăng 8G 13 tấn, là phiên bản trực thăng quân dụng mới nhất, có thể vận chuyển được 30 quân nhân vũ trang, bay được 1.000 km, có thể cất cánh trong mọi điều kiện thời tiết và địa hình.
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin Dân chủ và Nhân quyền Trung Quốc, trong năm nay Trung Quốc đã phát sinh 3 sự cố máy bay quân đội. Sự cố đầu tiên vào ngày 26/4, trực thăng trong lúc diễn tập duyệt binh ở Bảo Định, Hà Bắc đã bị rơi khiến Thượng tá Tra Hiển Vĩ tử vong. Ông này từng tham gia Đại lễ duyệt binh 1/10 năm 1999 và 2009.
Ngày 13/5, trực thăng Mi-17 rơi tại Tần Lĩnh khiến 6 người tử vong, trong đó có một thượng tá và một trung tá. Chiếc trực thăng rơi khi đang tham dự khóa huấn luyện đặc biệt, nhằm tuần tra đảm bảo an toàn khu vực tiếp giáp Ấn Độ vào ngày 1/10.
Hai vụ tai nạn trong 10 ngày làm nổi rõ khuyết điểm của không quân Trung Quốc
Tờ SCMP cho biết, Trung Quốc nội trong 10 ngày đã phát sinh liên tiếp 2 sự cố rơi máy bay. Vụ đầu tiên là vụ máy bay đâm vào núi ở Hà Nam như đã thông tin phía trên. Tuy nhiên, thông tin từ tờ SCMP cũng chỉ cho biết có 3 sĩ quan tử vong mà không có thông tin cụ thể về hoạt động và nguyên nhân gây sự cố máy bay rơi, cũng như không có thông tin về 8 quân nhân cùng tử nạn.
Vụ rơi máy bay thứ hai phát sinh cách buổi diễn tập “Đột kích Hồng Kông” 8 ngày, chiến đấu cơ J-10 trong lúc diễn tập bay tầm thấp đã đâm vào núi, viên phi công may mắn thoát ra được.
Một nguồn tin cho biết: “Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy vụ tai nạn của chiến đấu cơ J-10 liên quan đến động cơ AL-31 của Nga thường được dùng trong loại máy bay này”.
Chuyên gia phân tích quân sự cho rằng Trung Quốc cần cải thiện độ bền của máy bay và năng lực huấn luyện. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Tống Trung Bình cho rằng vấn đề về hệ thống điều khiển hành trình bay và động cơ máy bay đều có thể gây ra sự cố chí mạng.
Hệ thống phóng tên lửa không gian Kuaizhou – 1A hoãn buổi phóng thử, truyền thông đưa tin buổi phóng thử thành công
Hôm 29/10, Tập đoàn Công nghiệp & Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC), cơ quan nghiên cứu chế tạo Hệ thống phóng tên lửa không gian Kuaizhou – 1A (KZ – 1A) bất ngờ tuyên bố hủy bỏ kế hoạch phóng vệ tinh tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Cam Túc. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc đã cho đăng bài viết thông báo buổi phóng thử nghiệm đã thành công tốt đẹp. Bài viết sau đó đã bị gỡ bỏ.
Bài viết trước khi bị xóa cho biết, CASIC đã chế tạo thành công hệ thống phóng tên lửa không gian, hay còn có tên gọi khác là tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn Kuaizhou – 1A và sẽ tổ chức phóng thử nghiệm vệ tinh Jilin 1 – 02A vào lúc 11h45 ngày 29/10.
Vào trước thời điểm phóng, thông tin trên Wechat của cơ quan này cho biết kế hoạch đã bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, truyền thông Cát Lâm trên kênh quốc tế tiếng Trung vẫn đăng thông tin cho biết vệ tinh đã thuận lợi tiến vào quỹ đạo định trước, “đất nước chúng tôi đã phóng vệ tinh Jilin 1 – 02A thành công tốt đẹp”. Đồng thời thông tin thiết kế và chi tiết của vệ tinh cũng được công bố.
Theo thông tin được công bố, Kuaizhou – 1A đã được ra mắt lần đầu tiên vào đầu năm 2017, chủ yếu để phóng các vệ tinh nhỏ có quỹ đạo thấp. Thiết kế tổng thể của tên lửa đã được xem xét vào ngày 29/7/2016 bởi Học viện Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ 4 (CASIC).
Theo các báo cáo từ đầu năm cho đến nay, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 16 hoạt động phóng hàng không vũ trụ, trong đó ngoài sự cố “bất thường” lần này, còn có 3 lần xác nhận thất bại.
Vào 20h03 ngày 19/8, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn Trường Chinh-3 được dùng để phóng vệ tinh Trung Tinh 18 (Zhongxing-18) vào không gian, hoạt động của vệ tinh có dấu hiệu bất thường.
Vào 6h49 ngày 23/5, tại Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn Trường Chinh-4 được dùng để phóng vệ tinh viễn thám Giao Cảm-33 (Yaogan-33) đã thất bại.
Vào ngày 27/3, tên lửa OneSpace mang theo vệ tinh quan sát trái đất Lingque-1B tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền đã phóng thất bại, do tên lửa cấp 1 và tên lửa cấp 2 không khống chế được sau khi tách rời.
Gian lận tại Thế vận hội quân sự, Tập Cận Bình chính thức chặn tin tức
Tân Hoa Xã hôm 29/10 đã đăng bài viết, Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 28/10 đã ký thông lệnh ngợi khen các vận động viên, huấn luyện viên đoàn đại biểu tham dự Thế vận hội quân sự được tổ chức tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Thế vận hội quân sự thế giới lần thứ 7 (CISM 7) diễn ra từ ngày 18-27/10 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. CISM 7 có sự tham gia của gần 10.000 vận động viên đến từ quân đội 140 quốc gia trên thế giới, tranh tài trong 27 nội dung.
Ở nội dung thi định hướng tầm trung, ban đầu các vận động viên quân đội Trung Quốc về đích ở vị trí thứ nhất, thứ nhì và thứ 4 trong phần thi dành cho nữ và thứ 2 trong phần thi dành cho nam. Một kết quả đáng kinh ngạc, Guardian cho biết.
Các đội tuyển Nga, Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Ba Lan và Áo sau đó đã khiếu nại đến ban tổ chức. Một bồi thẩm đoàn được lập ra để xác minh khiếu nại và quyết định hủy kết quả của đội Trung Quốc, đồng thời loại đội Trung Quốc khỏi cuộc đua định hướng đường dài, vì sự trợ giúp không hợp lệ của khán giả, các dấu hiệu và những con đường nhỏ được đánh dấu trước mà chỉ họ mới biết.
Đài Á Châu Tự do (RFA) cho biết ĐCSTQ lần đầu tiên chịu trách nhiệm tổ chức sự kiện thể thao quân sự quốc tế toàn diện này. Vào ngày 18/10, Tập Cận Bình đã đích thân tham dự lễ khai mạc. Phó đoàn thể thao quân sự Trung Quốc là Tào Bảo Dân, cũng là đại diện phát ngôn đã phát biểu trong buổi lễ khai mạc rằng Thế vận hội lần này có thể phản ánh mức độ huấn luyện quân sự của các quốc gia.
Bài viết của RFA cũng khẳng định Trung Quốc đã thật sự bị loại vì gian lận tập thể trong nội dung thi đấu xuyên quốc gia, điều này vô cùng xấu hổ đối với ĐCSTQ.
Trần Duy Kiện, tổng biên tập tờ báo Mùa xuân Bắc Kinh, sống ở New Zealand, nói rằng thể thao Trung Quốc luôn tìm cách gán ghép các môn thể thao quân sự với những cuộc diễn tập vũ trang nhằm vào mục đích chính trị. Điều này cũng phần nào thể hiện “Giấc mơ quân lực cường đại” của Tập Cận Bình. Thế nhưng, sự cố lần này đã thể hiện nhiều khiếm khuyết trong năng lực chiến đấu của quân Trung Quốc.
Các quan chức chính phủ bị nghiêm cấm đưa tin về vụ bê bối gian lận này trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Tin tức liên quan cũng không được đăng trên trang web chính thức của Thế vận hội quân sự ngoài bản tin của Tân Hoa Xã hôm 29/10 đề cập đến việc Tập Cận Bình đã ký thông lệnh khen ngợi đoàn đại biểu quân đội tham dự Thế vận hội quân sự.
Khải Hoàn (Theo Epoch Times)