Năm 2015 đánh dấu năm thứ 16 của cuộc phản kháng ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công trước cuộc bức hại tàn khốc ở Trung Quốc. Đây cũng là năm thứ 23 kể từ khi môn tu luyện thiền định Pháp Luân Công được hồng truyền trên thế giới.
Pháp Luân Công là môn tu luyện cổ xưa dạy người học hành xử theo Chân Thiện Nhẫn, nâng cao tố chất thân thể qua 5 bài công pháp. Được Sư phụ Lý truyền ra năm 1992 tại Trung Quốc, môn tập đã nhanh chóng lan rộng trong và ngoài nước với hơn 100 triệu người ưu chuộng trên hơn 140 quốc gia.
Vào ngày 20/7/1999 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc, tuy nhiên Pháp Luân Công đã không biến mất như lời nhà độc tài Giang Trach Dân tuyên bố. Thậm chí số người theo học không hề giảm sút, sức lan truyền càng mạnh mẽ hơn, tạo thành hiệu ứng toàn cầu bởi những giá trị phổ quát mà nó mang lại.
Năm 2015 có một số sự kiện quan trọng ghi dấu ấn về việc Pháp Luân Công phản bức hại. Hơn 200.000 học viên đệ đơn khởi kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kẻ chỉ đạo chiến dịch đàn áp. Phong trào kiện Giang Trạch Dân đã nhận được sự ủng hộ từ các chính trị gia và người dân địa phương khắp nơi trên thế giới.
Một bộ phim tài liệu mới điều tra về ngành công nghiệp thu hoạch tạng phi pháp tại Trung Quốc đã được trình chiếu rộng rãi ở nhiều quốc gia và nhận được nhiều giải thưởng. Đồng thời, số lượng người thoái ĐCSTQ cùng các tổ chức liên đới của nó đã đạt tới con số 200 triệu.
Bước tiến đáng chú ý trong cuộc phản bức hại ôn hòa nhận được sự ủng hộ của toàn thế giới
Có lẽ dấu ấn đáng khích lệ nhất trong năm qua chính là làn sóng khởi kiện Giang Trạch Dân. Từ tháng 5 năm 2015, hơn 200.000 học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc và nước ngoài đã đệ đơn kiện Giang. Mặc dù một số nguyên đơn khởi kiện bị chính quyền địa phương gây rối để trả đũa, hầu hết các đơn gởi đi đã được Tòa án và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thụ lý.
Cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà lãnh đạo của Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Úc, đã ca ngợi sự can đảm của những học viên gửi đơn kiện. Gần 400.000 người dân Đài Loan và 770.000 người dân tại bảy quốc gia Châu Á đã ký tên thỉnh nguyện kêu gọi luật pháp Trung Quốc đưa Giang Trạch Dân ra công lý.
Bất chấp cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn, luật sư nhân quyền và hàng nghìn người dân Trung Quốc vẫn lên tiếng ủng hộ việc khởi kiện này.
Ngoài ra, hàng nghìn tổ chức chính phủ các cấp từ California tới Toronto, từ Úc tới Châu Âu và các nơi khác, đã gửi lời chúc mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới lần thứ 16, ngày 13/5, ca ngợi Pháp Luân Công đã đem tới những ảnh hưởng tích cực cho xã hội các quốc gia của nhiều nền văn hóa khác nhau.
Vén tấm màn tội ác thu hoạch tạng
Trên bề mặt, sự chú ý của thế giới tập trung nhiều hơn tới nạn thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống mà nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
Bộ phim tài liệu “Thu hoạch nhân thể: Trung Quốc buôn bán nội tạng bất hợp pháp” đã phơi bày tội ác giết tù nhân theo nhu cầu ghép tạng, một tội ác mà các quan chức của ĐCSTQ lâu nay vẫn tìm mọi cách để che đậy và chối bỏ.
Bộ phim tài liệu đạt giải thưởng dài 25 phút được phát sóng lần đầu hồi tháng 4, vào khung giờ vàng trong chương trình thời sự quốc tế dài nhất của Úc. Sau đó, bộ phim được chiếu tại nhiều quốc gia, trong đó có Quốc hội Anh vào tháng 11.
Sau khi trình chiếu, hàng loạt câu chuyện liên quan được đăng trên các kênh truyền thông đã thu hút sự chú ý của dư luận và dấy lên làn sóng thỉnh nguyện lên án tội ác. Thậm chí tại Trung Quốc, hàng chục nghìn công dân đã lên tiếng phản đối nạn mổ cướp nội tạng, họ gọi nó là “kinh khủng hơn cả chủ nghĩa Phát-xít”.
Phong trào thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
Năm 2015 số lượng người thoái ĐCSTQ và các tổ chức của nó đã lên tới 220 triệu. Phong trào này bắt đầu sau khi cuốn “Chín lời bình luận về Đảng Cộng sản” (cửu bình) xuất bản vào năm 2004.
Bảy năm sau, số lượng thoái ĐCSTQ đã lên đến 100 triệu người; và chỉ ba năm rưỡi tiếp theo đã tăng thêm 100 triệu người nữa. Con số này hiện đang tăng lên gần 100.000 người mỗi ngày.
Một điều đáng nói là trong năm 2015, trang web Minh Huệ đã đăng gần 300 trường hợp các quan chức trong chính phủ và ngành pháp lý được cho là bị gặp quả báo vì đã tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công. Chứng kiến số phận của những người này, nhiều quan chức đã ngừng tham gia truy bắt, giam giữ và tra tấn các học viên; một số người đã quyết định thoái ĐCSTQ.
Bức hại vẫn tiếp diễn
Khoảng 140 học viên bị mất mạng năm 2015 có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới việc bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ.
Cuộc bức hại còn mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc. Một trường hợp thu hút sự chú ý của đông đảo các hãng truyền thông là Hoa hậu Thế giới Canada, cô Anastasia Lin, bị từ chối thư mời và visa nhập cảnh vào Trung Quốc để tham dự vòng chung kết Hoa Hậu Thế giới vào tháng 12.
Cô Lin bị cấm không được vào Trung Quốc bởi vì cô là một học viên Pháp Luân Công và đã lên tiếng để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại và các vi phạm nhân quyền khác tại Trung Quốc.
Mặc dù vậy, bên ngoài Trung Quốc, cô Lin lại được rất nhiều người ủng hộ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada, bà Amy Mills, cho biết: “Canada hoan nghênh cô Lin vì những nỗ lực nâng cao nhận thức về vấn đề này”. Đồng thời, bà còn đại diện cho chính phủ Canada bày tỏ quan ngại về việc chính phủ Trung Quốc quấy nhiễu gia đình cô Lin ở Trung Quốc.
Thời báo New York Times nhận định: “Cuộc đụng độ của cô với chính phủ Trung Quốc (ví như cuộc đụng độ giữa David và Goliath) đã thu hút được sự ủng hộ của giới truyền thông và rất nhiều người ủng hộ trên toàn thế giới, giúp cô có cơ hội lớn hơn để lên tiếng về việc các học viên Pháp Luân Công bị bắt giam và tra tấn ở Trung Quốc“.
Ảnh hưởng tích cực tới xã hội
Đây là năm thứ 10 Nghệ thuật Thần Vận đưa văn hóa Trung Hoa chính thống tới khán giả ở năm châu lục. Riêng tại Châu Âu, đoàn múa Trung Quốc cổ điển này đã diễn 42 chương trình tại 12 quốc gia.
Ông Henri Malosse, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Âu cho biết: “Thật xúc động khi tìm về cội nguồn và cội nguồn văn hóa truyền thống của chính mình. Đây là màn biểu diễn rất thú vị bởi nó giúp bạn hiểu về truyền thống Trung Hoa từ 5000 năm trước cho tới nay. Với những người có cùng quan điểm như tôi, đó là lý do tham dự buổi biểu diễn hôm nay”.
Dàn nhạc giao hưởng Thần Vận được nhận những tràng pháo tay vang dội từ khán giả và được yêu cầu chơi lại khi buổi hòa nhạc kết thúc trong chương trình diễn tháng 10. Thần Vận đã có mặt tại Châu Mỹ Latinh với 23 buổi biểu diễn tác phẩm múa mới là Tôn Ngộ Không.
Ông Kerry Stratton, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Toronto kiêm người dẫn chương trình phát thanh nói: “Để phối ra được âm hưởng ấy – cái âm hưởng rất cổ điển cùng với âm thanh giao hưởng hiện đại của phương Tây – là một thách thức mà đoàn nhạc đã làm chủ được và thể hiện rất xuất sắc… Thực sự là một trải nghiệm mới. Thần Vận nên diễn xuất nhiều hơn nữa”.
Trong khi những màn biểu diễn đẳng cấp quốc tế của Thần Vận khiến khán giả kinh ngạc, sự tham gia của các học viên Pháp Luân Đại Pháp vào các sự kiện cộng đồng địa phương cũng được chào đón nồng nhiệt.
“Chân – Thiện – Nhẫn là nguyên lý dành cho tất cả mọi người. Nếu mỗi người đều có thể tuân theo nguyên lý này, điều gì ở quốc gia nào cũng sẽ tốt đẹp hơn” một khán giả tham gia buổi diễu hành ngày Quốc khánh Canada 1 tháng 7 năm 2015 tại Toronto cho biết.
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp chia sẻ mang niềm vui tới công chúng tại các buổi diễu hành, hội chợ sức khỏe và các sự kiện khác từ Lễ diễu hành ngày Thánh Patrick vào tháng 3 tới Lễ diễu hành ông già Noel Santa Claus vào tháng 12, từ sự kiện chào mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp thế giới tới tham gia vào các lễ hội của cộng đồng vào ngày Quốc khánh của Mỹ.
Tâm tính và sức khỏe của các học viên liên tục đề cao
Tại các cuộc giao lưu cấp khu vực và Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm quốc tế ở New York vào tháng 5 và Los Angeles vào tháng 10, mỗi sự kiện có sự tham gia của hàng nghìn học viên. Họ chia sẻ thể ngộ về việc làm thế nào đồng hóa hơn nữa với nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn và trở thành người tốt hơn.
Đặc biệt, Pháp Hội Trung Quốc trực tuyến thường niên trên trang web Minh Huệ đã giúp các học viên ở Trung Quốc Đại lục và trên toàn thế giới có cơ hội chia sẻ những chủ đề này.
Cô Annie, một học viên ngoài Trung Quốc, cho biết cô thường khóc khi đọc những bài chia sẻ này. Cô nói: “Điều khiến tôi cảm động nhất là bài viết của một học viên đã bỏ ra nhiều nỗ lực để học thuộc cuốn sách Chuyển Pháp Luân trong suốt hơn 11 năm qua. Sức khỏe của cô ấy cải thiện qua từng năm và cô đã có thể nhận ra và loại bỏ nhiều quan niệm người thường”.
Trong khi cuộc đàn áp tại Trung Quốc khiến nhiều con của các học viên bơ vơ, không nơi nương tựa, tiểu đệ tử ở bên ngoài Trung Quốc lại có cơ hội liên tục được học hỏi lẫn nhau và đề cao trong tu luyện như các đồng tu lớn tuổi thông qua hàng loạt trại hè tổ chức khắp thế giới, từ New Jersey tới San Diego, từ Pháp tới Đài Loan.
Các học viên cũng tổ chức chương trình “Đạp xe vì tự do” (Ride to Freedom), với hành trình 4.800km trên khắp nước Mỹ nhằm nâng cao nhận thức và cứu năm trẻ em mồ côi vì cuộc bức hại ở Trung Quốc.
“Tôi rất tiếc vì những gì đã xảy ra với các bạn, tôi ngưỡng mộ lòng can đảm và sự kiên định của các bạn”, Glen ở Wisconsin nói với những học viên trẻ tuổi tham gia chương trình “Đạp xe vì tự do”. Ông cho biết những gì học viên đã phải chịu đựng sẽ không vô ích; thay vào đó, sự hy sinh của họ sẽ đem tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Cuối cùng không kém phần quan trọng là sự kiện Nhà sách Thiên Thê mở một chi nhánh mới tại Seoul nhằm giúp mọi người dễ dàng tiếp cận sách Pháp Luân Đại Pháp và các tài liệu hướng dẫn, học thiền định.
Cô Holly đã tham gia lớp học chín ngày tại nhà sách Thiên thê ở Manhattan vào tháng 3 nói với nhóm rằng cô từng theo các môn thiền khác trước đây nhưng tâm chưa bao giờ đạt được trạng thái tĩnh tại như khi tập Pháp Luân Đại Pháp.
Theo vn.minghui.org