Hệ thống y tế Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ sụp đổ do số bệnh nhân tại các bệnh viện nước này đang ngày càng gia tăng trong lúc Tokyo phải chật vật đối phó dịch bệnh Vũ Hán và hệ thống cấp cứu y tế đang phải oằn mình vì quá tải, theo The Straits Times.
Tình trạng đáng báo động
Khi đại dịch Vũ Hán mới bùng phát, Nhật Bản có vẻ kiểm soát được dịch bệnh sau khi khoanh vùng các ổ dịch cụ thể, nhưng sau đó tốc độ lây lan của virus Vũ Hán tiếp tục gia tăng khiến các bệnh viện và phòng khám ở nước này trở nên quá tải. Tốc độ lây lan của virus đã nhanh hơn và Nhật Bản đã không thể lần theo dấu vết của hầu hết các ca nhiễm mới.
Hôm 18/4 tờ Independent UK đưa tin một xe cấp cứu chở một bệnh nhân nam với triệu chứng ho và khó thở đã bị 80 bệnh viện từ chối tiếp nhận và buộc phải tìm kiếm hàng giờ mới đến được một bệnh viện ở ngoại ô Tokyo để chữa trị. Một bệnh nhân sốt khác cuối cùng cũng đến được một bệnh viện sau khi các y tá tiếp cận bất thành với 40 phòng khám.
Hiệp hội y học cấp tính và Hiệp hội cấp cứu Nhật Bản cho biết nhiều phòng cấp cứu tại các bệnh viện ở nước này đang từ chối điều trị cho nhiều bệnh nhân, kể cả những người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các chấn thương bên ngoài khác. Nguyên nhân là các bệnh viện giờ đây phải tập trung cho các trường hợp nhiễm virus Vũ Hán đang có nguy cơ lan rộng.
Cô Ayako Kajiwara, y tá trưởng tại một bệnh viện ở tỉnh Saitama, lo sợ hệ thống y tế đất nước sẽ không chịu nổi áp lực từ đại dịch Vũ Hán.
Việc các bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân đang dồn gánh nặng quá sức lên các trung tâm cấp cứu, vốn có số lượng hạn chế tại Nhật Bản. Hiệp hội Y học Cấp tính và Tổ chức Y học Cấp cứu Nhật Bản cảnh báo “tình trạng sụp đổ của hệ thống cấp cứu đang diễn ra sẽ mở đường cho sự sụp đổ toàn bộ hệ thống y tế.”
Bệnh viện thiếu thốn vật tư y tế
Theo người đứng đầu Hiệp hội y khoa Nhật Bản Yoshitake Yokokura, việc nhiều bệnh viện thiếu giường bệnh, nhân viên và trang thiết bị y tế như áo bảo hộ, khẩu trang trong bối cảnh số ca nhiễm virus Vũ Hán bùng phát làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế và khiến công tác cứu chữa bệnh nhân càng thêm khó khăn.
Nhiều ổ dịch đã hình thành trong bệnh viện. Các nhân viên y tế phải tái sử dụng khẩu trang N95 và tự trang bị khẩu trang. Thị trưởng thành phố Osaka Ichiro Matsui hôm 14/4 đã phải phát đi lời kêu gọi khẩn thiết vận động người dân quyên góp áo mưa cho các bệnh viện làm đồ bảo hộ (PPE), vốn đang trong tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ cho đội ngũ y tế điều trị các bệnh nhân nhiễm dịch Vũ Hán.
Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố chính phủ sẽ đảm bảo 15.000 máy thở mới và nhận được sự cam kết của các tập đoàn cung ứng máy thở nhiều hơn nữa. Ông cũng kêu gọi các nhà máy trong nước tăng cường sản xuất khẩu trang, áo bảo hộ, máy thở và các trang thiết bị y tế. Trước khi dịch bùng phát, Nhật Bản chỉ có 22.000 máy thở, trong đó 40% đã qua sử dụng tính đến cuối tháng 2/2020.
Đặc biệt, Nhật Bản cũng đang thiếu các phòng chăm sóc y tế tích cực (ICU) ở các bệnh viện, với chỉ có 5 phòng trên 100.000 dân, so với Đức (khoảng 30 ICU), Mỹ (35 ICU) và Italy (12 ICU). Theo ông Osamu Nishida, người đứng đầu Hiệp hội y học chuyên sâu Nhật Bản, thiếu ICU là nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ tử vong tại nước này lên tới 10%, so với 1% ở Đức.
Ngoài ra, Nhật Bản đến nay chỉ xét nghiệm cho khoảng 90.000 người trên tổng số 126 triệu dân. Trong khi Hàn Quốc với số dân 51 triệu người đã xét nghiệm cho hơn 513.000 trường hợp. Phương thức của Nhật Bản là chỉ xét nghiệm cho những bệnh nhân cần sự chú ý đặc biệt nhằm tránh quá tải của bệnh viện. Thế nên, theo người phát ngôn Bộ Y tế Nhật Bản, dù nước này có khả năng xét nghiệm 12.000 ca/ngày nhưng chỉ tiến hành xét nghiệm từ 6.000-7.000 ca/ngày.
Hơn 400.000 người Nhật có thể tử vong
Một tuyên bố từ một nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra hôm 15/4 cho biết nước này có thể ghi nhận 420.000 ca tử vong do dịch Vũ Hán nếu buông lỏng cách đối phó hoặc thiếu máy thở. Nhóm này cũng ước tính các ca nhiễm nghiêm trọng cần can thiệp của máy thở có thể lên tới 850.000 người. Cho đến nay, số người nhiễm và tử vong dịch Vũ Hán tại xứ mặt trời mọc chưa thể so sánh với các nước ở đỉnh dịch như Mỹ và châu Âu, nhưng có những quan ngại điều tồi tệ nhất và khôn lường có thể xảy ra ở đất nước phù tang.
Do xét nghiệm hạn chế nên các chuyên gia cho rằng tỷ lệ nhiễm virus Vũ Hán tại Nhật Bản có thể cao hơn nhiều so với con số chính thức. Từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên hồi tháng 2, hệ thống y tế Nhật Bản chỉ tập trung xét nghiệm các ổ dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc ngăn chặn kịp thời và “truy dấu” các ổ dịch tại các thành phố lớn và đông đúc như Nhật Bản là quá khó khăn do có rất nhiều đường lây nhiễm.
Thủ tướng Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc sau khi chỉ ban hành lệnh cách ly ở 7 khu vực. Ông Abe hy vọng với sự hợp tác của tất cả các địa phương, Nhật Bản sẽ có nhiều trung tâm xét nghiệm cần thiết. Thay vì chỉ sử dụng bác sĩ chuyên khoa xét nghiệm ngay tại các bệnh viện, chính phủ Nhật Bản cũng đang huy động các bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình chỉ định lấy mẫu xét nghiệm cơ động. Thay vì tự cách ly tại các khách sạn hay tại nhà, những người nhiễm bệnh với triệu chứng nhẹ giờ đây cũng bắt đầu buộc phải nhập viện.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn của Nhật Bản là chính sách giãn cách xã hội không được thực thi trên thực tế. Bất chấp những lời kêu gọi “ở nhà” và làm việc từ xa của chính phủ, nhiều người dân xứ hoa anh đào vẫn sử dụng các phương tiện công cộng đông đúc để đi làm việc, điển hình nhất là Tokyo.
Dịch Vũ Hán đã xuất hiện ở 210 quốc gia vùng lãnh sau khi bùng phát lần đầu tiên tại tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái. Tính đến sáng 20/4, toàn thế giới có 2.402.980 ca dương tính với virus Vũ Hán, tổng số ca tử vong là 165.641 ca. Nhật Bản hiện ghi nhận 10.797 ca nhiễm, trong đó có 236 ca tử vong.
Thiện Thành (t/h)