Hôm 17/3, truyền hình nhà nước Iran đã đưa ra cảnh báo: dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) có thể gây ra hàng triệu ca tử vong nếu công chúng nước cộng hòa Hồi giáo này vẫn tiếp tục đi lại và phớt lờ các hướng dẫn y tế, theo The New York Times.
“Nếu người dân không tuân theo bất cứ hướng dẫn y tế nào, dịch bệnh sẽ đánh sập hệ thống y tế vốn đã quá tải của Iran. Nếu hệ thống y tế tê liệt, sẽ có 4 triệu ca nhiễm dịch Vũ Hán và 3,5 triệu người tử vong”, bác sĩ Afruz Eslami phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran hôm 17/3, dẫn nghiên cứu của Đại học Công nghệ Sharif danh tiếng.
Sau khi công bố cảnh báo mới trên, bác sĩ Afruz Eslami cũng nêu ra 3 viễn cảnh: Nếu mọi người dân đều hợp tác ngay từ bây giờ, Iran sẽ chứng kiến khoảng 120.000 ca nhiễm và 12.000 ca tử vong trước khi dịch bệnh kết thúc; nếu người dân hợp tác ở mức trung bình, 300.000 người sẽ nhiễm bệnh và 110.000 trường hợp tử vong.
Nhưng nếu mọi người không tuân theo bất kỳ hướng dẫn y tế nào, dịch bệnh này có thể đánh sập hệ thống y tế vốn đã căng thẳng của Iran, cô Eslami nói. “Nếu các cơ sở y tế của thành phố không đủ, sẽ có đến 4 triệu ca nhiễm và 3,5 triệu người sẽ chết.”
Hầu hết những người nhiễm bệnh chỉ trải qua các triệu chứng nhẹ hoặc vừa phải, chẳng hạn như sốt, ho, và hồi phục sau vài tuần. Nhưng virus corona lại rất dễ lây lan và có thể lây từ những người không có biểu hiện triệu chứng nhiễm bệnh rõ ràng. Đối với một số người, đặc biệt là người lớn tuổi và những người vốn đã có vấn đề về sức khỏe, virus có thể khiến họ mắc bệnh nặng hơn, bao gồm bệnh viêm phổi thông thường.
Cô Eslami không nêu chi tiết số liệu mà nghiên cứu đã sử dụng, nhưng báo cáo của cô được phát trên phương tiện truyền thông đã cho thấy sự thay đổi lớn đối với một quốc gia có quan chức nhiều lần phủ nhận mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Iran hiện đang là quốc gia bị dịch Vũ Hán hoành hành nặng nề nhất ở khu vực Trung Đông, với số bệnh nhân tử vong trong ngày 17/3 tăng 13%. Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết, chỉ trong ngày 17/3, virus corona chủng mới đã cướp đi thêm 135 mạng sống, nâng tổng số người tử vong lên 988, hơn 16.000 bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Theo thống kê, 90% trong số 18.000 ca nhiễm bệnh trên toàn Trung Đông là từ Iran.
Nhiều chuyên gia cho rằng, dịch viêm phổi Vũ Hán đã âm thầm lây lan tại Iran từ đầu tháng 2 và bùng phát mạnh mẽ khi người dân nước này đổ ra đường để kỷ niệm 41 năm ngày Cách mạng Hồi giáo thành công. Ngay sau đó, Iran lại tổ chức bầu cử quốc hội và hàng triệu người đã đi bỏ phiếu, bất chấp một số ca nhiễm virus corona đã được phát hiện từ trước đó.
Mặc dù là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh nhưng cho đến nay, Iran vẫn chưa chế tạo thành công bộ dụng cụ xét nghiệm dịch Covid-19. Gần như toàn bộ dụng cụ xét nghiệm dịch tại Iran đều do nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Hôm 17/3, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã ban hành sắc lệnh tôn giáo cấm đi lại “không cần thiết” sau khi công chúng nhiều lần phớt lờ những cảnh báo và yêu cầu của lực lượng an ninh. Bộ Tư pháp Iran cho biết họ sẽ tạm thời thả khoảng 85.000 tù nhân, bao gồm cả tù nhân chính trị, để đối phó với đại dịch.
Trước đó, Giáo chủ Khamenei cũng đã ra lệnh cho các lực lượng quân đội tham gia vào cuộc chiến chống dịch virus corona chủng mới. Theo đó, quân đội sẽ được triển khai để hạn chế sự hiện diện của người dân trên đường phố, tại các cửa hàng và trên các con đường của đất nước. Quyết định này là do chính quyền đưa ra nhằm kiểm soát tình hình lây lan dịch Vũ Hán trên khắp cả nước, nhất là gần đến kỳ nghỉ đón năm mới của Iran, bắt đầu từ ngày 20/3 và sẽ kéo dài trong vòng hai tuần.
Thiện Thành (t/h)