‘Người thổi sáo thành Hamelin’ (Pied Piper of Hamelin) có lẽ đã rất quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, dường như rất ít người biết câu chuyện dựa trên sự kiện có thật và dần được phát triển thành cổ tích để hù dọa trẻ em.
Câu chuyện kể về thị trấn Hamelin ở Lower Saxony, Đức năm 1284. Thị trấn phải đối mặt với nạn tàn phá của chuột, và rồi một người thổi sáo mặc chiếc áo khoác sặc sỡ xuất hiện. Người thổi sáo cam kết quét sạch lũ chuột để đổi lấy một khoản tiền công. Người dân thị trấn chấp nhận. Mặc dù người thổi sáo đã diệt được lũ chuột và đuổi chúng đi bằng âm nhạc của mình nhưng dân làng không tuân thủ giao kèo. Ông tức giận bỏ đi kèm theo một lời thề trả thù. Ngày 26/7 năm đó, người thổi sáo quay trở lại và dẫn toàn bộ trẻ em trong vùng đi theo ông, từ đó không ai còn thấy chúng một lần nào nữa như cách mà ông đã làm với lũ chuột. Tuy nhiên, vẫn còn lại một hoặc ba đứa trẻ (tùy phiên bản) bị khuyết tật nên không thể theo kịp đoàn người.
Bản thảo đầu tiên của câu chuyện xuất hiện tại chính thị trấn Hamelin, nó mô tả về những cửa kính màu nhà thờ của thị trấn trong thời gian khoảng năm 1300. Mặc dù bản ghi chép đã bị phá hủy vào năm 1600 nhưng vẫn còn một số bản viết tay tồn tại. Lâu đời nhất có thể kể đến bản thảo Lueneburg (1440 – 1450), trong đó viết: “Lễ thánh John và Paul, ngày 26 tháng 6 năm 1284, 130 đứa trẻ sinh ra ở Hamelin đã bị một người thổi sáo mặc quần sáo sặc sỡ dụ dỗ và mất tích phía gần đồi”.
Ngày nay, người ta gọi con đường được cho nơi cuối cùng nhìn thấy bọn trẻ là Bungelosenstrasse (Con đường không tiếng trống) bởi không ai được phép chơi nhạc hay nhảy múa tại đó. Người ta cũng nói rằng lũ chuột đã biến mất trong những bản thảo trước đó và chỉ xuất hiện trở lại vào khoảng giữa TK 16.
Nếu sự biến mất của trẻ em không phải là một hành động trả thù thì lý do là gì? Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cho điều đã xảy ra đối với bọn trẻ ở thành Hamelin. Ví dụ, một giả thuyết cho rằng những đứa trẻ đã thiệt mạng vì một số nguyên nhân tự nhiên và người thổi sáo là hiện thân của cái chết. Bằng cách liên kết lũ chuột với Cái chết Đen (Black Death), trẻ em có thể là những nạn nhân của dịch bệnh này. Tuy nhiên, Cái chết Đen là trận đại dịch nghiêm trọng nhất châu Âu xảy ra từ năm 1348 – 1350, hơn một nửa thế kỷ sau sự kiện ở thị trấn Hamelin. Một giả thuyết khác suy đoán, trẻ em có khả năng đã được cha mẹ gửi đến nơi khác do nghèo túng. Tuy nhiên, có người phỏng đoán bọn trẻ đã tham gia vào “Cuộc thập tự chinh Trẻ em”.
Các ghi chép lịch sử cho thấy câu chuyện ‘Người thổi sáo thành Hamelin’ là một sự kiện thực tế từng xảy ra. Tuy nhiên, qua nhiều thế kỷ, câu chuyện được lưu truyền và ở mức độ nào đó đã bị thay đổi, cũng như những bí ẩn xung quanh việc thực sự đã xảy ra với bọn trẻ cũng chưa được lý giải.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Ancient Origins