Tinh Hoa

Đi chùa lễ Phật cầu xin liệu có ứng nghiệm?

Xưa nay, đi chùa lễ Phật theo cách hiểu thông thường của con người chỉ là cầu mong sức khỏe, tiền tài, danh vọng và mong muốn người thân được bình an. Nhưng như vậy liệu có phải là thể hiện sự kính ngưỡng đối với Thần Phật hay không? Câu chuyện cổ dưới đây là một lời nhắc nhở ý nghĩa đối với con người thế gian.

Người đi chùa lễ Phật để bày tỏ lòng thành kính đối với Đức Chí Tôn, còn may mắn hay không là do đức và nghiệp cá nhân tạo thành chứ không nhờ bái lạy cầu xin Phật mà có.

Tại tỉnh Sơn Đông vào triều Thanh tọa lạc một ngôi chùa to, đẹp và được dân làng cho là rất linh. Cứ đến rằm và mùng một, người người nô nức rủ nhau đi lễ chùa để cầu xin được điều này, thứ kia. Gần chùa là một chiếc quán nhỏ, chủ quán người từ nơi khác đến để kiếm kế sinh nhai, bán đồ cúng lễ cho khách thập phương tới chùa. Là người thiện tâm, xởi lởi, nên chủ quán luôn tặng kèm một cốc nước cho người đi lễ chùa để họ giải cơn khát sau khi đã chen lấn nhau vào chùa bái lạy. Đồ cúng lễ ở đây đơn giản, một ít hoa tươi và hương, giá bán phải chăng nên rất đông người tới mua. Chủ quán là người tốt bụng, ai không may tới muộn mà chẳng đủ tiền trọ, cũng đồng ý cho ngủ nhờ trong góc quán chờ sáng rồi lên đường về quê.

Một ngày nọ cũng như mọi ngày mùng một khác, khách nườm nượp kéo nhau tới chùa lễ bái, chủ quán đông khách vẫn tươi cười bán hàng và mời nước miễn phí. Có một người khách vào quán, ngồi đó nhưng không nói mua gì. Chủ quán thấy vậy bèn tới gần và mời ly nước mát rồi hỏi han xem người này có cần mua hoa hương vào lễ chùa hay không. Khách mỉm cười lắc đầu và bảo chỉ muốn ngồi nghỉ nhờ rồi đi. Chủ quán vui vẻ mời khách ngồi rồi lại ra bán hàng tiếp.

Chẳng mấy chốc đã xế chiều, người người tới lễ chùa lục tục kéo nhau ra về, chủ quán quay ra dọn dẹp thì thấy vị khách kia vẫn ngồi trầm ngâm ở bàn. Chủ quán bèn tới gần và hỏi có giúp được gì không, có cần uống nước không và hỏi “Ông tới đây từ sáng, sao không tranh thủ vào lễ chùa?”

Khách hỏi lại: “Những người kéo nhau tới chùa đông như thế để làm gì vậy?”

Chủ quán đáp: “Họ cầu tiền tài, danh vọng, sức khỏe và may mắn thôi, họ đều cầu như vậy”.

Khách mỉm cười: “Tất cả vào chùa lễ Phật và cầu đều được ứng hay sao?”

Chủ quán lắc đầu: “Tôi cũng không rõ, theo ông thì sao?”

Vị khách thủng thẳng đáp:

“Tới chùa lễ Phật thể hiện lòng tôn kính với Đấng Chí Tôn là lẽ thường tình mà con người nên làm. Nhưng đến chùa chỉ chăm chăm cầu khấn, cúng bái và nghĩ rằng làm như vậy sẽ được giàu có, nổi danh hay may mắn khỏi bệnh thì không phải rồi.

Con người sướng khổ, giàu nghèo, gặp vận may hay vận rủi đều do đức và nghiệp của họ tạo thành, không ai có thể can thiệp, đó là luật nhân quả bất di bất dịch. Chưa nói khi vào chùa lễ bái, hành vi của họ ra sao. Nếu họ vào nơi tôn nghiêm như thế mà chen lấn xô đẩy hay thậm chí mạ lị người khác chỉ vì chút va chạm, giành giật chỗ đẹp để bái Phật cầu xin, thì càng không được chứng”.

Chủ quán nghe thấy vật quả có lý, bèn hỏi khách: “Vậy ông tới đây làm gì?”

Khách mỉm cười: “Tôi tới để xem thế gian nhiễu nhương thế nào. Cám ơn ông đã cho tá túc cả ngày nay mà không lấy đồng nào. Một việc nhỏ như vậy có ý nghĩa gấp nhiều lần vào chùa bái lạy và cầu xin. Lần sau nếu gặp người đi lễ chùa, muốn giúp họ nhiều hơn là tặng ly nước mát, ông hãy nói với họ như vậy”.

Chủ quán nghe vậy chưa kịp đáp lại đã thấy khách ở tít xa xa rồi mất hút, quanh đâu đây thoang thoảng mùi hương thơm tuyệt diệu. Chủ quán làm theo lời của khách mà ông đoán chính là Đức Phật hiển linh để răn dạy con người. Nhiều người nghe đều cảm tạ, còn chủ quán vẫn bình yên, vui vẻ và khỏe mạnh, sống lâu cho tới cuối đời bên chiếc quán đơn sơ nhưng luôn là mái ấm che chở cho những người cần trợ giúp.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng, lễ Phật cốt ở tấm lòng, và vận mệnh của một người không thể thay đổi nhờ cầu xin hay khấn bái. Con người nếu sống tốt, tích đức ắt sẽ được phúc báo, còn không, có bái lạy mãi cũng chẳng ích gì.

Theo minhbao.net