Tinh Hoa

“Đêm đen tháng Sáu”: Bộ phim tái hiện những thời khắc kinh hoàng trong cuộc thảm sát Thiên An Môn

Ngay sau khi tiến vào Quảng trường Thiên An Môn, lực lượng vũ trang Trung Quốc liền xả súng hàng loạt vào đám đông người biểu tình mà chủ yếu là học sinh, sinh viên trẻ tuổi. Người chết, người bị thương nhiều không đếm xuể, cảnh tượng về tội ác kinh hoàng ấy đã được một nhà báo người Canada ghi lại và lần đầu công bố sau 30 năm…

Quân đội Trung Quốc đàn áp đẫm máu người dân ngay tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh vào sáng 4/6/1989 (Ảnh qua Twitter)

Thời khắc kinh hoàng cuộc thảm sát Thiên An Môn

Tháng 5/1989, nhà báo kỳ cựu người Canada Arthur Kent kết thúc nhiệm vụ trong một cuộc chiến ở Afghanistan sau đó chuyển đến Bắc Kinh. Ông không ngờ rằng đây chính là nơi mình sẽ ghi lại một trong những sự kiện lịch sử thảm khốc nhất mà ông từng chứng kiến.

Đó chính là cuộc thảm sát đẫm máu trên quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh xảy ra vào rạng sáng ngày 4/6/1989. Theo những tiết lộ gần đây trong hồ sơ mật của Nhà Trắng, cuộc thảm sát đã cướp đi sinh mạng của 10.454 người, tổng số thương vong lên đến 40.000 người chỉ trong vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi.

Ông Arthur khi ấy là một trong những phóng viên nước ngoài đưa tin về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989, cũng như cuộc đàn áp đẫm máu này. Trong một cuộc phỏng vấn ông chia sẻ: “Tôi rất sốc và thất vọng khi thấy thiết quân luật biến thành một cuộc đàn áp tàn bạo. Cũng như các nhà báo khác, tôi đã sẵn sàng đưa tin về vụ thảm sát, và chúng tôi đã cố gắng hết sức để làm tốt nhất có thể”.

Đêm đen tháng Sáu’: Bộ phim tài liệu chân thực về cuộc Thảm sát Thiên An Môn

Giờ đây, nhân kỷ niệm 30 năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát, ông đã lần đầu tiên công bố bộ phim tài liệu ngắn có tựa đề “Black Night In June” (Đêm đen tháng Sáu) do chính ông tìm tòi, thu thập và ghi lại từ 30 năm trước.

“Nhiều người đã hỏi tôi tình hình lúc đó như thế nào, chuyện gì đã xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn? Vì thế tôi quyết định sẽ cho mọi người thấy cảnh tượng ngày hôm đó”, ông chia sẻ thêm.

Những cảnh tượng nói lên mức độ tàn khốc của cuộc thảm sát

Bộ phim khắc họa cảnh tượng lực lượng vũ trang di chuyển dọc Đại lộ Trường An về phía Quảng trường Thiên An Môn, sau đó xả súng vào đám đông người biểu tình mà trong đó chủ yếu là học sinh sinh viên trẻ.

Những người biểu tình phản ứng lại bằng cách hô lớn: “Tiến lên! Tiến lên!” đồng thời ném đồ vật vào những người lính và cố gắng chặn đường họ. “Bạn có thể cảm nhận bản năng chống trả này trong tất cả những người biểu tình ngày hôm ấy”, ông Arthur nói trong bộ phim.

Một lúc sau, quân đội cuối cùng đã vượt qua các “chướng ngại vật”. Trong một cảnh phim, những người biểu tình buộc một chiếc xe tăng dừng lại, và một trong những người chặn chiếc xe tăng đã bị bắt và đánh đập khi đang cố chạy thoát; từ trong đám đông nổi lên những tiếng la hét yêu cầu họ dừng hành động đánh đập lại.

Bộ phim cũng miêu tả sống động hình ảnh những “cáng cứu thương” bằng vải, bằng lưng, bằng cánh tay 4 người khiêng những xác người máu me đầm đìa do đạn “giải phóng quân” bắn, hoặc do xe tăng cán lên người…

Những sinh viên trẻ nỗ lực tìm cách đưa một người bạn bị trọng thương, mình bê bết máu đi cấp cứu. (Ảnh qua The Epoch Times)

Những cảnh tượng đó đã đủ nói lên mức độ tàn khốc của cuộc thảm sát mà chính quyền Trung Quốc nhắm vào chính người dân của mình, những cô cậu học sinh sinh viên đôi mươi tay không tấc sắt. Nhưng trên hết, nó cho người ta sống lại khung cảnh 30 năm trước khi niềm khao khát về tự do và dân chủ của tầng lớp sinh viên trí thức bị bạo quyền bóp chết một cách tàn bạo.

Dấu ấn cuối đoạn phim

Cuối đoạn phim là cảnh một cặp vợ chồng trẻ đang ngồi bên Đài tưởng niệm Anh hùng Nhân dân, gương mặt cô gái dường như trở nên lo lắng khi thấy ống kính của nhà báo Arthur hướng về mình.

“Tại sao cô gái trẻ đó lại nhìn tôi với ánh mắt nghi ngại? Bởi vì cô ấy cảm thấy sợ hãi khi ở trong một cuộc đàn áp và giết chóc như vậy. Cô hẳn đang tự hỏi, người mang máy chụp ảnh kia liệu có phải là người của chính phủ không? Bởi vì cô có đủ mọi lý do để lo sợ điều đó”, ông Arthur nhớ lại. Thế là ông phải nghiêng đầu khỏi máy quay để cô nhận ra ông là nhà báo nước ngoài chứ không phải người của chính quyền.

Hình ảnh 2 vợ chồng trẻ buồn bã nhìn nhau. (Ảnh cắt từ video)

Nổ lực đưa chân tướng ra công chúng

Trong thời khắc cam go ấy, ông không hề muốn rời khỏi hiện trường chút nào. Nhưng vì bản thân là một nhà báo, ông cảm thấy mình cần đưa nguồn tài liệu quý giá này lên mạng trước khi chính quyền có thể sẽ bắt giữ và tịch thu máy quay của ông như những gì họ đã làm một tuần trước đó.

Trong lúc khẩn trương tìm đường thoát khỏi khu vực hỗn loạn, ông chợt nhận ra quân đội đang bắt đầu chú ý tới mình. Khi đi tới những con phố xung quanh, ông bắt gặp một số cảnh sát mặc thường phục đang bắt người, đặc biệt là những nhà báo có máy ảnh. Một trong những đồng nghiệp của ông đã bị nhóm cảnh sát này bắt đi, và đó cũng là nhóm người đã đánh ông trước đó rồi thốt ra những lời lẽ như:“Đập con lợn này đi!”.

Khi ấy Arthur cũng xém chút nữa thì bị bắt sau khi một nhóm cảnh sát phát hiện và đuổi theo ông. May thay, ông đã kịp chạy thoát và quá giang được một người lái xe kéo. Sau khi đoàn tụ với các đồng nghiệp của mình, họ đã nhanh chóng sắp xếp cho các cảnh quay được gửi đến Hồng Kông và Tokyo để phát sóng. Ông Arthur cũng nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc vài tuần sau đó.

Arthur cho biết thêm ông đã cố gắng chuyển đổi cảnh quay sang định dạng kỹ thuật số với độ phân giải cao và cung cấp phụ đề dịch lại những gì các bạn sinh viên nói khi đó, cũng như những gì chính quyền đang hét qua loa cầm tay. Ông muốn người xem thấy được các sự kiện diễn ra như thế nào, cảnh tượng quân đội đe dọa những người biểu tình “đi hay chết” ra sao, và cách các sinh viên thể hiện “sự dũng cảm khi cố gắng giúp đỡ những người đồng hành bị thương và sơ tán họ”.

Ông cũng quyết định sẽ đăng tải bộ phim lên trang web skyreporter.com của mình để nhiều người có thể biết về những gì đã xảy ra trong sự kiện thảm sát đó.

Bức thư của “Những bà mẹ Thiên An Môn”

Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh một bức thư của “Những bà mẹ Thiên An Môn” gửi cho lãnh đạo chính quyền Trung Quốc, yêu cầu được biết sự thật, được bồi thường và nhận trách nhiệm đối với vụ thảm sát đã cướp đi sinh mạng con cái họ.

Một người mẹ đau đớn khi nghe tin con trai mình bị bắn chết. (Ảnh qua buzzfeed)

“Sau bao năm tháng sống tại đất Trung Quốc, cuối cùng họ cũng đủ can đảm để nói với Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng ‘các người cần đưa ra lời giải thích về việc này’. Hãy tưởng tượng họ đã phải chịu đựng sự giám sát, quấy rối và đe dọa như thế nào trong bao năm qua, nhưng họ vẫn cam chịu. Thật là những con người đáng khâm phục”, ông Arthur chia sẻ.

Bảo San (Theo Epoch Times)