(PL)- “Nếu không làm thêm mức lương của người lao động khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, nếu làm thêm 7 triệu đồng/người/tháng, doanh nghiệp (DN) làm ăn tốt thì lương còn cao hơn.
Tăng thời gian làm thêm giúp người lao động giảm nghèo, gắn bó với DN chứ không phải để bóc lột” – ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May Hưng Yên, đặt vấn đề tại hội nghị đối thoại với DN về chính sách lao động, tiền lương và BHXH, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 3-7. Theo ông Dương, quy định giờ làm thêm không quá 30 giờ trong một tháng và không quá 200 giờ/năm, trừ các trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Ông Dương cho rằng quy định như trên là không hợp lý, đi ngược lại với các nước phát triển. “Ở Trung Quốc cho phép người lao động làm thêm 600 giờ/năm, Nhật Bản 720 giờ/năm. Việc làm thêm là giúp lao động có thêm thu nhập để nuôi sống vợ con, đó là nhu cầu thực tế, tại sao chúng ta lại quá hạn chế mong muốn chính đáng của họ… Tôi cho rằng cần điều chỉnh theo hướng tăng giờ làm thêm cho người lao động” – ông Dương góp ý.
Việc làm thêm là nhu cầu thực tế giúp lao động có thêm thu nhập. Ảnh: HTD Đồng tình, ông Chu Văn An, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đề xuất phải tăng giờ làm thêm lên 600 giờ/năm: “Nhiều khi tôm do nông dân trúng mùa đem đến nhà máy quá nhiều, DN không thể không nhận mà nhận sản xuất thì vi phạm giờ làm việc. Nói thật DN cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải trả ít nhất 150% tiền công cho làm thêm giờ bình thường, 215% làm thêm giờ ban đêm, 300% làm thêm giờ ngày lễ và 200% làm thêm ngày Chủ nhật. Hơn nữa DN cũng phải cân đối việc làm hằng ngày để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho người lao động. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân ghi nhận các ý kiến và sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét tăng mức trần đối với giờ làm thêm. Về mức lương ông Huân cho biết sẽ điều chỉnh theo chuẩn lương tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội. Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thêm sau khi tổng hợp các ý kiến Tổng Liên đoàn sẽ đưa ra mức lương hợp lý nhất: “Hiện nay người lao động có mức thu nhập 3-4 triệu đồng chiếm 32,4%, mức 4-5 triệu đồng chiếm 26,7% số còn lại 7-8 triệu đồng. Với mức lương như vậy họ chỉ đủ sống. Nước ngoài người ta tăng lương để tăng thu nhập, còn mình tăng làm thêm là để đủ sống nên phải cân nhắc để tăng lương phù hợp”. VIẾT LONG Theo Pháp Luật TP.HCM |