Trong vài ngày gần đây, đàn dê “lạ” có hình dáng giống với sư tử hiện được nuôi tại khu du lịch Làng Cù Lần (suối Cát, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã được giới khoa học đặc biệt chú ý.
Dê giống mới rất giống với sơn dương và sư tử ở khu du lịch Làng Cù Lần
Theo nhận định ban đầu của các nhà khoa học, đây rất có thể là giống dê được lai từ dê cỏ (dê nhà) với một loài hoang dã nào đó ở trong rừng, như sơn dương chẳng hạn. Nhìn hình dáng bên ngoài, rất dễ nhận ra đây không phải là loài dê cỏ thông thường; nhưng, chắc chắn nó không phải là sơn dương (dê núi), càng không phải sư tử. Tuy nhiên, người dân tộc thiểu số sống trong rừng Bidoup Núi Bà lại gọi đây là “dê sơn dương” hoặc “dê sư tử” để phân biệt với đàn dê nhà mà họ đang chăn nuôi. Dê sơn dương hiện đang có ở khu du lịch Làng Cù Lần có bờm lông cao và dài, lông rất dài mọc từ dưới mõm kéo xuống tận hai chân trước; lông mình cũng dài hơn dê bình thường rất nhiều; đặc biệt, sừng của nó cong và tròn vuốt về phía sau, gốc sừng có ngấn tròn (gốc sừng dê nhà thường có hình vuông)… nên nhìn nó vừa giống với sư tử và rất giống với dê núi (sơn dương). Qua khảo sát bước đầu, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đưa ra nhận định đây là một loài dê mới của Lâm Đồng, rất quý, cần được bảo vệ. Theo PGS.TS Lê Xuân Thám – GĐ Sở KH-CN Lâm Đồng: “Đàn dê thể hiện tính hoang dã cao. Nếu đúng là giống dê có nguồn gốc từ dê nhà lai với giống sơn dương ở Vườn quốc gia Bidoup thì đây là điều khá hiếm hoi. Tuy nhiên, để có kết luận chính thức, cần tiến hành điều tra xã hội học và đồng thời lấy mẫu đưa đi giám định để xác định nguồn gen”. Ông Văn Tuấn Anh, GĐ khu du lịch Làng Cù Lần cho biết, cách nay hơn hai năm, khi lang thang vào một buôn làng người dân tộc thiểu số ở thôn Klong Klanh thuộc xã Đạ Chair, huyện Lạc Dương (làng nằm ngay dưới chân núi Bidoup, thuộc rừng vườn quốc gia Bidoup Núi Bà), ông vô tình nhìn thấy đàn dê 3 con có hình dáng khác thường nên đã hỏi mua về nuôi. Theo ông Văn Tuấn Anh, chủ nhân của đàn dê người dân tộc thiểu số ấy cho biết, đây là “dê sơn dương” hoặc “dê sư tử”; nó được sinh ra bởi một con dê mẹ là dê cỏ thường lên núi Bidoup để kiếm ăn; đó là kết quả của việc giao phối của con dê nhà với một con đực sơn dương nào đó ở trên núi (trên núi Bidoup có nhiều sơn dương). Lúc ông Văn Tuấn Anh hỏi mua, người chủ cũ của đàn dê căn dặn rằng không được nuôi nhốt mà phải thả chúng ở môi trường tự nhiên thì chúng mới sống khỏe. Lúc ấy, một trong 3 con dê này đã có chửa. Mang về khu du lịch Làng Cù Lần, ông Tuấn Anh thả đàn dê vào môi trường tự nhiên rừng núi rộng khoảng 2ha (làng du lịch Cù Lần nằm trong cánh rừng tự nhiên thuộc thôn Suối Cát, xã Lát, huyện Lạc Dương, gần với khu vực rừng Bidoup Núi Bà). Tại đây, ông Văn Tuấn Anh chỉ thuê hai nhân viên canh chừng đàn dê chứ không can thiệp vào bất cứ điều gì đến chúng. “Mấy con dê sống trong môi trường tự nhiên mới, chúng tự tìm thức ăn trong rừng, tự đào hang để trú ẩn; đêm đêm có trăng, chúng kéo cả đàn lên triền đồi gặm cỏ ngắm trăng trông rất thú vị…”. Sau khi mua về được 3 tháng, dê mẹ đã mang thai trước đó sinh được hai con con. Hai con con này cũng hoàn toàn lớn lên trong môi trường hoang dã và không hề bệnh tật gì. Đặc biệt, càng lớn chúng càng giống sơn dương và có bờm giống sư tử trông rất đẹp. Để tránh đồng huyết, ông Văn Tuấn Anh đã lùng mua thêm vài con dê đực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở dưới chân núi Bidoup mang về thả chung. Đến nay, sau hơn hai năm, đàn dê đã phát triển lên 21 con (trong đó có hai con con vừa được sinh ra cách nay khoảng một tuần). Điều đặc biệt là tất cả đều có hình dáng giống sư tử và sơn dương như thế hệ đầu tiên. Theo Sở KH-CN Lâm Đồng, trong thời gian sớm nhất, Sở sẽ tiến hành một đề tài khoa học để nghiên cứu đàn dê sư tử, dê sơn dương tại khu du lịch Làng Cù Lần như đã từng nghiên cứu hiện tượng bò tót lai bò nhà tại vùng rừng giáp ranh giữa Lâm Đồng và Ninh Thuận cách nay vài năm. PGS.TS Lê Xuân Thám đề nghị: “Trong khi chờ đợi nghiên cứu, để bảo toàn nguồn gen của giống dê hoàn toàn mới này, không nên để chúng giao phối với các giống dê bình thường ở bên ngoài”. |
Theo Báo Nông nghiệp VN