Ai đã ăn dê của anh Páo nuôi trên đỉnh Tổng Mề Tê, lần sau lại phải tìm đến mua cho kì được. Với giá 130.000 đồng/kg, thịt dê nơi đây vừa ngọt lại có vị thơm của các vị thuốc quý trên đỉnh Hoàng Liên Sơn ngấm vào.
Từ một con dê sinh sản ban đầu, mà vợ chồng anh Hờ Nủ Páo gom góp tiền mua được, sau 10 năm anh Páo đã nhân lên cả đàn dê 100 con. Cách làm của anh Páo đã và đang làm thay đổi tư duy kinh tế của cả một vùng rộng lớn trên đất Mù Cang Chải (Yên Bái). Bản Chống Tông, xã Chế Cu Nha nằm tít trên núi cao. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn tựa cung mây kéo dài tới đường chân trời. Hỏi thăm đường đến nhà anh Páo, mấy phụ nữ người Mông chỉ lên phía đỉnh núi sau nhà: “Trang trại của Páo ở đó đấy. Cứ theo cái lối mòn chuột chạy mà đi”. Vượt qua được cái hướng chỉ tay của bà con, tôi mất cả nửa buổi vượt rừng. Con đường mòn luồn qua các tán rừng, dốc ngược lao thẳng về phía đỉnh núi. Khi tiếng xe máy không còn gằn lên nữa là lúc tôi đến khu nuôi dê của anh Páo. Tiếng lục lạc treo trên cổ những chú dê kêu leng keng làm vang cả một góc rừng. “Huấn luyện viên” của đàn dê
Từ một con dê, giờ Hồ Nủ Páo đã có đàn dê cả trăm con. Chiều buông. Mặt trời gác núi. Đàn dê của anh Páo từ khắp các ngả rừng dồn về thung lũng – nơi anh Páo đặt cái nhà gỗ để canh dê. Dê con, dê mẹ nối đuôi nhau kéo về làm náo loạn cả khu rừng. Anh Páo một công dân người Mông, dáng người thấp nhỏ, khuôn mặt hiền từ nhìn đàn dê như chuẩn bị đón đàn con của mình về nhà vậy. Anh Páo liền gọi: “Mai”, “Mai”… tựa như một hiệu lệnh đàn dê dồn cả về phía chủ. Chúng quây quần thành hàng bốn, hàng năm quanh anh Páo như đợi chờ một điều gì đó. Tay cầm túi muối, anh Páo nắm muối rồi tung ra đất cho cho đàn dê ăn. Đám dê con, dê cụ hà hít lấy từng hạt muối như những kẻ bị đói khát lâu ngày. Thoáng cái, chúng đã nhặt hết sạch những hạt muối mà anh Páo quăng ra. Nhìn đàn dê lên chuồng, anh Páo gật gù: “Mất cả một chặng đường dài, tôi mới huấn luyện chúng có thói quen tốt đó”. Từ lúc gặp anh Páo đến khi chiều buông, tôi cứ đếm đi, đếm lại mà không sao kiểm được số lượng trong đàn dê tại trại. Anh Páo nhìn tôi và cười đầy bí hiểm: “Phải kiểm dê như người chăn dê, tức là trong đàn phải nắm được từng con một mới kiểm được. Tôi có thể phân loại “gia phả” của từng con dê trong đàn. Biết được chúng hay mắc bệnh gì”. Chăn một lúc hơn trăm con dê, nhưng nom anh Páo khá nhàn hạ. Buổi sáng anh mở cồng chuồng cho chúng vào rừng ăn. Buổi chiều là chúng tự về, không mất một câu gọi. Đàn dê thực hiện giờ giấc chính xác như mặt trời mọc rồi mặt trời phải lặn vậy. Muốn đàn dê về sớm hơn dự định, anh Páo dùng chiếc loa tay đặt lên miệng rồi gọi: “Mai”, “mai”… nghe được âm thanh quen thuộc của chủ con “mai” – 1 con dê cái đầu đàn liền kêu lên một tiếng nữa là cả đàn dê phải tụ hợp về trang trại. Anh Páo bảo, mình chỉ cần quản con “mai” là nắm được cả đàn dê. Lũ dê này leo núi, khó có động vật nào sánh kịp. Một ngày chúng có thể đi xa 5 – 6km, nhưng con đầu đàn đi đâu thì chúng phải theo đấy. Không con nào dám đi xa quá. Chúng cũng là loài có “kỷ luật” trong đàn, không con nào dám vượt mặt con đầu đàn. Vượt đường rừng mua thịt dê 130.000 đồng/kg Mặt trời vừa xuống núi, sương lạnh đã tràn xuống thung lũng. Ở độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển, nên khí hậu ở vùng này quanh năm lạnh giá. Chẳng thế mà xung quanh nhà anh Páo chất rất nhiều củi. Những ngày nhiệt độ xuống thấp, anh Páo phải đốt lửa sưởi ấm cho lũ dê con. Mời chúng tôi lên căn nhà gỗ nhỏ làm giữa rừng xinh xắn cũng là nơi ăn chốn ngủ của gia đình anh Páo. Chưa kịp lên nhà, anh Páo “hạ lệnh” cho vợ, bắt ngay một chú gà xương đen đang chạy lăng xăng quanh trại làm món nhắm. Luống rau cải xanh mướt ngoài bìa rừng được hái về. Nấm hương loại hảo hạng, chỉ trên đỉnh Hoàng Liên Sơn mới có cũng được anh Páo hạ xuống thết đãi người khách phương xa. “Đảm bảo với anh tất cả thức ăn ở khu trại này đều bắt nguồn từ thiên nhiên. Đặc biệt là thịt dê nơi đây luôn được các lái buôn lựa chọn”, anh Páo tự tin khẳng định. Quả như lời anh Páo nói, đường lên trang trại xa xôi và khó tựa như lên trời, vậy mà các lái buôn vẫn phải vượt đường rừng lên tận trang trại bắt dê. Giá bán không đổi là 130.000 đồng/kg. Ai đã ăn dê của anh Páo nuôi trên đỉnh Tổng Mề Tê, lần sau lại phải tìm đến mua cho kì được. Thịt dê nơi đây vừa ngọt lại có vị thơm của các vị thuốc quý trên đỉnh Hoàng Liên Sơn ngấm vào. Nó tựa như một chất gây nghiện khiến những thực khách mỗi khi muốn ăn dê lại phải mò lên đỉnh Tổng Mề Tê bắt dê.
Chẳng thế mà đàn dê hơn trăm con của anh Páo, chẳng mấy khi tăng được số lượng vì con nào đến tuổi “lên thớt” là bị khách đòi mua bằng được. Hiện tại, anh Páo có 40 con dê sinh sản. Mỗi năm một con dê sinh sản 2 lứa, mỗi lứa chúng đẻ 2 con. Chúng sinh sản đều đặn như vắt chanh. Với 40 con dê sinh sản, một năm anh Páo có được 160 chú dê con. “Nuôi dê mang lại siêu lợi nhuận. Từ con giống ban đầu, chúng có thế nhân đàn rất nhanh. Thức ăn ngoài rừng, mình không mất một đồng nào mua thức ăn, trừ mấy cân muối”, anh Páo cho biết. Theo tính toán của anh Páo, nuôi 1 năm, 1 con dê đạt trọng lượng trung bình 30kg. Với giá bán hiện tại, 1 con dê tương đương 1 tấn ngô (gần 4 triệu đồng). Sau gần chục năm gắn bó với bãi chăn thả này, anh Páo đã tạo dựng cho mình cơ nghiệp tương đối vững vàng. Không chỉ nuôi dê rồi hái lộc rừng ăn dần, anh Páo còn trồng được 3ha sơn tra và 2ha thảo quả. Mình trồng rừng rồi rừng lại nuôi lấy mình. Rừng sơn tra khép tán, cây bụi, cây con mọc phía dưới rất nhiều nó là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn dê. Những vụ thảo quả được mùa, vợ chồng anh thu được cả trăm triệu đồng. Vài năm nữa, mấy ha sơn tra cho thu hoạch, anh cũng thu được tiền triệu chứ không ít. Sống ở rừng nên anh cũng luôn coi rừng như là ân nhân của mình. Sắp tới, vợ chồng anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng sơn tra. Từng vùng đất trống được phủ xanh cây cối cũng chính là lúc rừng sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho gia đình anh… Nên cơ nghiệp từ… “nhõn” một con dê Sống giữa vùng rừng núi hoang vu, nhờ chịu thương, chịu khó giờ vợ chồng anh Páo có tài sản trị giá tiền tỷ trong tay. Cái tư duy coi rừng là người bạn đồng hành trong cuộc sống, chứ không phải là nơi để mình bóc lột của vợ chồng anh Páo đã thu lại hiệu quả không ngờ. Ngồi giữa không gian mênh mông, trải dài của miền sơn cước, nhấp chén rượu ngô do vợ chồng anh Páo mời mà lòng như ấm lại. Sau tuần rượu, anh Páo mới thủng thẳng kể về quẵng đời đầy gian khó của gia đình mình. Anh sinh ra tại bản Chống Tông, trong một gia đình nghèo khó. Bố anh mất sớm, mình mẹ anh cặm cụi bới đất, lật cỏ trồng lúa, trồng ngô nuôi anh khốn lớn. Nhà nghèo, nên anh chỉ biết được cái mặt chữ là ở nhà giúp mẹ đi nương, đi rẫy. Chống Tông có nhiều ruộng bậc thang đẹp như mày ngài này chỉ giúp những du khách thưởng lãm cảnh đẹp hùng vĩ, nơi núi rừng, chứ không giúp bà con người Mông thoát nghèo. Bao năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt dẫn thủy nhập điền, mùa nối mùa, vậy mà cuộc sống của vợ chồng anh vẫn nghèo, vẫn đói. Những ngày đi rừng lấy củi, anh chỉ ước mình có tiền để mua vài con trâu, con bò về nuôi. Ước mong là vậy, nhưng trong nhà luôn thiếu ăn, nên anh Páo khó lòng tiết kiệm được tiền. Một hôm xuống trung tâm xã chơi, thấy người ta nuôi dê mang lại hiệu quả., anh đã mạnh dạn gom góp hết những gì gia đình tích cóp được, mua 1 con dê về nuôi. Sau hơn 1 năm dày công chăm sóc, con dê đã sinh được 1 con dê con. Bẵng đi vài năm, đàn dê của anh đã nâng lên 10 con. Ngày đầu, anh nuôi quanh bản, giống dê này lại đi khỏe, nên hay phá nương, phá ruộng của bà con. Nhận thấy nuôi dê mang lại hiệu quả cao, anh đã quyết định đưa đàn dê lên đỉnh núi sau bản nuôi. Ở đó rừng rộng ngút tầm mắt là nơi lý tưởng để cho đàn dê sinh trưởng. Ngày anh rời bản lên đỉnh núi lập nghiệp, nhiều người lắc đầu, không tin là anh thành công. Núi đã cao, quyết tâm của anh Páo còn cao hơn núi. Anh tự động viên mình, bao năm sống trong cảnh nghèo khó, giờ đàn dê này là cơ hội để anh đưa gia đình thoát khỏi danh sách hộ nghèo của bản. Vợ chồng anh động viên nhau lên núi ở. Hai đứa con trai ở nhà tự nấu nướng và đi học. Sau mỗi năm đàn dê được nhân lên. Có năm anh bán được cả trăm con dê, trị giá mấy trăm triệu đồng. Gắn bó với con dê nhiều năm, nên anh Páo rất hiểu tính nết của loài động vật ăn cỏ này. Chúng ít bệnh nhưng vào mùa mưa dê con thường bị ghẻ do bị dính nước mưa. Anh Páo cho rằng, muốn chúng không bị bệnh phải phòng bệnh cho chúng thật tốt. Chuồng trại phải làm kiên cố. Những ngày mưa to phải vào rừng cắt lá cây cho chúng ăn. “Mưa to là chúng không dám đi ăn vì bị lạnh bụng. Nuôi dê phải nắm được đặc điểm này mới thành công được”, anh Páo cho biết. Theo tính toán của anh Páo, rừng Chống Tông còn rộng lắm, nếu bà con người Mông nơi đây đồng lòng, trồng rừng, nuôi dê, chắc chắn cái đói, cái nghèo, không còn đất sống. Dê là con vật giúp bà con thoát nghèo nhanh nhất. Nuôi chúng đầu tư ít lại thu hồi vốn nhanh…
Theo Linh Nhi (Trang Trại Việt)
|
Theo Dân Việt