Hạnh phúc là một đề tài rất trừu tượng. Liệu các chuyên gia nghiên cứu có thể nói gì về hạnh phúc?
Nghiên cứu này quan sát hai nhóm người da trắng trong 75 năm, bắt đầu từ năm 1938:
• 268 sinh viên năm thứ hai của Harvard, một phần của “Nghiên cứu lớn” do nhà tâm lý học George Vaillant của đại học Harvard đứng đầu.
• 456 cậu bé từ 12 đến 16 tuổi lớn lên ở nội thành Boston, một phần của “Nghiên cứu Glueck” do giáo sư Sheldon Glueck của trường Luật Harvard đứng đầu.
Những nhà nghiên cứu này khảo sát những người tham gia về cuộc sống của họ (gồm cả chất lượng hôn nhân, sự hài lòng với công việc, và các hoạt động xã hội) hai năm một lần và theo dõi sức khỏe của họ (gồm cả X-quang khoang ngực, kiểm tra máu và nước tiểu, điện tâm đồ) năm năm một lần.
Và họ đi đến một kết quả chủ chốt: Các mối quan hệ tốt giúp ta hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn.
Trong bài nói chuyện của mình, Waldinger chỉ ra 3 bài học cốt yếu về hạnh phúc:
1. Các mối quan hệ thân thiết
Ở cả hai nhóm tham gia nghiên cứu kể trên, những người nói rằng họ thân thiết với gia đình, bạn bè hay cộng đồng có xu hướng hạnh phúc và khỏe mạnh hơn so với những người khác và họ cũng có vẻ sống lâu hơn. Ngược lại, những người nói rằng họ sống cô đơn thì cảm thấy ít hạnh phúc hơn. Ngoài ra, họ cũng có tình trạng sức khỏe và tâm lý không tốt bằng.
Một cuộc tổng hợp các nghiên cứu được công bố trên tập san Social and Personality Psychology Compass vào năm 2014 cho thấy sự cô đơn có thể tác động đến hoạt động tâm lý, giấc ngủ và tình trạng chung của cơ thể, và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong.
2. Chất lượng (chứ không phải số lượng) các mối quan hệ
Điều quan trọng không chỉ là có các mối quan hệ. Những cặp vợ chồng nói rằng họ thường xuyên cãi nhau và ít có tình cảm với nhau (được các tác giả của nghiên cứu gọi là “hôn nhân nhiều xung đột”) ít hạnh phúc hơn đáng kể so với những người không hề kết hôn.
Tuy nhiên, tác động của chất lượng mối quan hệ có vẻ phụ thuộc vào độ tuổi. Một nghiên cứu năm 2015 trên tập san Psychology and Aging quan sát những người tham gia trong 30 năm nhận thấy rằng số lượng các mối quan hệ mà người ta có, trên thực tế quan trọng hơn đối với những người ở độ tuổi 20, nhưng chất lượng các mối quan hệ có tác động lớn hơn đối với sự ổn định tâm lý xã hội khi người ta ở độ tuổi 30.
3. Hôn nhân ổn định và được cảm thông
Các mối quan hệ xã hội không chỉ tốt cho sức khỏe của chúng ta, mà còn giúp cho trí não luôn linh hoạt. Nghiên cứu của đại học Harvard cho thấy những người kết hôn mà không ly dị, ly thân hoặc có “vấn đề nghiêm trọng” cho đến năm 50 tuổi có trí nhớ tốt hơn so với những người khác. Và có nhiều nghiên cứu khác cũng ủng hộ kết luận này. Một nghiên cứu vào năm 2013 ở tập san PLOS ONE chỉ ra rằng trong số các yếu tố thì hôn nhân là yếu tố có khả năng làm giảm nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ và mất trí.
Tất cả những điều này cho thấy các mối quan hệ tích cực là yếu tố tiên quyết đối với sức khỏe của mỗi chúng ta.
Xã hội hiện nay nhấn mạnh quá nhiều vào sự giàu có và quá “chú trọng” công việc. Waldinger cho biết. “Tuy nhiên lần nào cũng vậy, trong suốt 75 năm nay, nghiên cứu của chúng tôi đều cho thấy rằng những người sống tốt nhất là những người chú trọng vào các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và cộng động”.